| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng: Giai đoạn mới của mắc ca sau 15 năm phát triển

Thứ Tư 11/05/2022 , 08:15 (GMT+7)

Sau 15 năm phát triển, Lâm Đồng đang bước vào giai đoạn phát triển mới của cây mắc ca theo chiều sâu, đồng thời hướng tới 15 nghìn ha mắc ca vào năm 2045.

Trồng xen, trồng thuần đều lợi nhuận cao

Tại tỉnh Lâm Đồng, cây mắc ca bắt đầu được trồng từ năm 2006. Đến nay, diện tích trồng cây mắc ca khoảng 5.160ha, được trồng chủ yếu tại các huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đam Rông, Lạc Dương, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc. Trong đó, diện tích cây mắc ca thực sinh khoảng 820ha, chiếm khoảng 21%.

Mắc ca trồng xen trong vườn cà phê ở Lâm Đồng cho lợi nhuận khoảng 105 triệu đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

Mắc ca trồng xen trong vườn cà phê ở Lâm Đồng cho lợi nhuận khoảng 105 triệu đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, diện tích mắc ca kinh doanh của địa phương hiện có khoảng 1.640/5.160ha. Sản lượng quả khô trong năm 2021 đạt 2.204 tấn. Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, địa phương hiện có khoảng 31 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến mắc ca với tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu đạt 1.842 tấn quả, hạt/năm.

Khối lượng sản phẩm chế biến như mắc ca sấy nứt và nhân hạt đạt khoảng 883 tấn và đang được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, sân bay, cửa hàng tiện lợi trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Úc...

Ông Trần Văn Tuận chia sẻ, đối với diện tích trồng xen, 1ha mắc ca khi bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định từ năm thứ 7 trở đi, sau khi trừ chi phí sẽ đạt lợi nhuận bình quân 105 triệu đồng. Với diện tích mắc ca trồng thuần, lợi nhuận bình quân năm thứ 5 và thứ 6 là hơn 172 triệu đồng/ha và từ năm thứ 7 trở đi là khoảng 385 triệu đồng/ha.

Hiện nay, diện tích mắc ca trồng thuần ở Lâm Đồng ở vào khoảng 151ha, còn lại trên 5.000ha chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê, chè... Ngành nông nghiệp nhận định, mô hình trồng xen góp phần giúp nông dân canh tác cà phê, chè bền vững, tăng độ che phủ đất, đa dạng hóa sản phẩm để giảm rủi ro về thị trường, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Lâm Đồng hiện có khoảng 151ha mắc ca trồng thuần, còn lại trên 5.000ha được trồng xen trong vườn cà phê, chè. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng hiện có khoảng 151ha mắc ca trồng thuần, còn lại trên 5.000ha được trồng xen trong vườn cà phê, chè. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển mắc ca. Tại các vùng trồng như huyện Di Linh, huyện Lâm Hà, cây mắc ca cho thu hoạch quả với năng suất lên đến 20 - 30kg hạt/cây.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, sau khoảng 15 năm hình thành và phát triển, ngành sản xuất mắc ca của Lâm Đồng đang từng bước khẳng định tiềm năng thế mạnh, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và tăng độ che phủ đất, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu gần 15 nghìn ha mắc ca

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, để nâng cao chất lượng sản phẩm mắc ca, những năm gần đây, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, HTX và người dân tổ chức tuyển chọn, sản xuất giống.

Với khoảng 820ha mắc ca thực sinh được trồng từ năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện công tác tuyển chọn giống. Việc này đã góp phần đáp ứng nhu cầu giống năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương.

Hiện nay, các giống mắc ca đang được trồng tại Lâm Đồng gồm: 246, 741, 800, 816, 842, 849, 695, 900, 0C, H2, 508, Dadow, QN1, A38 và cây thực sinh.

Tỉnh Lâm Đồng hướng đến sản xuất mắc ca chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng hướng đến sản xuất mắc ca chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Minh Hậu.

Với lợi thế hiện có, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển, mở rộng diện tích sản xuất mắc ca lên 14,9 nghìn ha trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2013 và tầm nhìn đến năm 2045 là 15.173ha.

Cùng với đó, Lâm Đồng cũng quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến mắc ca, các loại sản phẩm hàng hóa đến năm 2045 là 62 cơ sở, doanh nghiệp, trong đó 11 cơ sở sơ chế và 51 cơ sở chế biến. Công suất tiêu thụ nguyên liệu ước khoảng 4.538 tấn quả/năm, khối lượng sản phẩm sau chế biến là 1.566 tấn, chủ yếu là quả khô sấy nứt, nhân hạt sấy khô, tinh dầu, bột mắc ca... để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các tổ chức tập huấn, hội thảo tại các vùng trọng điểm trồng mắc ca để cung cấp thông tin cho người dân về chính sách sách hỗ trợ cũng như nguồn giống, kỹ thuật canh tác... Đặc biệt, chú trọng bình tuyển những cây đầu dòng mới từ những vườn cây thực sinh đang trồng, đủ tiêu chuẩn để làm giống", ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết.

Hiện nay, Lâm Đồng đã cơ bản đánh giá, tuyển chọn được bộ giống mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, Lâm Đồng đã cơ bản đánh giá, tuyển chọn được bộ giống mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Tuận, ngành nông nghiệp địa phương cũng hướng đến thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng cây mắc ca, sản xuất mắc ca được cấp chứng nhận, cấp mã số vùng trồng, sản xuất mắc ca theo chuỗi để làm đầu mối cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu và từng bước nâng cao giá trị và thương hiệu mắc ca Lâm Đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Lâm Đồng là tỉnh phía nam Tây Nguyên, có diện tích đất rừng chiếm khỏang 53%, diện tích trồng cà phê lớn với khoảng 175 nghìn ha, phần lớn diện tích cà phê là trồng độc canh nên có thể phát triển trồng xen mắc ca để tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã đánh giá được một số giống mắc ca như 846, 849, QN1, OC, A38 có năng suất, chất lượng cao nên kết hợp với các doanh nghiệp, HTX, người dân tổ chức ghép cải tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.