| Hotline: 0983.970.780

'Lận đận' tàu hậu cần nghề cá

Thứ Hai 22/05/2023 , 08:00 (GMT+7)

Số lượng tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Quảng Bình còn khá ít nên quá trình hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tàu hậu cần nghề cá thu mua hải sản trên biển. Ảnh: T.Phùng.

Tàu hậu cần nghề cá thu mua hải sản trên biển. Ảnh: T.Phùng.

Quảng Bình có ưu thế với chiều dài bờ biển gần 116 km nên đội tàu đánh bắt xa bờ đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Hiện, toàn tỉnh có đội tàu công suất lớn gần 1.200 chiếc, hoạt động ở ngư trường xa, dài ngày trên biển.

Với đội tàu khá lớn như vậy nên nhu cầu phục vụ hậu cần nghề cá là rất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đáp ứng nhu cầu hậu cần nghề cá của tỉnh Quảng Bình lại rất nhỏ bé.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình nhìn nhận: “Số lượng tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá vừa thiếu, vừa yếu lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra và thiếu đòn bẩy cho hoạt động khai thác biển”.

Ngư dân vững tâm khi có đội tàu hậu cần nghề cá mạnh

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì các ban, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách tạo điều kiện, khuyến khích giúp ngư dân đóng tàu lớn để khai thác hải sản xa bờ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn nên phải quay vào bờ để kịp thời tiêu thụ, chế biến. Vì thế, thời gian bám biển không liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao”, ông Lợi nói. 

Từ thực tế này, nhu cầu cần có đội tàu dịch vụ nghề cá để giúp cho quá trình sản xuất trên biển của ngư dân được liên tục, giảm chi phí đi lại. Ngư dân Ngô Văn Bốn (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới), cho biết: “Chẳng hạn như tàu chúng tôi đi biển 20 ngày là vào bờ để tiêu thụ sản phẩm, tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Nếu có được tàu hậu cần nghề cá thì chúng tôi không vào bờ nữa mà được cung ứng đầy đủ để tiếp tục bám biển”.

Chúng tôi về xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn), dù không phải xã vùng biển, nhưng địa phương này có đội tàu khai thác biển khá hùng hậu. Do chưa có các tàu dịch vụ thu mua hải sản và cung ứng xăng dầu, lương thực, thực phẩm nên tàu cá của ngư dân Quảng Văn phải ra vào liên tục, chi phí cho những chuyến đi biển tăng cao.

Ngư dân Nguyễn Văn Hào kể lại: “Có chuyến biển khi chỉ còn 2 ngày nữa là quay về thì chúng tôi gặp luồng cá lớn. Luồng cá này đánh bắt phải hơn tuần mới hết. Chúng tôi đánh cố thêm ngày nữa rồi phải quay tàu vào bờ dù rất tiếc. Lúc đó, phải chi có tàu hậu cần nghề cá thì đã bám được luồng cá, tha hồ mà bội thu”.

Thấy những bất cập khi không có tàu dịch vụ nghề cá, nên anh Nguyễn Văn Hào đã quyết định góp cổ phần cùng một số ngư dân khác đầu tư tàu dịch vụ để thu mua hải sản, tiếp tế nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ tại địa phương cũng như các tàu cá trong tỉnh. Mỗi chuyến đi khoảng 5-6 ngày, thu mua khoảng 40-50 tấn hải sản…

“Sau khi vào bờ, tàu của tôi liên kết với các doanh nghiệp chế biến hải sản, thương lái bao tiêu sản phẩm, không lo bị ép giá”, anh Hào hồ hởi nói. 

Hiện, xã Quảng Văn có 44 tàu cá khai thác hải sản xa bờ, trong đó có 8 tàu dịch vụ hậu cần. Bên cạnh công việc thu mua hải sản thì tàu dịch vụ còn mang giúp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho các chủ tàu cá khi cần. Ngoài ra, còn hỗ trợ lẫn nhau mỗi lúc gặp rủi ro, tạo chỗ dựa vững chắc trong quá trình đi biển của ngư dân.

Lối mở nào cho tàu hậu cần nghề cá?

Đến nay, Quảng Bình có 35 tàu hậu cần nghề cá (trong đó 12 tàu vừa hoạt động khai thác thủy sản vừa làm thêm nghề hậu cần). Thị xã Ba Đồn có đội tàu hậu cần nghề cá lớn nhất là 18 tàu. Sau đó đến TP Đồng Hới 14 tàu và huyện Quảng Trạch 3 tàu.

