Cần Thơ phát triển nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa. Thanh Hóa cam kết đồng hành với doanh nghiệp Nhật Bản. Sơn La vào mùa mận cơm. Tây Ninh mở rộng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới thêm 110.000ha.
CẦN THƠ PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM CÀNG XANH TOÀN ĐỰC TRÊN ĐẤT LÚA
(Văn Vũ)
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ hỗ trợ nông dân thực hiện nuôitôm càng xanh toàn đực trong ao nuôi quảng canh, kết hợp cho tôm ăn các củ quả với thức ăn công nghiệp và thu hoạch tỉa dần.
Theo nhiều hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ cho biết, với diện tích ao nuôi khoảng 1ha, người dân có thể thu hoạch đạt tổng sản lượng tôm từ 1 - 1,2 tấn, với giá bán từ 200.000 - 220.000 đồng/kg (loại 20 con kg), mỗi ha nuôi tôm càng xanh nông dân có thể đạt lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng/vụ nuôi.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP. Cần Thơ cho biết: Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đã được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ người dân tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện từ năm 2016, với diện tích 20ha và đã được duy trì đến nay.
Mô hình đã thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu, giảm chất thải ra môi trường, cho ra sản phẩm an toàn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa thuần túy từ 3 lần trở lên.
Thanh Hóa cam kết đồng hành với doanh nghiệp Nhật Bản
Chiều 6/5, tỉnh Thanh Hoá tổ chức hội nghị kết nối Thanh Hoá – Nhật Bản năm 2023 với chủ đề “Thanh Hoá – Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững”. Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của tỉnh Thanh Hoá; là quốc gia có số vốn đầu tư FDI cao nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; trong đó có nhiều dự án đóng vai trò hạt nhân, có tác động lan toả trong tỉnh, trong khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa khẳng định: Tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới; tập trung huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển. Thanh Hoá cam kết sẽ "Luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp"; sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao nhất tại tỉnh Thanh Hóa.
SƠN LA VÀO MÙA MẬN CƠM
Quang Linh (khai thác)
Sơn La hiện có khoảng hơn 1.000 ha diện tích mận cơm với sản lượng mỗi năm 3.000 - 4.000 tấn.
Thời điểm này, mận cơm Sơn La đang vào vụ thu hoạch nên được các nhà vườn rao bán giá chỉ 6.000 - 8.000 đồng một kg, bằng một phần ba các loại mận khác.
Theo người dân địa phương, so với mận hậu, mận cơm có giá trị kinh tế không cao. Sở dĩ người dân vẫn duy trì loại cây này vì chúng dễ trồng. Ngoài thu quả, vài năm gần đây nhiều nhà vườn còn tỉa cành bán hoa nên loại này cho lợi nhuận ổn định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La cho hay, giá mận cơm thấp nhưng loại này có năng suất cao hơn các loại mận khác. Chúng được trồng tập trung tại các huyện Chiềng Cọ, Chiềng Ngần... Mùa thu hoạch của giống mận cơm kéo dài khoảng 2 tháng 4 và 5.
TÂY NINH MỞ RỘNG HỆ THỐNG THỦY LỢI TĂNG DIỆN TÍCH TƯỚI THÊM 110.000HA
(Lê Bình - Trần Trung)
Hàng năm, hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho 150.000 - 185.000 ha đất nông nghiệp trong toàn tỉnh Tây Ninh, nhất là trong mùa khô hạn.
Với dung tích 1,5 tỉ mét khối nước, hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi tưới tiêu chủ động gồm hai kênh Đông và kênh Tây với hệ thống tưới tiêu bốn cấp và kênh nội đồng. Nhiều vùng canh tác khi có kênh nội đồng xuyên qua đất như được hồi sinh canh tác lúa được ba vụ, những vườn cây ăn trái cũng xum xuê hơn.
Thực tế, công suất thiết kế của hệ thống thủy lợi này có thể còn đạt cao hơn nhiều. Định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp Tây Ninh sẽ mở rộng hệ thống các công trình thủy lợi phát triển, diện tích tưới tăng lên thêm 110.000 ha nhằm tận dụng tối đa công năng hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng.