| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu nơi mưa ít, nắng nhiều: Cần cơ chế đặc thù cho đàn dê, cừu

Thứ Ba 23/12/2014 , 08:20 (GMT+7)

Con dê, con cừu là sản phẩm đặc thù vùng đất "mưa ít, nắng nhiều" Ninh Thuận, vậy nhưng đến nay chưa có cơ chế hỗ trợ phát triển./ Những triệu phú vùng đất khô cháy

Cừu đang bị thoái hóa giống, vùng chăn thả tự nhiên ngày một bị thu hẹp, năng suất không cao. Do đó Nhà nước cần có cơ chế đặc thù đối với loại vật nuôi này. Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đề xuất.

Muốn tăng đàn cũng khó

Dê, cừu là con vật nuôi hầu như được nuôi khắp tỉnh, chúng giúp người dân Ninh Thuận vươn lên làm giàu. Thế nhưng bà con đang gặp khó, trở ngại “đầy rẫy”. Vùng chăn thả bị thu hẹp nhanh chóng, cừu cận huyết thống dẫn đến thoái hóa giống, còn mở rộng diện tích trồng cỏ thì nước không có.

Với nguồn vốn bé nhỏ, từ năm 1995, ông Đặng Văn Kiệt, ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước phát triển chăn nuôi dê và “phất” lên như diều gặp gió. Ban đầu ông nuôi vài con sau đó nhân đàn hơn 200 con. Từng đàn dê xuất bán, tiền “chảy” vào túi ông nhiều hơn.

Ban đầu ông nuôi dê tại ngôi nhà trong thôn nhưng dần dần diện tích chăn thả thu hẹp, ông kiếm được một khu đất ở núi Bà Rôn, cách nhà chừng 10 km mở trang trại. Thấy việc chăn nuôi dê có đồng ra đồng vào, người dân nơi đây cũng thi nhau mở trang trại như ông. Do vậy, núi Bà Rôn có hàng chục đàn dê. Dê nhiều, nguồn thức ăn khan hiếm, ông Kiệt buộc giảm số lượng, giờ chỉ có 10 con dê và 30 con cừu. Bao nhiêu vốn liếng, ông tập trung chăn nuôi bò.

Còn ông Lê Hùng, ở Dốc Cậu, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn trước đây nuôi hơn 300 con dê, hằng ngày ông thả dê ra núi Hòn Dài. Nhưng từ năm 2010, ông không còn nuôi dê mà chuyển qua nuôi cừu. Nói về lợi nhuận, ông Hùng cho rằng, nuôi dê cho hiệu quả hơn cừu rất nhiều, thế nhưng ông đành “quay mặt” do diện tích chăn thả không có.

“Núi Hòn Dài chia cho người ta, đất của ai người nấy giữ. Họ dựng cọc, rào thép gai. Phần nữa có một số Cty khai thác đá hoạt động, nổ mìn liên tục nên chẳng có đất để dê dung thân. Trong khi đó, cừu dễ sống hơn dê, nên tôi chuyển qua nuôi”.

Theo tính toán của người dân, dê có thời gian sinh trưởng, trọng lượng như cừu. Tuy nhiên, giá bán thường cao hơn 30% so với cừu. Nuôi dê sẽ có lãi hơn nhiều, biết là vậy nhưng đành “đầu hàng”.

Ông Lê Niên, thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, trước đây chăn nuôi dê nhưng cách đây 9 năm phải bỏ dê chuyển qua nuôi cừu. Tưởng chuyển qua nuôi cừu sẽ dễ, ai ngờ cũng khó khăn, mà tựu chung là nguồn thức ăn hạn hẹp. Trong vòng 3 năm qua, ông phải di chuyển trang trại của mình đến 3 chỗ để chăn thả, vậy nhưng thức ăn luôn thiếu, do đó, ông buộc thuê 3 sào đất ở bên sông Dinh trồng cỏ.

Vào mùa mưa thì còn đỡ, còn mùa nắng nóng, phải dùng máy bơm tưới cho cỏ khá tốn kém. Để có nguồn thức ăn cho đàn cừu, ông Niên thuê tiếp 5 sào đất trồng cỏ. “Nếu không làm cách này không lấy đâu ra nguồn thức ăn cho cừu vào những thời điểm nắng nóng. Tuy nhiên, trừ chi phí lời lãi chẳng được so với ngày xưa, nhưng cũng phải làm thôi”, ông Niên nói.

