| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vỹ sông Ba

Thứ Năm 13/05/2021 , 09:20 (GMT+7)

Tôi đã viết rất nhiều về dòng sông Ba. Ấy vậy mà cứ mỗi một dịp xuôi quốc lộ 25, tôi lại cảm thấy vẫn chưa đủ, cứ muốn viết thêm một điều gì đó.

Làng ven sông đẹp thơ mộng.

Làng ven sông đẹp thơ mộng.

1.

Quốc lộ 25 - đường 7 trước năm 1975, dài 181km, bắt đầu từ quốc lộ 14 tại ngã ba Cheo Reo thuộc thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai, và kết thúc tại quốc lộ 1 ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Quốc lộ 25 như một dải lụa mềm, khi nấp trong bạt ngàn cao su, lúc xuyên qua những vườn cà phê, hồ tiêu, rồi nhẹ nhàng vắt qua vô vàn những sườn đồi bát úp…

Tuy nhiên, dẫu có xuyên có vắt sang đâu đi chăng nữa, thì quốc lộ 25 vẫn “chung tình” với sông Ba. Chỉ có những nơi do địa hình chia cắt, quốc lộ 25 và sông Ba mới tạm thời tách ra một đoạn - như những lúc giận hờn của chàng trai và cô gái yêu nhau, để rồi sau đó lại về với nhau, quyện vào nhau, càng thắm thiết hơn.

Tôi yêu tất cả những dòng sông trên dải đất hình chữ S này. Bởi lẽ, dòng sông nào cũng đẹp, cũng kỳ vỹ và mộng mơ. Và bởi lẽ, dòng sông nào cũng từng chứng kiến biết bao bi hùng của lịch sử dân tộc.

Sông Ba - tất nhiên - không là ngoại lệ…

Bắt nguồn từ những lạch suối nhỏ ở cao nguyên Kon Plong, tỉnh Kon Tum với độ cao 1.549m, sông Ba giống như những chàng trai Xê Đăng, BarNah lực lưỡng và kiêu hãnh.

Sông Ba - con sông kỳ vỹ nhất của vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ.

Từ điểm khởi nguồn, sông Ba uốn lượn trên các cao nguyên thuộc vùng cực bắc Tây Nguyên ở tỉnh Kon Tum, sau đó xuôi về Gia Lai, đi qua các huyện Kbang, An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa. Tại đây, dòng sông đổi hướng để vào huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai rồi đi vào địa phận tỉnh Phú Yên theo hướng tây - đông. Kết thúc cuộc hành trình dài 374km, sông Ba hòa vào biển lớn ở cửa biển Đà Diễn (còn gọi là cửa Đà Rằng), phía nam thành phố Tuy Hòa.

Yên bình bên dòng sông.

Yên bình bên dòng sông.

Không biết tự khi nào, sông Ba đã là biểu tượng thiêng liêng của các cư dân sinh sống dọc hai bên bờ. Với lưu vực rộng 13.900km2, sông Ba là nơi quần tụ, sinh sống từ rất lâu đời của các tộc người bản địa như Dẻ Triêng, Sê Đăng, J’rai, BahNar… để từ đây, hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng của các cư dân bản địa.

Từ những con thác hùng vỹ nơi thượng nguồn đến những khúc quanh, những dòng chảy êm đềm xuôi về hạ du đều mang một dấu ấn đậm nét về văn hóa của cư dân sinh sống nơi đây: Đó là những bản trường ca bất tử, những chương sử thi hùng tráng và lãng mạn; đó là những câu chuyện tình đẹp của các chàng trai, cô gái Ê- Đê, Dẻ Triêng, J’rai, BahNar…; đó là huyền thoại đẹp về chiếc gươm thần và vị Vua Lửa của người J’rai; đó còn là những làng mạc thanh bình hai bên bờ mà trong nó là một di sản văn hóa độc đáo và khổng lồ với vút cong mái nhà Rông, với trầm mặc những bức tượng nhà mồ, với âm vang cồng chiêng, với la đà ché rượu, với lơi lả vòng xoang…

Sông Ba giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống các cư dân bản địa nơi nó chảy qua. Bằng những sản vật trời ban cho mình, sông Ba đã hào phóng dâng tặng lại tất cả cho con người.

2.

Tôi đã từng có dịp đi dọc con sông kỳ vỹ này, từ thượng nguồn đến hạ du. Đâu cũng đẹp. Đâu cũng muốn dừng chân đến vài ngày, cho thỏa! Nhưng có lẽ - với riêng tôi, điểm ấn tượng nhất vẫn là Bến Mộng, là Thung Lũng Hồng ở thị xã Ayun Pa.

Còn nhớ, cách đây vài chục năm, khi chưa có cây cầu Bến Mộng nối liền Ayun Pa với huyện Ia Pa, tôi đã từng đến đây. Có một con đò, ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, cứ lầm lũi và cần mẫn đưa khách sang sông. Tôi từng ngồi trên con đò ấy của ông Châu Sanh Ngọc (thường gọi là ông Sáu Ngọc), năm đó khoảng gần sáu mươi tuổi.

