| Hotline: 0983.970.780

Làm thế nào mở rộng quy mô chuỗi thịt lợn sinh học Phúc Thọ?

Thứ Bảy 02/11/2024 , 16:06 (GMT+7)

Chuỗi thịt lợn sinh học Phúc Thọ do HTX Sản xuất và Kinh doanh Sản phẩm Nông nghiệp Phúc Thọ tổ chức với quy mô nuôi thường xuyên đạt 200 con lợn thương phẩm.

Khu sản xuất giống. Ảnh: Tư liệu.

Khu sản xuất giống. Ảnh: Tư liệu.

Hàng ngày, chuỗi cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng bếp ăn tại trên địa bàn huyện Phúc Thọ và một số phụ cận khoảng 200 kg thịt đảm bảo an toàn thực phẩm với nhãn hiệu “Thịt lợn sinh học Phúc Thọ”. Đây là một trong những mô hình nuôi lợn an toàn sinh học tiên phong của Thành phố Hà Nội. Việc khơi mào ra một thứ mới là rất khó khăn, nhất là trong cách thức tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bởi sản phẩm thịt lợn sinh học có giá cao hơn hẳn so với thịt lợn nuôi kiểu công nghiệp.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid khiến đứt gãy cung cầu rồi những giai đoạn biến động giá cả thị trường do tình trạng nhập thịt lợn ngoại làm cho giá xuống rất thấp nhưng sản phẩm thịt lợn sinh học của HTX Sản xuất và Kinh doanh Sản phẩm Nông nghiệp Phúc Thọ vẫn duy trì được sản lượng theo đơn đặt hàng đã ký theo hợp đồng. Đến thời điểm này tuy sản lượng tiêu thụ chưa được nhiều nhưng chuỗi sản xuất thịt lợn sinh học này đã chứng tỏ là một hướng sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Hưng Thỉnh - Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh Sản phẩm Nông nghiệp Phúc Thọ - cho biết đơn vị của mình được thành lập vào năm 2016. Từ một vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khi triển khai mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn sinh học của thành phố Hà Nội, đến nay HTX đã có hơn chục hộ tham gia với quy mô chăn nuôi trung bình đạt 200 con.

Đầu vào của chăn nuôi sinh học rất chọn lọc như thức ăn được làm từ lúa, ngô, đậu tương, đầu cá xay nhỏ rồi ủ men vi sinh trong một thời gian rồi trộn với bã bia; nước uống cũng phải đạt tiêu chuẩn sạch; trong quá trình nuôi đàn lợn chỉ phòng bệnh bằng vacxin, tuyệt đối không dùng đến thuốc kháng sinh cũng như các chất cấm, hooc môn tăng trưởng.

Điều kiện chuồng trại cũng khắt khe không kém như mái phải cao và thoáng, nền phải có lớp đệm lót sinh học giúp phân hủy tốt nhất chất thải tại chỗ, không lưu cữu mùi hôi thối. Nhờ đó mà tạo ra sản phẩm thịt lợn có chất lượng khác biệt, chắc, ngon, ngọt, thơm, được công nhận OCOP 3 sao.

Sản phẩm xúc xích của chuỗi thịt lợn sinh học Phúc Thọ. Ảnh: Tư liệu.

Sản phẩm xúc xích của chuỗi thịt lợn sinh học Phúc Thọ. Ảnh: Tư liệu.

HTX Sản xuất và Kinh doanh Sản phẩm Nông nghiệp Phúc Thọ đóng vai trò vừa tổ chức sản xuất vừa đảm nhận đầu ra cho sản phẩm của các thành viên bằng việc liên kết, hợp tác với các cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên sản lượng tiêu thụ chưa được nhiều so với năng lực sản xuất của HTX. Bởi vậy đơn vị đang rất cần các cơ quan, ban ngành cũng như các doanh nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy chuỗi liên kết để có thể mở rộng quy mô bán hàng theo hợp đồng đã ký, ổn định được giá, chủ động về kế hoạch sản xuất.

Theo Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ địa phương này đang có gần 7.000ha đất nông nghiệp phân chia thành 2 vùng bãi và vùng đồng. Trong mấy năm gần đây, huyện đã quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế kinh tế nông nghiệp bởi coi đây là cách để gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Hiện Phúc Thọ đang hình thành các vùng trồng cây, chăn nuôi tập trung như 480ha rau an toàn tập trung; 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả; 28ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 3.063ha lúa chất lượng.

Một số nông sản của địa phương đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, như bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp; thịt lợn rừng của Công ty TNHH Nguyên Hưng, thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú... Không phát triển sản xuất kiểu nhỏ lẻ, manh mún với những khâu rời rạc, yếu kém mà huyện đã xây dựng, phát triển được 8 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trong một định hướng xa hơn, Phúc Thọ được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố Hà Nội mà ở đó nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, đa giá trị, kết hợp giữa sản xuất, chế biến, thương mại và du lịch, ưu tiên về chất lượng và an toàn thực phẩm. Thực tế đến nay huyện đã có nhiều sản phẩm OCOP mang dấu ấn đặc trưng của nông nghiệp Phúc Thọ như cà dầm tương (Tam Hiệp), rau muống tiến Vua (Sen Phương), bưởi Tam Vân (Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc), rau an toàn (Thanh Đa)...

Xem thêm
Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất