| Hotline: 0983.970.780

Những công trình thuỷ lợi kỳ vĩ

Công trình thủy lợi đầu tiên 'xài' đô la Mỹ

Thứ Tư 26/10/2022 , 13:34 (GMT+7)

WB đồng ý tài trợ cho công trình 100 triệu đô la Mỹ và hồ Dầu Tiếng trở thành công trình đầu tiên 'xài' đô la Mỹ sau khi đất nước thống nhất.

0E7A5717

Đập chính hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Trước khi có hồ Dầu Tiếng, hệ thống thuỷ lợi ở Tây Ninh gần như là con số 0 khi chỉ có vài công trình quy mô nhỏ, tận dụng nguồn nước tự nhiên từ sông, suối, mưa, ở những vùng đất trũng, chẳng “thấm tháp” gì đối với vùng đất Tây Ninh khô cằn “nắng cháy da người”.

Bài liên quan

Vì thế, khi nghe xây dựng công trình hồ Dầu Tiếng, phần lớn người dân tỉnh Tây Ninh tràn đầy hy vọng về một ngày quê hương không còn cảnh quanh năm khát. Nhưng bên cạnh đó, có không ít người tỏ ý hoài nghi về tính khả thi của công trình, trong đó có cả những lãnh đạo tỉnh.

Chưa kể, để thực hiện công trình vĩ đại này, không thể chỉ dùng phương tiện thô sơ và lao động chân tay, mà cần rất nhiều tiền để đầu tư trang thiết bị, phương tiện, máy móc, nguyên vật liệu. Trong khi thời điểm ấy, đất nước vừa trải qua chiến tranh, nhân lực đã hiếm, vật lực càng khó hơn.

Ông Lê Thành Công, nguyên Bí thư Huyện đoàn Hòa Thành, Tây Ninh, thời điểm thi công hồ Dầu Tiếng, là Phó ban chỉ huy công trường thanh niên cấp xã, sau đó là cấp huyện, kể: “Mặc dù khởi công năm 1981, nhưng trên thực tế, công trình đã tiến hành từ năm 1977. Lúc đó, để giải quyết một trong những nhiệm vụ quan trọng là tìm nguồn vốn, Bộ Chính trị và lãnh đạo cấp cao đã thành lập đoàn công tác đi đàm phán vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) với hy vọng rất mỏng manh. Bởi Chủ tịch WB khi đó là ông Robert Strange McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người thiết kế, hay nói cách khác, là “Kiến trúc sư trưởng” cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Chưa kể, khi đó Việt Nam còn đang bị Mỹ cấm vận.

Tuy nhiên, kết quả cuộc đàm phán đã khiến ai cũng tròn mắt ngạc nhiên. WB đồng ý tài trợ cho công trình hồ Dầu Tiếng số vốn 100 triệu đô la Mỹ! Đây là lần đầu tiên Nhà nước ta vay được tiền của Ngân hàng Thế giới, và hồ Dầu Tiếng trở thành công trình đầu tiên của cả nước "xài" đô la Mỹ sau khi đất nước thống nhất.

Tháng 8/1978, Hội Phát triển quốc tế (IDA - thành viên của WB) đã ký thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam về việc cấp vốn làm dự án thủy lợi Dầu Tiếng. Theo thỏa thuận này, IDA cấp cho Việt Nam vay 60 triệu USD. Trong đó gồm 31 triệu USD cho phương tiện, trang thiết bị, 20 triệu USD đầu tư nguyên vật liệu, 500.000 USD tiền đào tạo và 8,5 triệu USD dự phòng. Sau đó, dự án tiếp tục được “rót” vay thêm 50 triệu USD, nâng tổng số vốn vay lên 110 triệu USD”.

IMG02022

Ông Nguyễn Văn Tranh, nguyên Bí thư Huyện đoàn Hòa Thành, chỉ huy công trường thanh niên cấp huyện, một trong những người có sáng kiến thay đổi quy trình lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, giúp công trình hồ Dầu Tiếng hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sau khi có “tiền đô”, công trình hồ Dầu Tiếng tiếp tục nhận thêm những tài trợ khác về phương tiện, thiết bị tiên tiến từ bạn bè quốc tế như máy xúc, máy đào, ủi, xe ben, và những thiết bị điện tử hiện đại khác.

