Anh Tình chăm sóc đàn thỏ. |
Đây là một giống thỏ có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, có tốc độ sinh sản nhanh, đều, mỗi thỏ mẹ 1 năm có thể sinh sản từ 7 - 8 lứa, mỗi lứa từ 6 - 9 con. Đối với thỏ thịt thương phẩm có thời gian sinh trưởng ngắn, thời điểm xuất chuồng chỉ từ 3 - 3,5 tháng tuổi đã có trọng lượng tới 3kg nên anh Tình đã quyết định mua giống về nuôi với hy vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ngày đầu, anh Tình chỉ nuôi thử 10 đôi, thấy chăm sóc dễ lại phù hợp với địa bàn. Sau một thời gian, khi có kinh nghiệm và tích lũy được vốn, anh đã quyết định đầu tư chuồng trại nuôi thỏ quy mô lớn hơn, kết hợp nuôi lợn, gà, chim bồ câu. Phân thỏ anh tận dụng để nuôi giun quế xuất bán làm thức ăn trong chăn nuôi, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Tình cho biết: “Mới đầu tôi tham khảo trên mạng nuôi thử 10 đôi thấy có hiệu quả, tôi nhân giống, bây giờ thì cũng có khoảng 50 đôi thỏ nái, còn thỏ giống, thỏ thịt thường xuyên bán thu hàng tháng. Tôi thấy hiệu quả cao, bệnh tật ít hơn. Cơ bản cho ăn rau, rau lang, cỏ ngọt, cỏ voi, rau hoa đom đóm… Nuôi thỏ tuy khó vì luôn đòi hỏi cao về kĩ thuật thú y và khâu chọn giống, nhưng cũng rất dễ, chỉ cần làm chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng kịp thời; còn nguồn thức ăn chủ yếu là lúa, gạo, cám, chuối, rau, cỏ thì luôn luôn có sẵn ở địa phương”.
Để đảm bảo chất lượng thịt và giảm bớt chi phí thức ăn chăn nuôi, anh Tình mua máy móc tự chế biến được một phần thức ăn từ lúa, gạo, ngô, rau xanh cho thỏ, lợn, gà và chim. Hiện nay, anh Tình đang nuôi hàng trăm con thỏ sinh sản, thỏ giống và thỏ thịt; kết hợp chăn nuôi hàng trăm con lợn thịt, vài trăm con gà và chim bồ câu, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Có thể nói, bằng nghị lực, nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ dám làm để vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình mình, anh Hoàng Trung Tình là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.