Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk - nơi khởi sự viên chức của Trần Thị Ngọc Ái Sa. |
Đồng thời, tài khoản facebook cũng tiết lộ rằng, Trần Thị Ngọc Ái Sa chỉ mới học xong cấp hai và từng làm nhân viên ở salon tóc nhưng nhờ nhan sắc xinh đẹp mà thành đạt như diều gặp gió trong hàng ngũ công chức Nhà nước. Thông tin giả mạo và bịa đặt chăng? Không, ngay hôm sau 4/10, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có cuộc gặp gỡ báo chí để xác nhận thông tin trên hoàn toàn có cơ sở.
Sự việc thực hư như thế nào? Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, đã mạo danh chị gái mình để chen chân vào chốn công danh. Cụ thể, bà Trần Thị Ngọc Thảo sinh năm 1975, còn bà Trần Thị Ngọc Ái Sa sinh năm 1973. Vì sao bà Trần Thị Ngọc Thảo muốn tồn tại bằng tư cách của Trần Thị Ngọc Ái Sa? Rất đơn giản, vì bà Trần Thị Ngọc Thảo cần cái bằng Tú Tài của chị ruột mình.
Năm 1999, với thân phận Trần Thị Ngọc Ái Sa, bà Trần Thị Ngọc Thảo xin việc vào làm tại Xí nghiệp chế biến cà phê của Công ty xuất nhập khẩu 2-9. Sau đó, bà Trần Thị Ngọc Thảo dùng bằng tú tài của chị để tiếp tục học Trung cấp kế toán. Từ năm 2002- 2005, bà Trần Thị Ngọc Thảo đảm nhận vị trí kế toán tại khách sạn Bạch Mã.
Cuối năm 2005, bà Trần Thị Ngọc Thảo bỗng dưng trúng tuyển viên chức để giữ vị trí kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Quá trình làm việc tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Trần Thị Ngọc Thảo theo học Đại học từ xa (thuộc Đại học Đà Nẵng) để lấy bằng Đại học Kế toán. Năm 2009, bà Trần Thị Ngọc Thảo được điều động về làm kế toán tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến năm 2013, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó phòng Quản trị Hành chính (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Và đến năm 2016, bà Trần Thị Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản trị Hành chính.
Tháng 8-2019, một lá đơn nặc danh đã gửi đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk để tố cáo bà Trưởng phòng Quản trị Hành chính - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk không phải thân phận thật sự của Trần Thị Ngọc Ái Sa. Bởi lẽ, Trần Thị Ngọc Ái Sa vẫn đang đi làm ở một bệnh viện bên Lâm Đồng. Không mấy khó khăn để các đơn vị liên quan của tỉnh Đắk Lắk lần ra manh mối của kiều nữ Trần Thị Ngọc Thảo.
Màn kịch gay cấn “hồn Trương Ba da hàng thịt” kết thúc, bà Trần Thị Ngọc Thảo đành có Tờ Trình viết ngày 10-9 gửi Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, thú tội: “Thời điểm xảy ra vụ việc, tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chỉ vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn, nên tôi đã mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm. Chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác. Qua làm việc, tôi thấy việc làm của tôi là sai trái, và xin thành khẩn nhận khuyết điểm của mình, và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Đảng, của tổ chức. Tôi nhận thấy bản thân đã sai phạm, và xin thôi việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk”.
Như vậy, thân phận giả mạo của bà Trần Thị Ngọc Thảo đã rõ ràng. Và bà Trần Thị Ngọc Thảo cũng không quanh co chối cãi hoặc ranh ma phân bua. Tuy nhiên, sự cố chấn động này vì sao không phải do Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk công bố, mà phải hơn nửa tháng sau mới phanh phui trên mạng xã hội?
Trần Thị Ngọc Thảo trong thân phận chị ruột! |
Phải chăng, có những cá nhân bức xúc đã giúp công luận giải.. mật một vụ khuất tất đáng sợ trong công tác cán bộ ở Đắk Lắk? Bà Trần Thị Ngọc Thảo có thể dùng cái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa để xin làm những công việc phổ thông, nhưng không thể được bổ nhiệm vào hệ thống công chức đơn giản như vậy?
Quá trình kết nạp Đảng để quy hoạch và bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Thảo đã xuất hiện “quý nhân” nào giúp đỡ chăng? Người ta nhìn vào sự lộng lẫy và sang trong của bà Trần Thị Ngọc Thảo những ngày tung tăng ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk rồi tót vào Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, thì đành phải xót xa đặt câu hỏi: có sự nâng đỡ không trong sáng ư? Trong hồ sơ cán bộ của nữ Trưởng phòng Quản trị Hành chính - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thì gia đình bà chỉ có 11 người con, và không có ai tên Trần Thị Ngọc Thảo!
Ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thừa nhận có sai sót trong quá trình thẩm tra lý lịch cũng như trong quy trình xem xét bổ nhiệm đối với bà Trần Thị Ngọc Thảo: "Tất cả các cá nhân, tập thể liên quan đến sai sót này đều sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm. Riêng đối với bà Thảo, có thể sẽ xử lý kỷ luật ở mức cao nhất. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che".
Khái niệm “nâng đỡ không trong sáng” được hình thành từ câu chuyện thăng tiến vượt trội của hotgirl Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, mà kết quả thanh tra đã cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn. Trường hợp bà Trần Thị Ngọc Thảo dùng thân phận Trần Thị Ngọc Ái Sa ở tỉnh Đắk Lắk cũng có màu sắc tương tự.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẳng thắn: “Không trong sáng tức là đen tối. Tức là mờ ám. Mà những việc làm mờ ám là những việc làm xấu xa. Nói như thế cũng là cách diễn đạt một cách tinh tế thôi. Không trong sáng có nghĩa là đen tối, xấu xa!”.