Nói về việc vay được vốn của Ngân hàng Thế giới, ông Vũ Quang Tuyến, nguyên công nhân lái máy cạp tự hành ở công trình Dầu Tiếng kể: “Theo những 'đồn đoán' khi đó thì ngay từ thời Pháp thuộc đã có những nghiên cứu về công trình thủy lợi Dầu Tiếng và khi đó đã được Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý tài trợ. Sau đó, chính quyền Sài Gòn cũ (Mỹ - Ngụy) lại tiếp tục có chương trình nghiên cứu, hồ sơ về dự án lên đến hàng tấn. Đây cũng là lý do khu vực huyện Dương Minh Châu hiện nay, nơi chiếm diện tích hồ Dầu Tiếng lớn nhất, có khu rừng mang tên Trần Lệ Xuân (vợ ông Ngô Đình Nhu). Đây là một trong những lý do chính giúp việc Việt Nam dễ dàng được WB chấp nhận khoản vốn vay ưu đãi hơn 100 triệu USD”.

20221007_152032

Ông Vũ Quang Tuyến, nguyên công nhân lái máy cạp tự hành ở công trình Dầu Tiếng: "Tôi tự hào khi nghĩ đến những năm tháng góp sức xây dựng công trình thế kỷ". Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tuy nhiên, theo các tài liệu mới về công trình hồ Dầu Tiếng sau này của ông Nguyễn Xuân Hùng, kỹ sư trưởng, trưởng đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi Nam Bộ thì toàn bộ quá trình khảo sát thiết kế công trình hồ Dầu Tiếng đều bắt đầu từ con số 0.

Chuyện những thủ lĩnh Đoàn

Trong số hàng trăm người làm việc tại công trình Dầu Tiếng, có rất nhiều cá nhân xuất sắc. Trong đó nổi bật là nhóm cán bộ Chỉ huy công trường cấp huyện. Đó là các ông Nguyễn Văn Tranh, Lê Thành Công, cả 2 ông nguyên là Bí thư huyện đoàn Hòa Thành (ông Công làm Bí thư Huyện đoàn khóa sau ông Tranh), ông Trần Việt Biên (Bảy Biên), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Họ là những người có công đưa ra sáng kiến nâng cao năng suất trong lao động, góp phần hoàn thành công trình hồ Dầu Tiếng đúng tiến độ.

IMG02034
IMG02027

Sinh hoạt đội và văn nghệ sau ngày làm việc ở công trình hồ Dầu Tiếng, sáng kiến nâng cao năng suất lao động của nhóm ông Công, Tranh. Ảnh tư liệu.

Hồi đó, đại công trình hồ Dầu Tiếng được chia thành từng công trình nhỏ, mỗi huyện là một công trường, tại mỗi công trường lại chia thành từng công trường nhỏ hơn để quản lý. Khi đó, quy định mỗi lao động ở Tây Ninh đều phải đi “nghĩa vụ” ít nhất 1 tháng, tương đương 30 ngày công hoặc 21m3 đất đào, đắp.

“Công trường mình chỉ huy lao động là đoàn viên, thanh niên. Tháng đầu tiên sau ngày khởi công, năng suất không đạt. Vì nhiều người không tập trung, làm việc mang tính đối phó, thậm chí trốn việc. Sau một thời gian quan sát, thấy lao động không hiệu quả, nên sau nhiêu ngày suy nghĩ, nghiên cứu, chúng tôi mạnh dạn thay đổi cách vận hành. Đó là thành lập tổ dây chuyền 30 người.

Lý do 1 tổ 30 người là vì nếu tổ 20 thì không đủ cho một quy trình khép kín. Riêng khâu đầm, đã phải có 12 người lần lượt đầm thì mới đạt yêu cầu. Còn lại 18-20 người, mỗi người một nhiệm vụ: đào - khiêng - san gạt - đầm - bạt máy... tất cả thành một dây chuyền khép kín. Vì mỗi người đảm nhiệm một khâu nên không ai nghỉ tay giữa chừng được.  1 người không làm, các khâu khác cũng không thể vận hành. Riêng khâu đầm, dù nhiều người cùng làm 1 khâu, nhưng cuối ngày làm việc, Ban quản lý dự án sẽ đến nghiệm thu, họ kiểm tra độ nén, sức chịu tải rất kỹ, nếu không đạt, nhóm này sẽ phải đầm lại”, ông Tranh kể.

