Thương vụ Việt Nam tại Italia (Ý) vừa có văn bản báo cáo gửi Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tiếp tục cảnh báo đến các doanh nghiệp Việt Nam, phải hết sức thận trọng trong ký kết các hợp đồng, thực hiện giao dịch hàng hóa xuất, nhập khẩu ở thị trường này để tránh bị lừa đảo.
Qua tổng hợp từ nhiều vụ việc, Thương vụ Việt Nam tại Ý cho biết một số hình thức lừa đảo xuất khẩu phổ biến như: công ty của Ý đã đặt cọc cho công ty Việt Nam, nhận hàng từ công ty Việt Nam nhưng sau đó không trả tiền hàng còn lại; hoặc công ty Việt Nam đã đặt cọc nhưng công ty Ý không thực hiện giao hàng...
Khi vụ việc xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Ý để đi xác minh công ty của Ý, nhưng nhiều địa chỉ đều là giả mạo, không có văn phòng công ty như trong hợp đồng.
Đặc biệt, một số người Ý phối hợp với các nhóm lừa đảo quốc tế, làm giả các loại chứng từ, kể cả chứng từ thanh toán... để tìm cách chiếm đoạt bộ chứng từ gốc, được nhận hàng rồi tẩu tán...
Thương vụ Việt Nam tại Ý khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc ký kết hợp đồng với các điều khoản thanh toán, phải sử dụng những phương thức thanh toán an toàn; thường xuyên liên hệ với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp xác minh tính chính xác các thông tin liên quan đến đối tác, tránh bị lừa đảo bởi nếu dĩnh bẫy của đối tượng lừa đảo xuất khẩu, ngoài nguy cơ bị mất tiền, hàng hóa, doanh nghiệp cũng sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực vào hoạt động tố tụng.
Trước đó, trong tháng 3/2022, 100 container hạt điều xuất sang Italia có dấu hiệu bị lừa đảo đã gây "chấn động" trong hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là khi xuất khẩu điều là một trong những ngành hàng xuất khẩu nông sản chủ lực.
Trong vụ việc này, các doanh nghiệp Việt đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán "nhờ thu" hay còn gọi là "trả tiền nhận chứng từ D/P" và rủi ro đã xảy ra khi các doanh nghiệp này đang mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc.