| Hotline: 0983.970.780

Lai Châu tiêu hủy 1.200 con gia cầm nhiễm virus cúm A/H5N6

Thứ Sáu 09/10/2015 , 22:14 (GMT+7)

Cơ quan chức năng huyện Tam Đường đã cho tiêu hủy khoảng 1.200 con gia cầm các loại do nhiễm virus cúm A/H5N6 tại hai ổ dịch thuộc xã Sơn Bình và xã Bình Lư.

Ngày 8/10, Trạm Thú y huyện Tam Đường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy gần một nghìn con gia cầm các loại.

Trong đó, có trên 600 con là của 12 hộ thuộc bản 46 xã Sơn Bình, còn lại 300 con là gà giống không rõ nguồn gốc, do cơ quan chức năng bắt được của một đối tượng tên Hà Quang Trung ở bản Hưng Phong xã Bản Bo (Tam Đường) vận chuyển lậu qua vùng có dịch cúm A/H5N6.

Theo thông tin từ Trạm thú y huyện, ổ dịch này xuất hiện tại gia đình ông Hoàng Xuân Quý, trưởng bản 46 từ khoảng trung tuần tháng 9.

Khi đó đàn gia cầm trên 1.000 con mà chủ yếu là gà của gia đình ông Quý chết lác đác. Tuy nhiên do nghĩ là gà bị bệnh chết bởi chuyển mùa, ông Quý chỉ dùng thuốc để chữa cho đàn gà mà không thông báo tình hình cho cán bộ thú y.

Đến ngày 2/10, cơ quan thú y đã cho lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương vùng I để xét nghiệm.

Đến ngày 7/10, kết quả từ Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương vùng I cho thấy, các mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm đều dương tính với virus cúm A/H5N6.

Ngay sau khi có kết quả trên, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo cho các lực lượng tiến hành khoanh vùng và tổ chức dập dịch.

Ông Bùi Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Ngoài việc tổ chức tiêu hủy tại chỗ, phun tiêu độc khử trùng; UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phát cấp thuốc tiêu độc khử trùng cho các bản trong vùng uy hiếp và vùng đệm. Đồng thời, cử cán bộ xuống các bản theo dõi, kiểm tra giám sát nắm tình hình để kịp thời phát hiện dịch. Yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý chặt việc mua bán gia cầm ở các chợ, không được vận chuyển ra khỏi địa bàn dưới bất kỳ hình thức nào. Ngay sau đó sẽ cho cơ quan chuyên môn tổ chức tiêm phòng toàn bộ đàn gia cầm của huyện và đề nghị UBND tỉnh công bố dịch trên địa bàn xã Sơn Bình…

Về nguyên nhân, ông Vinh cho biết cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định được nguồn gốc xuất hiện ổ dịch.

Trường hợp của đối tượng Hà Quang Trung vận chuyển gà giống lậu không rõ nguồn gốc bị bắt nêu trên, ngoài việc tịch thu, tiêu hủy tang vật tại chỗ; đối tượng cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trước đó từ ngày 17/9, tại Trại thực nghiệm giống gia cầm thuộc Trung tâm Dạy nghề huyện Tam Đường cũng xảy ra tình trạng gà chết hàng loạt. Sau khi xem xét các triệu chứng ban đầu, cả cơ quan thú y huyện và tỉnh đều kết luận là đàn gà bị bệnh tụ huyết trùng cấp.

Sau nhiều ngày điều trị theo phác đồ của bệnh trên không có kết quả, cơ quan thú y đã lấy mẫu xét nghiệm gửi về Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương vùng I. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus cúm A/H5N6.

Từ kết quả trên chiều ngày 28/9, cơ quan chức năng đã cho tiêu hủy toàn bộ số gà còn lại của trại thực nghiệm giống (trên 200 con gà và 17 con đà điểu). Đồng thời tổ chức cách ly 8 cán bộ của Trại giống để theo dõi bởi cả 8 người này đều bị cúm trong quá trình điều trị, chăm sóc đàn gà.

au thời gian cách ly theo dõi, cả 8 trường hợp đều trở lại bình thường; tất cả đều âm tính với virus cúm A/H5N6 theo như kết quả xét nghiệm của Viện Dịch tễ Trung ương.

Ngày 30/9, UBND tỉnh Lai Châu đã ra Quyết định số 1128/QD – UBND, công bố dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N6) trên địa bàn xã Bình Lư, nơi đóng chân của Trại thực nghiệm giống nêu trên.

Cũng như ổ dịch tại bản 46 xã Sơn Bình, đến thời điểm này, cơ quan chuyên môn chưa xác định được nguyên nhân gây ra dịch tại Trại thực nghiệm giống.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.