IMG01052

Kênh Đông, một trong 2 nhánh kênh chính của hồ Dầu Tiếng đẹp như tranh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Công nói thêm: “Trước khi có sáng kiến này, để đạt chỉ tiêu đào đắp 21m3 đất, một người phải làm 30 ngày. Nhưng làm theo sáng kiến, đội chỉ mất 10 ngày là xong. Tuy nhiên, để thực hiện suôn sẻ 'dây chuyền' này cũng không chỉ có thuận lợi, mà còn có cả những khó khăn, ràng buộc. Mọi người phải tuân theo quy định, nội quy như môi trường quân đội. Vì ông Tranh nói rồi, dây chuyền chỉ thiếu 1 người, 1 khâu thôi là trục trặc ngay.

Chúng tôi giải quyết bằng cách lập ra từng tổ, các cá nhân được 'biên chế' cố định vào từng tổ. Mỗi tổ bầu ra 1 người có kinh nghiệm, uy tín, làm giỏi nhất làm tổ trưởng. Tổ sinh hoạt, làm việc theo nội quy cụ thể. Sau mỗi ngày làm việc, từng tổ lại ngồi lại với nhau để sinh hoạt, nêu gương lao động giỏi, những khiếm khuyết trong ngày để rút kinh nghiệm. Sau khi sinh hoạt là chương trình văn nghệ, đến 21 giờ toàn lán trại tắt đèn đi ngủ.

Ban đầu, nhiều thanh niên không muốn vào đội vì sợ phải gánh việc người khác. Nhưng vì làm một mình, tất cả các khâu nên không chỉ chậm tiến độ, mà còn mệt hơn rất nhiều. Chưa kể là họ cảm thấy lẻ loi, muốn nói chuyện với người làm chung cũng khó, thiếu sự đoàn kết. Cuối cùng, ai cũng xin vào tổ.

Trong vòng chưa đến 1 năm, mô hình làm theo dây chuyền của chúng tôi đã phát huy hiệu quả mà ai cũng thấy: năng suất lao động cao nhất toàn công trường”.

20221007_172348

Xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, từng là nơi quanh năm khô khát, nay đã được phủ một màu xanh trù phú. Trong ảnh là kênh Đông, đoạn qua xã Truông Mít. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sáng kiến của các ông Công, Tranh sau đó đã được ông Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng) Bí thư Tỉnh ủy khi đó, rất ủng hộ và khuyến khích các công trường khác học hỏi. Sau đó không lâu, sáng kiến nâng cao năng suất của công trường xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành được nhân rộng. Đến cuối năm 1983, toàn công trường hồ Dầu Tiếng đều làm theo mô hình này. Tháng 11/1983, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tây Ninh quyết định đặt tên công trường là “Công trường Thanh niên Cộng sản”. 

Trong hồi ký của ông Sáu Thượng có đoạn ghi về kết quả lao động sau khi áp dụng mô hình lao động theo sáng kiến của nhóm ông Công: “Từ khi mang tên 'Công trường Thanh niên Cộng sản', năng suất lao động tăng dần, từ 1,5 triệu, 2 triệu rồi lên 2,5 triệu m3, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Lúc cao điểm, công trường có 3, 4 vạn đoàn viên thanh niên, không còn ai bỏ về, thậm chí có người xung phong lên công trường 2, 3 lần. Phong trào thanh niên Tây Ninh thời kỳ ấy từ chót bảng nhảy vọt lên hạng nhất cụm thi đua Đông Nam bộ”. 

Quá trình xây dựng hồ Dầu Tiếng, có 4 mốc thời gian quan trọng đáng nhớ. Đó là 2 lần chặn dòng sông Sài Gòn năm 1983. Đợt 1 là tháng 1 và đợt 2 vào tháng 12 năm 1983. Ngày 2/7/1984, hồ Dầu Tiếng bắt đầu tích nước. Sau nước trong lòng hồ đã tích đủ và các tuyến kênh cơ bản hoàn thành, ngày 10/1/1985, hồ Dầu Tiếng chính thức mở nước. Kể từ đó, vùng đất Tây Ninh ngày một xanh mát, ruộng vườn ngày càng trù phú hơn.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.