| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng nỗ lực đưa nông nghiệp lên tầm cao mới

Thứ Hai 08/05/2023 , 14:02 (GMT+7)

Những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng không ngừng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh.

Nâng cao giá trị nông sản, tăng giá trị sử dụng đất

Tỉnh Lâm Đồng có khoảng 300 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp với các vùng sinh thái rõ rệt gồm độ cao dưới 500m, vùng có độ cao từ 500 - 800m và vùng có độ cao từ 800 - 1.500m. Đây cũng là địa phương có tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực… phù hợp để sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có nhiều loại nông sản có ưu thế cạnh tranh trên thị trường như chè, cà phê, dâu tằm, bò sữa, cá nước lạnh và các loại rau, hoa cao cấp.

Hiện nay, Lâm Đồng có khoảng gần 80 doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn gần 267 triệu USD. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện nay, Lâm Đồng có khoảng gần 80 doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn gần 267 triệu USD. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, có khoảng gần 80 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn gần 267 triệu USD. Cùng với doanh nghiệp FDI, trên 1,4 nghìn doanh nghiệp, cơ sở trong nước đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó có 327 doanh nghiệp đang đầu tư 393 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích khoảng trên 56 nghìn ha.

“Hiện nay, Lâm Đồng có trên 1 nghìn hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại sản xuất nông nghiệp và hình thành các vùng chuyên canh có quy mô sản xuất lớn với khoảng 174 nghìn ha cà phê, trên 12 nghìn ha chè và 65 nghìn ha rau, 9 nghìn ha hoa, đàn bò sữa hàng chục nghìn con”, ông Nguyễn Văn Châu cho biết.

Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là lĩnh vực được đánh giá thuộc TOP đầu cả nước, được các doanh nghiệp trong, ngoài nước quan tâm. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đến nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh trên 62 nghìn ha với giá trị sản xuất bình quân từ 180 triệu đồng/ha/năm. Theo đánh giá, nhiều diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 62 nghìn ha với giá trị sản xuất bình quân từ 180 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 62 nghìn ha với giá trị sản xuất bình quân từ 180 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Châu, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản và tăng giá trị sử dụng đất. Cùng với đó, việc này cũng góp phần lan tỏa, giúp nông dân ở địa phương thay đổi tư duy, tập trung đầu tư sản xuất và phát triển thị trường.

Đặc biệt tạo điều kiện để địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng nói: “Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp. Cùng với đó là đóng góp vào tăng thu ngân sách của địa phương, giải quyết việc làm và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, thời gian qua, địa phương đã thu hút được trên 103 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 533 triệu USD. Trong đó có 77 doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 267 triệu USD. Các dự án đầu tư lớn, nhỏ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước lẫn FDI đều có sự đóng góp to lớn trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Trải thảm đỏ” mời nhà đầu tư chế biến nông sản

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp. Triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào và khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tỉnh này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về định hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các chính sách ưu đãi đầu tư. Cùng với đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, hàng năm tỉnh này cũng tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để có phương án tháo gỡ, giải quyết.

Tỉnh Lâm Đồng khuyến khích, ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng ít tài nguyên và có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng khuyến khích, ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng ít tài nguyên và có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng cũng tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển kinh tế, xã hội với các địa phương trong nước để giới thiệu, quảng bá tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp để thu hút đầu tư. Bằng hình thức này, nhiều nhà đầu tư ở các địa phương khác đã nắm bắt và tìm đến Lâm Đồng để khảo sát, đầu tư thực hiện dự án.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện nay, để tiếp tục thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, địa phương đang hướng đến xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở vùng nông thôn. Trong đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm với nông dân, hợp tác xã theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.

“Chúng tôi hướng đến tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt là tỉnh sẽ chú trọng phát triển công nghiệp chế biến cũng như thị trường để khai thác tiềm năng, lợi thế và nâng cao chuỗi giá trị nông sản”, ông Nguyễn Văn Châu cho biết.

Tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến khích, ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng ít tài nguyên và có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao. Đặc biệt khuyến khích đầu tư các dự án về sản xuất giống, công nghiệp chế biến.

Tỉnh Lâm Đồng cũng hướng đến lựa chọn, ưu tiên các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn có tiềm lực thực sự về vốn cũng như công nghệ và thị trường để thu hút đầu tư. Ảnh: Kim Sơ.

Tỉnh Lâm Đồng cũng hướng đến lựa chọn, ưu tiên các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn có tiềm lực thực sự về vốn cũng như công nghệ và thị trường để thu hút đầu tư. Ảnh: Kim Sơ.

Đối với doanh nghiệp FDI, địa phương cũng hướng đến lựa chọn, ưu tiên các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn có tiềm lực thực sự về vốn cũng như công nghệ và thị trường để thu hút đầu tư. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với tổ chức JICA thực hiện thí điểm mô hình Khu Công nghiệp nông nghiệp để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư sản xuất, liên kết với nông dân sản xuất và chế biến nông sản để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Cùng với việc ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức hỗ trợ họ doanh nghiệp trong nước, các hợp tác xã, tổ hợp tác để những tổ chức này có điều kiện phát triển. Đây là cách tạo cầu nối vững chắc giữa nông dân với các chủ thể kinh tế lớn hơn nhằm tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chế biến sản phẩm hiệu quả để mở rộng thị trường.

Ngoài ra tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp tục đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó bao gồm giao thông, thủy lợi… để giảm các chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh cho nông sản trên thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Giá thuê đất đang là trở ngại đối với doanh nghiệp

Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên quỹ đất đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư hiện nay lại hạn chế. Theo cơ chế sử dụng đất hiện nay, các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù với người dân trong khi giá đất nông nghiệp trên địa bàn cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Cùng với đó là chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cũng tăng cao. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở địa phương bị chậm lại, nhất là thu hút các doanh nghiệp vốn FDI.

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.