| Hotline: 0983.970.780

Làm nông thời Covid-19 ở Trung Quốc

Thứ Sáu 14/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Chính quyền địa phương cung cấp một phần khẩu trang cho làng, số còn lại làng tự mua để đủ phát cho người dân.

Nông dân đeo khẩu trang làm việc trên một cánh đồng ở thành phố Xạ Hồng, tỉnh Tứ Xuyên, ngày 11/2. Ảnh: Xinhua.

Nông dân đeo khẩu trang làm việc trên một cánh đồng ở thành phố Xạ Hồng, tỉnh Tứ Xuyên, ngày 11/2. Ảnh: Xinhua.

Vừa đeo khẩu trang, nông dân Qiu Youlang vừa đi ra cánh đồng của ông ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, trong một buổi sáng sớm.

Qiu Youlang đến từ làng Khâu Trang, thành phố Đằng Châu, nơi nổi tiếng về cà chua. Đầu tháng 2, thời điểm được coi là tiết Lập Xuân, là lúc tốt nhất để trồng khoai tây vụ xuân ở đây.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang chật vật ứng phó với đợt bùng phát virus Corona, tên gọi COVID-19, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dù virus này chưa được kiểm soát, đại dịch vẫn không thể khiến nông dân Trung Quốc trì hoãn vụ xuân tại các vùng nông thôn ở nước này.

Trên các cánh đồng, nông dân địa phương, bao gồm cả Qiu, luôn tay xới đất, gieo hạt, lấp hạt rồi bao phủ luống đất bằng màng bọc, thiết lập các nhà kính.

Qiu thu về 24.000 nhân dân tệ (3.400 USD) trong năm 2019 nhờ trồng khoai tây vụ xuân trong nhà kính. “Tôi không nghĩ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của tôi trong năm nay”, Qiu nói với Xinhua.

Khoai tây vụ xuân ở Đằng Châu thường được thu hoạch vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Qiu tin rằng khi đó, virus corona mới sẽ bị kiểm soát.

Trưởng làng Niu Jialiu cho biết nông dân Khâu Trang bắt đầu chuẩn bị đất từ ngày 3/2. Tất cả đều phải đeo khẩu trang khi làm việc.

“Một gia đình được phép có tối đa 6 người cùng làm việc trên ruộng cùng lúc. Họ nên chia nhau ra làm”, theo ông Niu. “Chúng tôi khuyên họ nên đứng cách nhau hơn 2 m”.

Chính quyền địa phương cung cấp một phần khẩu trang cho làng, số còn lại làng tự mua để đủ phát cho người dân. Một công ty nông nghiệp tại thành phố tổ chức khử trùng bằng máy bay không người lái miễn phí. Hiện tại, 37 ngôi làng đã được khử trùng.

Để tránh lây nhiễm chéo, dân làng đang mua mọi nhu yếu phẩm hàng ngày thông qua Internet, Niu cho biết thêm. “Chúng tôi có một trạm dịch vụ mua sắm trực tuyến tại làng. Những người lớn tuổi không thể mua sắm trực tuyến có thể được hỗ trợ để đến mua trực tiếp”.

Li Guangyao, trưởng phòng nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Đằng Châu, nói thành phố dự kiến có 26.700 hecta khoai tây vụ xuân trong năm nay, phần lớn công việc đã hoàn tất.

“Tổng diện tích cây trồng thu hoa lợi, bao gồm cả khoai tây vụ xuân, dự kiến tăng một chút so với cùng kỳ năm ngoái”, ông nói.

Đằng Châu còn sắp xếp đưa khoai tây đến Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch COVID-19 và đang bị phong tỏa. Ngày 1/2, người dân làng Long Tuyền  đã chuyển 66 tấn khoai tây, trị giá hơn 200.000 nhân dân tệ, tới Vũ Hán, một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thành phố 11 triệu dân này.

Nghề trồng khoai tây đã tồn tại ở Đằng Châu từ cuối thế kỷ 19. Năm 2000, Đằng Châu được cựu bộ trưởng nông nghiệp Trung Quốc mô tả là “quê hương của khoai tây ở Trung Quốc”.

Năng suất khoai tây tại những khu vực sản xuất chính của Đằng Châu vượt 75 tấn/hecta. Mỗi năm, Đằng Châu xuất bán gần 1 triệu tấn ra khắp Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Đông Nam Á.

Trong khi nông dân trồng trọt không bị COVID-19 ảnh hưởng nhiều, người chăn nuôi lại không may mắn như vậy.

Ngày thứ 5 trong kỳ nghỉ tết Âm lịch năm nay, tức ngày 29/1, là thời điểm người dân Trung Quốc “đón thần tài vào nhà”. Năm nay, những chủ hộ kinh doanh như Qiu Xiangjian sẽ rất biết ơn nếu thần thánh có thể giúp họ vượt qua khó khăn.

Qiu, nông dân 50 tuổi ở tỉnh Giang Tô, thức giấc cùng với một số thông tin đáng lo ngại. Để kiểm soát virus corona, chính quyền tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp, ngoài trừ nhóm thiết yếu với cuộc sống hàng ngày như năng lượng, dược và siêu thị, đóng cửa cho tới ngày 10/2.

Qiu không thể bán gà cho lò mổ hay chợ thực phẩm. Ông chỉ còn đủ thức ăn nuôi 40.000 con gà trong hai ngày và mọi nhà máy thức ăn chăn nuôi đều đóng cửa. Nếu không có thêm thức ăn chăn nuôi, ông buộc phải nhìn đàn gà chết đói.

“Với tôi, đó không còn là nguy cơ thua lỗ nữa mà là mất trắng”, Qiu nói với New York Times.

Một trang trại nuôi gà ở thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Một trang trại nuôi gà ở thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nhiều khu vực ở Trung Quốc tự nguyện phong tỏa để ứng phó dịch bệnh. Các công ty lớn như Apple, General Motors, Ikea và Starbuck tạm dừng hoạt động tại nền kinh tế số hai thế giới, thay đổi cách thức kinh doanh hoặc sẵn sàng đón nhận thiệt hại.

Bên bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người nông dân, chủ cửa hàng, tiệm mỳ cùng hàng triệu người tự kinh doanh khác. Phần lớn số này đang chật vật vì tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chững lại. Dịch bệnh bùng phát càng làm tình hình thêm nghiêm trọng.

“Mục tiêu của tôi cho năm 2020 là sống sót, không phải tăng trưởng”, Zhang Huan, nhà đầu tư ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nói. “Chúng tôi có nguy cơ phá sản trong một hoặc hai tháng tới”.

Một số ngành nông nghiệp, như các nông dân nuôi gà đang cố thu hút sự chú ý từ chính phủ Trung Quốc. Họ đã tạo một chiến dịch trên mạng xã hội để kêu gọi Bắc Kinh mở các kênh vận tải đặc biệt, giúp họ có thể mua thức ăn và thuốc thú y.

Qiu hoàn toàn ủng hộ các biện pháp chính quyền Giang Tô triển khai để đối phó COVID-19.

“Nhưng tôi cũng có những khó khăn riêng cần chính quyền hỗ trợ”, ông nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.