Lao động tự do không mặn mà với bảo hiểm xã hội
Theo Tổng cục thống kê, năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. So với một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Myanmar, tỷ lệ lao động phi chính thức của Việt Nam thấp hơn, tuy nhiên so với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này của Việt Nam vẫn ở mức cao.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Hiến kế mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) với lao động phi chính chức” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 9/6, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, trong số lao động phi chính thức thì chỉ khoảng 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào.
"Điều này dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động, đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động. Bởi, lao động khu chính thức lại chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản…
Trong khi đó, lao động khu vực phi chính thức hiện đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo", ông Việt Anh thông tin.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Bình Tân cho biết, do dịch bệnh và những tác động kinh tế, xã hội, từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn quận có hàng chục ngàn người lao động bị mất việc.
Riêng Công ty TNHH Pouyen Việt Nam có hơn 8.000 người lao động đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp và phần lớn người lao động trong số này chuyển sang lao động trong khu vực phi chính thức như chạy xe ôm công nghệ, mua bán, làm việc theo giờ tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ…, nhiều người trong số đó đã rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH), tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”: đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn 14,33 triệu người tăng 6,7% so với năm 2019 (13,42 triệu người), chiếm trên 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp ước tính đến 30/4/2023 khoảng 14,280 triệu người (tăng 654 nghìn người (tương đương 4,8%) so với cùng kỳ năm 2022).
Hiến kế mở rộng độ bao phủ
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho rằng, hiện nay người làm việc ở khu vực phi chính thức (hay gọi là lao động tự do) không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện, bởi họ chủ yếu là những người lao động tự tạo công ăn việc làm cho mình, phần lớn trong số đó không được có cơ hội đào tạo nâng cao kỹ năng nghề.
Để tham gia BHXH tự nguyện, lao động phải có nguồn tài chính vừa đủ để đảm bảo nhu cầu cuộc sống, vừa dư một khoản để đóng BHXH.
Theo ông Hà, tại TP.HCM, năm 2022, có khoảng 2,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 61.000 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 8,6 triệu người tham gia BHYT.
Tính đến tháng 3/2023, số lao động tham gia BHXH bắt buộc khoảng gần 2,5 triệu người và 31.000 người tham gia BHXH tự nguyện, trong khi đó chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao cho TP.HCM khoảng 61.000 người.
"TP.HCM do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cuối năm 2022 nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như dệt may, gỗ, da giày, nội thất… cho nhiều lao động nghỉ việc, gần đây nhất là công ty Pouyen có số lao động xấp xỉ 80.000 người đã có kế hoạch cho 5.000 lao động nghỉ việc.
Như vậy 5.000 lao động này sau khi mất việc sẽ đi về đâu, bao nhiêu người trong số đó có hợp đồng lao động mới, có thu nhập đủ đảm bao an sinh xã hội. Đây là câu hỏi khó.
Chính quyền thành phố cũng có nhiều giải pháp, ví dụ Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ Việc làm đến tận nơi để tìm hiểu nguyện vọng, giới thiệu việc làm… nhưng tỉ lệ người lao động của Pouyen được Trung tâm Dịch vụ Việc làm hỗ trợ tìm kiếm việc rất thấp. Như vậy, số người lao động mất việc và không có nhu cầu được hỗ trợ từ phía nhà nước là rất lớn. Điều đó cho thấy việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện ở TP.HCM là vấn đề khó", ông Dũng Hà nêu.
Vì vậy, để đạt được hiệu quả trong việc nâng cao tỷ lệ lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, theo ông Hà, cần kết hợp nhiều yếu tố từ chính sách, thu nhập và nhận thức.
Theo ông Hà, Bộ luật Lao động mới sửa đổi có điều chỉnh đối tượng điều chỉnh mở rộng hơn. Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động... trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì Bộ luật Lao động 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng.
"Việc điều chỉnh này đã mở rộng và đảm bảo người sử dụng lao động phải nghiêm túc hơn trong quá trình sử dụng lao động. Những trường hợp dù không ký kết hợp đồng nhưng hai bên thỏa thuận, có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động. Đây là hành lang pháp lý để bảo vệ cho người lao động làm việc trong khu vực lao động phi chính thức để nghiên cứu, đặc biệt người lao động sử dụng công nghệ như xe ôm công nghệ", ông Hà nói.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, vai trò của lao động phi chính thức là một phần không thể tách rời trong cơ cấu lao động, lực lượng lao động này chủ yếu là lao động không có quan hệ lao động, nằm ở khu vực nông thôn, tuy nhiên, lại đóng góp cho tăng trưởng kinh tế rất lớn. Vì vậy, nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chính sách chăm lo an sinh, hỗ trợ đối với các đối tượng này nhằm tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, nhất là khu vực nông thôn.
Lý giải về nguyên nhân sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động phi chính thức trong thời gian gần đây, ông Thắng cho rằng là do Covid-19, tác động của suy thoái kinh tế, tình hình xung đột Nga - Ukraine. Mặt khác, hiện nay, nhiều hình thức kinh tế mới ra đời như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chuyển đổi, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... kéo theo lực lượng giao hàng công nghệ, bán hàng online xuất hiện nhiều. "Vậy làm sao để đưa lực lượng này vào lao động chính thức là vấn đề cần được đặt ra", ông Thắng nói.
Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, về giải pháp, đầu tiên cần truyền thông để nâng cao nhận thức của người lao động khu vực phi chính thức; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động và để người lao động ý thức được vị thế của mình; Tăng cường giám sát ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung thực hiện tối đa đưa chính sách vào thực tiễn và tiếp tục nhấn mạnh chế tài xử lý, trốn đóng BHXH; Bổ sung hình thức thụ hưởng với BHXH tự nguyện; Tăng cường đào tạo tay nghề, để người lao động tham gia thị trường lao động bền vững.
Dịp này, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát động cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” mùa 3 năm 2023 nhằm phát hiện và tôn vinh những sáng kiến, đóng góp thầm lặng của các cá nhân, tập thể trong việc đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động; quan tâm thực hiện công tác chăm lo, đãi ngộ và những điều kiện tốt nhất cho lao động nữ, nhất là lao động nữ nhập cư ở thị trường lao động phi chính thức. Đồng thời, thực hiện những giải pháp để chăm lo, đãi ngộ cho lao động nữ, trong đó có lao động nữ khuyết tật để họ ổn định cuộc sống...
Cuộc thi sẽ trao 18 giải cá nhân, 1 giải tập thể với tổng giải thưởng trị giá 195 triệu đồng.