Cũng có lần, ông chèo đò, chở tôi từ Bến Mộng, xuôi sông Ba đến Thung Lũng Hồng dưới chân đèo Tô Na - phân giới giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai. Hôm ấy là vào tiết xuân, nước không lớn, chỉ đủ để cho con đò không va phải những tảng đá dưới lòng sông. Con đò trôi tự nhiên trên dòng nước chảy nhẹ, thi thoảng ông Sáu Ngọc mới đưa chiếc dầm chèo xuống nước, lái cho con đò khỏi đi vào bờ.

“Gọi là Bến Mộng là để phân biệt với Bến Mơ phía bờ trái dòng sông, thuộc huyện Ia Pa”, ông Sáu Ngọc nói với tôi. Ông kể: Bến Mơ ngày đó có một dãy cây sung xanh tốt. Mùa hè, ở đâu nóng chứ Bến Mơ thì cứ mát lạnh. Rồi một năm lũ dữ tràn về, hàng cây sung bị sạt lở, trôi theo dòng nước dữ. Bến Mơ từ đó chỉ còn lại trong ký ức…

Chẳng mấy chốc đã đến Thung Lũng Hồng. Ở đây còn có những tên gọi khác hết sức lãng mạn như Thung Lũng Tình Yêu, Thung Lũng Chân Trời Tím…

Hồi trước năm 1975 thì tôi không biết, chứ chuyến xuôi Bến Mộng cùng ông Sáu Ngọc cách đây mấy mươi năm, Thung Lũng Hồng vẫn còn tương đối hoang sơ với những chùm phong lan tít tắp trên những tán cây cổ thụ, soi bóng xuống dòng nước trong vắt. Và mai rừng - thi thoảng lấp ló trong những lùm cây là một gốc mai rừng khoe sắc vàng rực rỡ.

Cũng theo ông Sáu Ngọc thì có tên gọi Thung Lũng Tình Yêu bởi phong cảnh ở đây đẹp, khí hậu mát mẻ nên không ít cặp đôi trai gái hay đến đây tình tự. “Mà nó còn gắn với một câu chuyện tình rất đẹp của người J’rai ở đây từ lâu lắm!”, ông Ngọc nói.

Còn Thung Lũng Hồng hoặc Thung Lũng Chân Trời Tím có lẽ là bắt nguồn từ sự thay đổi màu sắc trong ngày, tùy vào ánh nắng sáng, trưa hay chiều chiếu xuống dòng nước, rồi hắt lên cánh rừng bên bờ sông để có những màu sắc vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

Đoạn sông ở Thung Lũng Hồng bỗng rộng ra mênh mang, nước duềnh lên xanh biếc. Hôm ấy, ông Sáu Ngọc có mang theo một túm chài. Gác mái dầm dọc con đò, ông đứng lên, khẽ nhún chân, rồi vung tay tung túm chài xuống sông. Con đò khẽ chao nhẹ. Mặt nước nơi túm chài phủ xuống vỡ òa thành những con sóng tròn lăn tăn… Tối đó, tôi và ông Sáu Ngọc gỡ cá trong túm chài, uống rượu ngay giữa lòng thung lũng…

Phía trên bờ sông, quốc lộ 25 vẫn thủy chung uốn lượn theo dòng sông, dẫu cho bỗng đâu từ trong núi, lao ra một quả đồi để rồi thành con đèo Tô Na, nối Ayun Pa với Krông Pa. Mà hồi đó, cá ở Thung Lũng Hồng rất ngon. Có dịp, tôi sẽ nói về cá đá sông Ba mạn An Khê, hay cá chốt ở Thung Lũng Hồng dưới chân đèo Tô Na.

Quốc lộ 25 mềm mại uốn lượn theo dòng sông Ba.

Quốc lộ 25 mềm mại uốn lượn theo dòng sông Ba.

3.

Có dịp là tôi lại xuôi đường 25, men theo sông Ba, về tận Tuy Hòa. Đến địa phận tỉnh Phú Yên, sông Ba đổi tên thanh sông Đà Rằng - từ đọc trại đi của tên gọi Ea Drăng - tiếng Chăm cổ có nghĩa là “con sông lau lách”. Ở đây, những làng mạc sầm uất, thanh bình khẽ khàng nép bên dòng sông.

Gần đổ ra biển lớn, sông Ba còn hào phóng khi uốn mình, tạo thành một vùng châu thổ rộng lớn trên hai mươi ngàn héc- ta, tạo nên cánh đồng Tuy Hòa rộng nhất Nam Trung bộ. Chưa hết, từ hệ thống thủy nông Đồng Cam, nước từ sông Ba được đưa vào, tưới cho cánh đồng lúa rộng lớn này…

Cứ mỗi lần về Tuy Hòa, ngủ đêm lại đây, tôi không ở khách sạn, mà thường ghé lại một Homestay nho nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu. May Homestay - cái tên gọi nhẹ nhàng, dễ thương. Đường Nguyễn Đình Chiểu ở trung tâm thành phố, vài phút đi bộ là đã được đứng trước biển.

Đêm ở đây yên tĩnh lạ thường, yên tĩnh đến nghe được cả hơi thở nhẹ của ai đó - ngoài kia, đến như nghe được cả những thì thầm của sông Ba - sông Đà Rằng khi về với biển…

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

  • Cây mang quần áo, sách vở đến miền đất khó
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:00

    Mỗi lần ngắt từng hạt đỏ đỏ, xinh xinh xuống, vị trưởng bản huyện Sốp Cộp lại như chạm vào kỷ niệm của một ngày chưa xa.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.