Vài năm trở lại đây, cá cảnh biển được nhiều người săn đón và tìm mua về chơi nên việc kinh doanh, mua bán các loại cá này cũng rầm rộ. Cũng từ đây, nghề lặn biển “săn” cá cảnh cũng bắt đầu xuất hiện ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Những người làm nghề này đều là người dân địa phương, có người vì sức khỏe yếu, có người thì tuổi đã cao không theo được những chuyến đi dài ngày trên biển nên chuyển qua làm nghề này.
So với công việc bạn thuyền trên những chuyến tàu lớn, thu nhập có phần ít hơn những ít ra nghề này cũng tạo công ăn việc làm cho một phần lao động địa phương.
Theo những người làm trong nghề, không phải lúc nào cũng có thể đi lặn cá cảnh mà chỉ những khi có khách đặt hàng hoặc điều kiện thời tiết thuận lợi thì họ mới bắt đầu công việc. Đó là những ngày trời quang mây tạnh, sóng biển êm nhẹ, nước trong mới có thể bắt được cá.
Phương tiện đánh bắt của họ chỉ đơn giản gồm 1 chiếc thuyền nhỏ công suất chỉ vài chục CV, 1 tấm lưới dài tầm trên dưới 1m, 1 bộ đồ bảo hộ, ống cấp khí nén, 1 dây đeo chì, bình nước loại 21 lít là có thể ra khơi. Thông thường, mỗi thuyền chỉ đi 2 người và ra đến khu vực cách bờ từ 1 – 2 hải lý, nơi có độ sâu từ 5 – 7m để “săn” cá.
Tầm 5h sáng, các thợ lặn chạy thuyền ra khơi để hành nghề. Sau khi đeo các trang thiết bị cần thiết, họ bắt đầu công việc của mình. Những người làm nghề này cho biết, thông thường họ bắt các loại cá cảnh ở độ sâu từ 5 – 7m, ẩn mình ở trong những rạn san hô và dùng lưới vây để bắt.
Bên cạnh đó, việc bắt cá cảnh này hoàn toàn dùng bằng phương pháp thủ công, không dùng hóa chất gì nên để chọn và bắt được các giống cá cảnh phù hợp mất rất nhiều thời gian. Do đó mà các thợ lặn thường mất cả tiếng đồng hồ ở dưới nước. Không những vậy, họ cũng có 1 quy tắc là với những con cá mang trứng bị dính lưới dù đẹp, có giá trị cao nhưng đều được thả lại biển.
Ông Phạm Văn Đỉnh (55 tuổi, thợ lặn cá cảnh ở huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: “Trước đây, tôi thường đi theo các tàu lớn ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản. Bây giờ già cả rồi, không đi nổi nữa nên về làm nghề lặn cá cảnh này kiếm tiền qua ngày. Ngày bình thường thì mỗi người kiếm được vài trăm ngàn, ngày gặp may thì được tiền triệu”.
Sở dĩ có ngày bình thường và ngày may mắn như lời ông Đỉnh là do cá cảnh biển rất nhiều loại. Có con chỉ có giá vài chục ngàn nhưng có con lên đến tiền trăm. Ngày nào may mắn gặp được những con cá có giá trị thì thu nhập của thợ lặn cũng vì thế mà tăng lên.
Được biết, công việc lặn cá cảnh này chỉ kéo dài trong vài giờ đồng hồ, dù bắt được ít hay nhiều thì cứ đến khoảng 12 giờ trưa, các thuyền đánh bắt lại quay về bờ để nhập cá lại cho người thu mua.
Nhìn những con cá óng ánh đủ màu sắc được thu mua hết khi đánh bắt về thì ai cũng tưởng là công việc dễ kiếm tiền. Tuy nhiên, khi biết rằng họ phải lặn sâu xuống biển cả tiếng đồng hồ như thế không phải ai cũng làm được mà phải là những người thợ lặn kinh nghiệm. Bởi thế mà hiện nay tại Lý Sơn cũng chỉ có hơn 10 người làm nghề này.