Từ năm 2019 trở về trước, dòng kênh Đông Củ Chi (Củ Chi, TP.HCM) luôn trong tình trạng đầy rác thải, nghẽn dòng. Thậm chí nhiều khi xuất hiện mùi hôi nồng nặc bởi xác động thực vật phân hủy, khiến người dân rất bức xúc. Các chỉ số trong nước của dòng kênh này luôn vượt mức cho phép.
Kênh Đông Củ Chi là công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phục vụ công nghiệp. Có nhiều nguyên nhân khiến dòng kênh này bị rác thải “bức tử”, trong đó chủ yếu từ ý thức chưa cao của nhiều người xả rác trực tiếp xuống kênh.
Do đó, rác thải cản trở dòng chảy, sự phân hủy động thực vật trên dòng kênh khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến mọi mặt đời sống, phát triển kinh tế của người dân hai bên bờ kênh.
Trước tình hình đó, UBND huyện Củ Chi đã tổ chức nhiều đợt vớt rác trên kênh Đông, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ tuyến kênh nhưng tình trạng vẫn còn tái diễn. Do tuyến kênh trải dài và nhiều đối tượng lén lút xả rác thải nên công tác quản lý, phát hiện vô cùng khó khăn.
Với vai trò quản lý, vận hành và khai thác, từ giữa năm 2020, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM đã lên kế hoạch và lắp đặt 5 thiết bị vớt rác tự động trên các tuyến kênh của kênh Đông nhằm giải quyết tình trạng trên.
Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM cho biết, các thiết bị này được lắp đặt tại 2 vị trí K41 và K45 - kênh chính Đông; 2 thiết bị lắp đặt tại vị trí K8 và K12 - kênh N31A và 1 thiết bị lắp tại vị trí K9 - kênh N46. Đây đều là những vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra tắc nghẽn và tác động đến dòng chảy của các tuyến kênh. Toàn bộ dự án đầu tư thiết bị có tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng.
“Ưu điểm của các thiết bị vớt rác tự động là vận hành tự động hóa, có cài đặt thời gian tự vận hành, có khả năng kết nối với hệ thống điều khiển từ xa (SCADA) bằng thiết bị di động. Điều này giúp Công ty chủ động trong công tác vận hành vớt rác và kiểm soát được chất lượng nguồn nước. Bất kể nắng mưa hay thời gian nào thì máy vẫn hoạt động, dòng kênh được bảo vệ khỏi tình trạng rác bức tử”, ông Đam chia sẻ.
Từ ngày hệ thống vớt rác tự động được đưa vào sử dụng trên hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi, đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Hệ thống góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và dân sinh trên địa bàn TP.HCM trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Hệ thống kênh Đông Củ Chi có tổng chiều dài kênh tưới, tiêu các cấp là 630km. Các kênh tưới được thiết kế theo kênh nổi hoặc nửa nổi nửa chìm; hệ thống tiêu thoát nước là kênh đào, có tận dụng và cải tạo một số rạch tự nhiên trong khu vực.
“Chúng tôi đang đánh giá hiệu quả trong vận hành, quy trình thực hiện lẫn việc tiết kiệm nhân lực, vật lực…, từ đó sẽ đề xuất, đầu tư thêm nhiều hệ thống vớt rác tự động trên tuyến kênh”, ông Đam chia sẻ thêm.
Tại mỗi vị trí lắp đặt thiết bị, rác sau khi vớt cũng được hệ thống tập kết tại một điểm gọn gàng. Phần mềm quản lý, vận hành cũng sẽ tự động báo về cho đơn vị thu gom rác thải đến để xử lý. Điều này hạn chế được tình trạng ô nhiễm, rác thải trên bờ, dưới kênh và rút ngắn được thời gian chờ đợi xử lý.
Ngoài ra, hệ thống camera an ninh được lắp đặt dọc theo bờ kênh, đặc biệt là tại các vị trí lắp đặt hệ thống vớt rác tự động để kịp thời phát hiện, nhắc nhở trực tiếp hoặc phạt nguội đối với những trường hợp cố tỉnh xả rác, phá hoại tuyến kênh Đông Củ Chi.
Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM, ngoài hệ thống vớt rác tự động, đơn vị này cũng đang ưu tiên ứng dụng hệ thống tự động hóa, công nghệ trong việc quản lý, vận hành tuyến kênh. Đó cũng là nhiệm vụ của đơn vị này trong bối cảnh thích ứng với biển đổi khí hậu, tiết kiệm nước trước những diễn biến thời tiết khó lường, chủ động với những yêu cầu ngày càng khó khăn hơn.