Đáng lo ngại nhất đối với ông Niên là đàn cừu ngày càng bị cận huyết, cừu con sinh ra mang dị tật, nuôi không lớn. Để cải thiện, ông thường đến các huyện khác mua cừu đực để về cải thiện, nhưng cừu con sinh ra chẳng có gì mới mẻ. Tình trạng cận huyết xảy ra không riêng đối với đàn cừu ông Niên mà hầu hết ở các đàn cừu vùng Ninh Thuận.

Dê, cừu tủi phận

Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho rằng, dê, cừu là sản phẩm đặc thù nhưng chưa bao giờ có chính sách cho chúng.

Để phát triển chăn nuôi, UBND tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng đề án hỗ trợ nhân rộng các mô hình SX có hiệu quả, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn đến năm 2020. Hiện đề án được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận dự thảo và trình UBND tỉnh ký.
Theo đó, đối với lĩnh vực dê, cừu, bò được hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, khuyến khích phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến. Đối với mua dê hoặc cừu đực giống ngân sách hỗ trợ 30% (xã đồng bằng), 40% (xã miền núi, khó khăn).

Phải nâng cao thể trạng chúng lên thì chăn nuôi mới hiệu quả. Tiếp theo là chế biến, tiêu thụ ở đâu? Xây dựng thương hiệu dê, cừu cho Ninh Thuận, thật ra là chưa ai quan tâm, chính sách càng không.

Ông Tin bộc bạch: Trong Quyết định 50 của Chính phủ về “Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020” thì tập trung vào lợn, trâu, bò. Chính sách ưu ái rất nhiều đối với những con vật này, như hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh để thực hiện phối giống cho lợn nái; mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh cho một lần phối giống và không quá 5 liều tinh cho một lợn nái/năm.

Về hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống bố mẹ hậu bị: Hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt hoặc khó khăn được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị con giống lợn, trâu, bò đực giống để thực hiện phối giống dịch vụ. Mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 3 con lợn đực giống, mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đ/con đối với lợn đực giống từ 6 tháng tuổi trở lên.

Đặc biệt, hộ chăn nuôi được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị xây công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đ/công trình/hộ; hoặc được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đ/hộ...

Con cừu chỉ có nhiều và tồn tại được ở đất khó Ninh Thuận, còn con dê một số tỉnh khác cũng có nhưng tất thảy đều là vùng khó khăn, vậy mà dê, cừu lại nằm ngoài danh sách. Thật tủi phận! Bây giờ đàn cừu bị cận huyết, thoái hóa, chất lượng không cao. Giải quyết việc này, phải tìm ra giống mới, thế nhưng Ninh Thuận là tỉnh nghèo, kinh phí rất hạn hẹp. “Nhà nước phải coi nó cũng giống như con vật khác, thậm chí phải ưu tiên hơn, bởi đây là sản phẩm đặc thù vùng khô hạn, đằng này ngược lại, không có hỗ trợ gì. Đề nghị Trung ương nghiên cứu chính sách phát triển đàn dê, cừu”, ông Tin bày tỏ.

Theo ông Tin, đầu ra cừu, dê, lâu nay tỉnh có chính sách giết mổ nhưng khi xây dựng cơ sở thì Sở Xây dựng không đồng ý, bởi Nhà nước không quy định cụ thể về khoảng cách điểm giết mổ là cách bao xa so với khu dân cư. Tỉnh Ninh Thuận loay hoay từ năm 2006 đến giờ có 2 lần xây dựng đề án giết mổ nhưng không làm được. Lý do Sở Xây dựng nói xây cách xa khu dân cư bao nhiêu là vừa, ai chỉ ra được? Rất cứng nhắc!

“Con dê, cừu Ninh Thuận lâu nay vẫn bán thô, trong khi nông nghiệp có thời vụ, muốn sản phẩm không bị ép giá thì phải có công nghệ chế biến, bảo quản. Làm được điều đó thì dê, cừu chỉ bán trong nước cũng đủ giàu rồi”, ông Tin chia sẻ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...