| Hotline: 0983.970.780

Làm chủ công nghệ sản xuất giống cá cảnh giá 1 triệu đồng/con

Thứ Tư 13/07/2022 , 07:35 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Các nhà khoa học Viện Hải dương học đã làm chủ công nghệ sản xuất cá khoang cổ nemo, một trong ba loài cá cảnh được ưa chộng, xuất khẩu hàng đầu trên thế giới.

Đây là kết quả triển khai dự án phát triển thương mại cá khoang cổ nemo cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do Ths Hồ Sơn Lâm (Viện Hải dương học) làm chủ nhiệm.

Loài cá cảnh được ưa chuộng hàng đầu

Cá khoang cổ nemo (Amphiprion ocellaris) hay còn gọi cá hề, cá hải quỳ là loài cá biển thuộc họ Pomacentridae. Chúng có cơ thể ngắn, hình bầu dục, kích thước khoảng 11cm (4,3 inch), với màu sắc từ cam đến nâu đỏ hoặc màu đen. Cá sống cộng sinh với hải quỳ và được tìm thấy ở vùng biển đông Ấn Độ Dương, phía tây Thái Bình Dương, Bắc Úc, Đông Nam Á và Nhật Bản.

Viện Hải dương học đã làm chủ công nghệ sản xuất cá khoang cổ nemo. Ảnh: Kim Sơ.

Viện Hải dương học đã làm chủ công nghệ sản xuất cá khoang cổ nemo. Ảnh: Kim Sơ.

Tại Việt Nam, vào năm 2009, cá khoang cổ nemo được phát hiện ở vùng ven bờ thuộc Quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Cá thường sống thành từng nhóm nhỏ trên các sườn đá ngầm bên ngoài hoặc trong các đầm phá ở độ sâu tối đa 15m, là nơi sinh sống của 3 loài hải quỳ khác nhau: Heteractis awfica, Stichodactyla gigantea và Stichodactyla mertensii.

Theo Ths Hồ Sơn Lâm, cá khoang cổ nemo là một trong những loài được thị trường cá cảnh thế giới ưa chuộng nhất trong các giống cá khoang cổ. Một phần cá nổi tiếng với cái tên nemo, nhân vật chính trong phim hoạt hình “Đi tìm nemo” (Finding Nemo). Mặt khác, chúng sống hội sinh với hải quỳ tạo nên vẻ đẹp lạ và hấp dẫn. Ngoài ra, loài cá này có khả năng thích nghi cao trong điều kiện nhân tạo nên chúng được nuôi làm cảnh khá phổ biến.

“Trên thị trường thế giới, cá khoang cổ nemo là một trong ba loài cá cảnh xuất khẩu hàng đầu. Những năm trước đây, loài cá này được nhập vào Việt Nam từ các quốc gia như Indonesia, Singapore với số lượng không nhiều và giá khá cao, dao động từ 120 – 250 ngàn đồng/con, gấp 10 lần so với các loài cá khoang cổ khác”, Ths Hồ Sơn Lâm chia sẻ và cho biết, do cá có giá trị kinh tế nên đang bị khai thác quá mức trong tự nhiên. Theo đó, mỗi năm cá nemo được đánh bắt từ Quần đảo Trường Sa từ 3.000 – 5.000 con, song khả năng thích nghi với môi trường nuôi nhốt trong các bể cá kém, dễ bị bệnh và tỷ lệ chết cao.

Sản xuất được 3 dòng cá nemo đột biến

Nhằm thay thế nguồn cá khoang cổ nemo đánh bắt từ tự nhiên, đồng thời hướng đến việc xuất khẩu qua các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, Viện Hải dương học đã cho sinh sản nhân tạo thành công 3 dòng cá nemo đột biến gồm Mocha storm, snowflake và Frostbite. Trong đó, dòng cá nemo đột biến Mocha storm nhập khẩu hiện có giá bán trên thị trường lên đến 1,7 triệu đồng/con.

Cá khoang cổ nemo là một trong ba loài cá cảnh xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Ảnh: Kim Sơ.

Cá khoang cổ nemo là một trong ba loài cá cảnh xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Ảnh: Kim Sơ.

Về quy trình sản xuất giống cá nemo, Ths Hồ Sơn Lâm cho biết thêm, việc đầu tiên là chọn cá bố mẹ ngoài tự nhiên có kích thước từ 5 - 8cm, với màu sắc cam tươi, cơ thể không trầy xước, mắt không bị lồi, cá bơi lội hoạt bát. Sau đó cá bố mẹ được thuần dưỡng trong môi trường nhiệt độ bình thường, độ mặn 32 - 34‰ và cho ăn thịt tôm tươi và thịt động vật thân mềm tỷ lệ 5 - 10% khối lượng cơ thể.

Trong bể nuôi cá bố mẹ có đặt chiếc chậu đất nung là giá thể để cá nemo đẻ trứng thay thế gành đá rạn san hô. Chiếc chậu đất nung được khoét phần đáy để dễ dàng đặt sục khí cho quá trình ấp. Trứng cá sau khi đẻ 6 - 7 ngày sẽ nở thành cá con. Lúc cá nhỏ sẽ cho ăn các loại thức ăn sống như luân trùng, artemia, khi cá lớn hơn cho ăn thức ăn tổng hợp.

Cũng theo Ths Hồ Sơn Lâm, hiện năng lực sản xuất cá nemo của Viện khoảng 6.000 con cho mỗi đợt khoảng 4 tháng. Trong đó, cá nemo đột biến hiện được bán cho một số doanh nghiệp và các người chơi cá cảnh nhỏ lẻ, giá dao động từ 300.000 - 1 triệu đồng/con (tùy loại). Còn các dòng nemo thường chỉ bán từ 35 - 40 ngàn đồng/con.

Viện Hải dương học đã sinh sản nhân tạo thành công 3 dòng cá nemo đột biến. Ảnh: Kim Sơ.

Viện Hải dương học đã sinh sản nhân tạo thành công 3 dòng cá nemo đột biến. Ảnh: Kim Sơ.

Với việc làm chủ công nghệ sản xuất giống cá nemo, sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn sản phẩm cho tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu. Hơn nữa, giá thành sản phẩm cá sản xuất nhân tạo thấp hơn giá của sản phẩm thu từ tự nhiên. Mặt khác, trang thiết bị phục vụ cho quy trình sản xuất cá nemo đơn giản, có thể tận dụng các trại sản xuất giống thủy sản không còn hoạt động. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chủ yếu trong nước, vì thế chi phí không cao.

Đặc biệt, cá khoang cổ sản xuất nhân tạo có chất lượng ổn định, tỷ lệ sống cao, dễ nuôi, đáp ứng yêu cầu về đặc tính đối tượng tại thị trường trong nước, cũng như tạo tiền đề để phát triển thị trường ngoài nước. 

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sinh sản các loài cá khoang cổ nemo đột biến và một số cá cảnh biển có giá trị cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, xây dựng bộ hồ sơ lý lịch cá khoang cổ nemo để chứng minh nguồn gốc cá bố mẹ, cá con cho thủ tục xuất khẩu cá và tương lai cho công tác theo công ước CITES", Ths Hồ Sơn Lâm cho biết.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.