Văn bản cho hay, theo quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, dự kiến đàn bò sữa của toàn tỉnh sẽ có trên 30.000 con.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã để xảy ra một vụ việc phức tạp trong thực hiện hợp đồng thu mua sữa giữa Cty CP Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) và người chăn nuôi bò sữa mà các cơ quan thông tin đại chúng đã đưa tin.
UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện Đơn Dương, các xã có liên quan và Dalatmilk đã tập trung giải quyết cơ bản được những khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên vẫn chưa mang tính chất bền vững, lâu dài nhằm ổn định SX
Bởi vậy, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các địa phương và đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về chủ trương, chính sách, định hướng phát triển đàn bò sữa; trước mắt, không tăng đàn cơ học mà tập trung cho công tác kiểm soát chất lượng con giống, kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y, đảm bảo ATVSTP; xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của người chăn nuôi khi thực hiện hợp đồng mua bán sữa tươi với các DN theo đúng quy định của pháp luật.
Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát chất lượng con giống, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc; hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi bò sữa, đảm bảo tuyệt đối ATVSTP đối với sản phẩm sữa tươi.
Sở Công thương phối hợp với các DN thu mua, chế biến sữa tươi tại Lâm Đồng tổ chức các hoạt động quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sữa trong tỉnh và cả nước để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm sữa của Lâm Đồng.
Dalatmilk bố trí kinh phí để thanh toán tiền mua sữa của người dân trong thời gian vừa qua. Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 chi trả ít nhất 50% số tiền nợ nhằm giải quyết khó khăn cho người dân.
Đồng thời cần làm việc với Tập đoàn TH True Milk để đưa sản phẩm sữa của Dalatmilk vào hệ thống phân phối của Tập đoàn TH True Milk, nâng công suất chế biến, mở rộng thị trường.