| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Bình Phước chuyển mình: [Bài 2] Phủ xanh vùng bán ngập

Thứ Tư 03/07/2024 , 08:30 (GMT+7)

Không chỉ hàng trăm ha rừng được tái tạo lại trên vùng bán ngập thủy điện Cần Đơn (huyện Bù Đốp), mà còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ.

Năm 2003, khi công trình Thủy điện Cần Đơn hoàn tất, đi vào hoạt động đã nhấn chìm hàng trăm ha đất, rừng tự nhiên phía dưới hạ lưu, biến nơi đây thành vùng “đất chết”. Sau khi tìm tòi, thử qua nhiều giải pháp, đến nay vùng đất này đã xanh trở lại, những cây vạt gáo nước đang “lội nước” lớn dần, tạo thành một vùng sơn thủy hữu tình, tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái.

Là người đi đầu, khởi xướng chương trình tái xanh vùng đất bán ngập Thủy điện Cần Đơn, ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp kể, từ khi thủy điện tích nước đi vào hoạt động, cứ “mưa xả, khô tích”, nên vùng bán ngập thuộc xã Phước Thiện, huyên Bù Đốp này bị “sa mạc hóa” hoàn toàn.

Một góc rừng trên đảo nhỏ nằm giữa lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Ảnh: HT.

Một góc rừng trên đảo nhỏ nằm giữa lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Ảnh: HT.

Không cam tâm nhìn một vùng đất mênh mông bị hoang hóa, ông Ách nung nấu quyết tâm khôi phục rừng. Những ngày sau đó ông cùng đồng đội ngược xuôi tìm loài cây trồng phù hợp cho vùng bán ngập. 

“Giai đoạn đầu rất khó khăn, chúng tôi mất gần 6 năm trời đi dọc sông Đắk Huýt để tìm các loại cây có khả năng bám trụ, sinh sống và trồng thí điểm trên vùng đất này. Các loại cây tràm nước, gáo rừng đã được thực nghiệm nhưng đều thất bại do không chịu được ngập kéo dài. Trong một lần về miền Tây, tôi thấy cây gáo nước ở vùng này phát triển rất tốt ở vùng bán ngập, nước lợ. Hỏi anh em kiểm lâm dưới đó mới biết, cây này có thể chịu úng nước, hạn, rất tốt. Sau khi lấy giống về trồng thử, thấy cây phát triển được, nên tôi báo cáo lãnh đạo huyện, xin trồng đại trà”, ông Ách kể.

Năm 2012, sau khi thống nhất chủ trương, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp cùng nhiều nhân sự các cơ quan của huyện Bù Đốp, và Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn bắt đầu ra quân trồng thí điểm 30ha cây gáo nước và cây tràm giống miền Tây tại vùng bán ngập. Tuy nhiên khi triển khai trồng, cây vẫn chết. “Sau khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết, nguyên nhân cây chết là do bị ngập lút ngọn quá lâu. Đó là do có thời điểm hồ thủy điện ngập hai đến ba tháng, có lúc lại khô cạn nhiều tháng liền, nên cây không chịu nổi. Cây gáo nước có khả năng chịu hạn, chịu ngập tốt, nhưng khi mới trồng cây còn nhỏ, thấp chỉ cần nước ngập qua ngọn liên tục 2 tuần là chết”, ông Ách nói tiếp.

Đây là kết quả sau nhiều năm nỗ lực của tập thể Hạt Kiểm lâm Bù Đốp và nhiều đoàn thể, đơn vị của huyện Bù Đốp. Ảnh: HT.

Đây là kết quả sau nhiều năm nỗ lực của tập thể Hạt Kiểm lâm Bù Đốp và nhiều đoàn thể, đơn vị của huyện Bù Đốp. Ảnh: HT.

Sau nhiều ngày đau đầu suy nghĩ, cuối cùng, một giải pháp được ông Bảy Ách đưa ra là điều chỉnh vị trí, khu vực trồng cây gáo hợp lý. Đó là chọn chỗ ngập ít trồng trước, khi cây lên cao từ 0,5 đến 0,7m mới mang trồng xuống chỗ ngập sâu. Làm sao cho cây vẫn lú được ngọn lên để “thở”, không bị “chết đuối”. Đúng như dự đoán, cây chết là do ngộp nước. Do đó, khi ngọn còn nhô lên khỏi mặt nước là cây sống. Kết quả là, cây sống đạt 95%.

Ông Lương Văn Bảo, cán bộ Hạt Kiểm lâm Bù Đốp cho biết, sau khi mô hình thành công, tỉnh Bình Phước khuyến khích bằng chủ trương cho Hạt Kiểm lâm Bù Đốp tiếp tục trồng thêm trên tất cả các vùng bán ngập còn lại. Đến nay, hiệu quả từ rừng bán ngập ở Bù Đốp ngày càng rõ nét. Hiện diện tích cây rừng đang phát triển rất tốt, khi khép tán sẽ ngăn chặn hiện tượng rửa trôi phù sa dọc sông Đắk Huýt, góp phần giúp thủy điện tránh được tình trạng bồi lắng lòng hồ. Khi có rừng là hệ động vật có điều kiện phát triển, các loại chim thú, các loài bò sát bắt đầu tìm về sinh sống. Hệ sinh thái bắt đầu đa dạng trở lại. Nơi đây không còn là “vùng đất chết” như cách đây 10 năm nữa.

“Loại cây được trồng trên vùng bán ngập chủ yếu là gáo vàng, loài cây này có khả năng chịu ngập úng, khô hạn và phát triển tốt ở ven hồ, có khả năng chống xói lở, rửa trôi đất, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái. Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 2.000ha vùng bán ngập, nếu diện tích này được phủ xanh toàn bộ bằng cây gáo nước sẽ góp phần rất lớn cho công tác bảo vệ môi trường”, ông Ách nói.

Vườn cây gáo nước ở vùng bán ngập thủy điện Cần Đơn hôm nay đã khá to. Ảnh: HT.

Vườn cây gáo nước ở vùng bán ngập thủy điện Cần Đơn hôm nay đã khá to. Ảnh: HT.

Sau khi mô hình trồng cây gáo nước trên đất bán ngập của huyện Bù Đốp thành công, Chi cục Kiểm lâm một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, đã về tham quan, học tập kinh nghiệm. Sau đó, các đơn vị này đã về trồng thành công hàng chục ha gáo nước trên vùng đất lâm nghiệp bán ngập do đơn vị quản lý.

Theo ông Nguyễn Sỹ Anh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bù Đốp: “Lòng hồ thủy điện Cần Đơn có diện tích mặt nước khoảng 19km2 trên tuyến sông Bé và từ thượng nguồn sông Đắk Huýt (giáp ranh Vương quốc Campuchia) đổ vào hồ Cần Đơn dài 34km, trong đó có 2 thác là Sáu Chình, Hang Sấu và 4 nhánh sông với diện tích lớn, xuyên vào rừng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng”. 

“Hiện có hơn 137ha đất bán ngập đã trồng thành rừng, trong đó có 129ha cây gáo và hơn 8ha cây tràm. Dự kiến, diện tích này sẽ được công bố thành rừng vào năm 2027. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp còn khoanh nuôi tái sinh và trồng mới trên đất trống khoảng 50ha rừng. 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.