Có được sự hỗ trợ, đội tàu hậu cần nghề cá Quảng Bình sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: T.Phùng.

Có được sự hỗ trợ, đội tàu hậu cần nghề cá Quảng Bình sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: T.Phùng.

Việc phát triển các đội tàu này đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển của tàu khai thác trở nên thuận lợi hơn; sản phẩm khai thác được bán với giá cao hơn, giảm chi phí nhiên liệu đi lại. Tuy nhiên, so với số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ toàn tỉnh (1.200 chiếc) thì lượng tàu làm dịch vụ vẫn còn quá ít dẫn đến nhiều tàu khai thác chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ này.

Những năm gần đây, đội tàu dịch vụ nghề cá còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo ông Đào Xuân Dũng (xã Bảo Ninh), người có đội tàu hậu cần nghề cá, hiện nay, nhiều tàu cá của ngư dân di chuyển vào vùng biển phía nam để đánh bắt nên đã tiếp cận gần hơn với đội tàu hậu cần ở các tỉnh khu vực này.

“Vì vậy, tàu hậu cần trong tỉnh không cạnh tranh được vì chi phí cao. Ngoài ra, nhiên liệu cao, giá thành sản phẩm bấp bênh, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt nên sản lượng thu mua thấp, nhiều tàu cá thu mua làm ăn không có lãi”, ông Dũng bộc bạch.

Cũng theo nhiều ngư dân, hiện nay, lô hàng hải sản xuất khẩu phải kê khai thông tin về loài cá đánh bắt, địa điểm khai thác, ngày bắt và loại tàu đánh bắt cùng tất cả các phương tiện tham gia. Trong khi đó, Quảng Bình hiện chưa có nhà máy chế biến hải sản, các thương lái, tàu dịch vụ sau khi thu mua phải đưa qua các tỉnh khác mới có đủ giấy tờ xuất khẩu. Do đó, chi phí tăng cao, gây khó khăn cho các tàu dịch vụ trên biển.

Ngoài ra, có những khó khăn khách quan khó tháo gỡ được. Ông Đào Xuân Dũng trước đây có 5 tàu dịch vụ hậu cần thu mua hàng tươi sống gồm tôm, ghẹ, ốc, cá mú… ở vùng lộng cho biết: Hiện đội tàu dịch vụ của ông chỉ còn lại 3 chiếc hoạt động và chỉ hoạt động vào mùa vụ chính đánh bắt, còn mùa thu và mùa đông chỉ hoạt động 1 chiếc vì không có hải sản để thu mua. Trước đây, mỗi chuyến thu mua được khoảng 2 tấn tôm, ghẹ nhưng nay chỉ còn 5-7 tạ hải sản là phải vào bờ vì không có hàng để gom.

Cần có những con tàu hiện đại, đáp ứng được nhiệm vụ dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển xa. Ảnh: T.Phùng.

Cần có những con tàu hiện đại, đáp ứng được nhiệm vụ dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển xa. Ảnh: T.Phùng.

Để phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu thực tế, thời gian tới, bài toán đặt ra là phải tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ nghề cá.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình thì quan trọng nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại cảng, tạo điều kiện cho tàu dịch vụ ngày càng phát triển.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho hoạt động nghề phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngư dân.

Cũng theo ông Linh, tỉnh Quảng Bình đang thực hiện Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho ngư dân. Theo đó, đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, nếu đáp ứng đủ điều kiện tham gia hoạt động dịch vụ trên các vùng biển xa thì sẽ được hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh GPS; hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên; hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho chuyến biển. Đây cũng là đòn bẩy để các tàu hậu cần nghề cá ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, cho hay, tàu dịch vụ hậu cần được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như hầm đông lạnh, hầm nuôi sống tôm, cá dẫn đến chất lượng sản phẩm khai thác được bảo quản tốt, tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến. Qua đó, phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, giảm bớt các rủi ro hoạt động trên biển.

Xem thêm
Sản xuất cá bỗng đặc sản, nông dân vùng cao thu về trăm triệu đồng

Cá bỗng chủ yếu sinh sống ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, nhờ tìm tòi, nghiên cứu, bà con vùng cao đã chủ động sản xuất được cá bỗng giống...

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.