| Hotline: 0983.970.780

Làng chài Nhơn Hải, 'nhà hộ sinh' của rùa biển

Thứ Năm 07/10/2021 , 08:30 (GMT+7)

Từ khi bị con người chiếm mất bãi đẻ, đến mùa sinh nở, lũ rùa mẹ đành quay lại những bãi cát dọc làng chài Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) để đẻ trứng…

“Bà đỡ” mát tay

Trong những người chuyên bảo vệrùa biển ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định), nổi bật có anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và là tình nguyện viên bảo vệ rùa ở địa phương, người được dân làng chài mệnh danh là “bà đỡ” mát tay của lũ rùa.

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, 'bà đỡ' mát tay đang di dời ổ trứng rùa về bãi đẻ mới cho an toàn. Ảnh: N.T

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, “bà đỡ” mát tay đang di dời ổ trứng rùa về bãi đẻ mới cho an toàn. Ảnh: N.T

Theo lời kể của anh Sáng, cứ đến mùa gió nam, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hàng năm là mùa sinh nở của rùa mẹ. Xa xưa, những bãi cát vắng ở làng chài Nhơn Hải là nơi được lũ rùa mẹ chọn làm bãi đẻ.

Thế nhưng từ khi người dân xã bãi ngang Nhơn Hải phát triển mạnh nghề đánh bắt thủy sản gần bờ, khiến bãi biển ở đây không còn vắng vẻ như xưa. Trong khi rùa là loài rất kỵ tiếng ồn, nên đến mùa sinh nở là lũ rùa mẹ rủ nhau kéo ra cù lao Hòn Khô thuộc địa bàn thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải), nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 20km để đẻ cho yên tĩnh.

Đến khi cù lao Hòn Khô được chọn làm điểm du lịch của TP Quy Nhơn, du khách tập trung về đây quanh năm. Vào mùa nắng nóng, du khách càng về đông, cù lao Hòn Khô trở nên rất náo nhiệt. Mùa nắng nóng lại mùa đẻ của rùa, thế là lũ rùa mẹ lại 1 lần nữa phải “di dời” ra một bãi bồi vắng vẻ nằm trên cù lao Hòn Khô để kiếm chỗ đẻ cho yên tĩnh.

Tuy nhiên, cù lao Hòn Khô chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều cường, nên bãi bồi, chỗ đẻ mới của lũ rùa liên tục bị thủy triều lấy cát bên này bồi qua bên nọ rất bất định, nên bãi bồi trên cù lao Hòn Khô không phải là bãi đẻ lý tưởng cho lũ rùa nữa.

Bãi đẻ mới của rùa ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) ít chịu tác động của sóng biển, dẫu thủy triều lên cao cũng không ảnh hưởng đến ổ trứng. Ảnh: A.T

Bãi đẻ mới của rùa ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) ít chịu tác động của sóng biển, dẫu thủy triều lên cao cũng không ảnh hưởng đến ổ trứng. Ảnh: A.T

“Ổ trứng của rùa phải từ 50 - 65 ngày mới nở con. Trong  thời gian đó, có khi bãi bồi ở cù lao Hòn Khô bị triều cường làm bồi, lở đến mấy lần, nên trứng rùa đẻ ra không được nằm yên một chỗ ổn định, luôn đứng trước nguy cơ bị thủy triều cuốn ra biển. Do đó, tỷ lệ rùa nở sau mỗi mùa sinh nở rất thấp. Bởi vậy, trong 7 - 8 năm gần đây, đến mùa sinh nở là lũ rùa mẹ lại về bãi ngang của làng chài Nhơn Hải đẻ trứng”, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng chia sẻ.

Anh Sáng kể tiếp: Bây giờ Nhơn Hải không còn vắng vẻ như xưa, nhất là từ khi tuyến kè bảo vệ bờ biển được xây dựng dọc ven biển. Trên con đường bờ kè được dựng dày đặc những trụ điện đường, đêm đêm tỏa ánh sáng rủ rê người dân làng chài rời nhà ra bờ kè ngắm biển đêm. Sự có mặt của con người lại khiến lũ rùa sợ sệt.

Vậy là chúng không dám vào sâu trong bãi để đẻ mà đẻ ngoài mép sóng. Những quả trứng rùa nằm ở mép sóng đối mặt với nguy cơ “mất tích” bất cứ lúc nào, bởi ngoài mép sóng thường xảy ra sụt lở đất. Do đó, mỗi khi người dân Nhơn Hải phát hiện rùa đẻ là liền báo ngay cho chính quyền địa phương, hoặc đơn vị chức năng để bảo vệ những quả trứng rùa.

Rùa mẹ lên bãi đẻ trứng tại xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) được ngành chức năng và người dân bảo vệ. Ảnh: A.T

Rùa mẹ lên bãi đẻ trứng tại xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) được ngành chức năng và người dân bảo vệ. Ảnh: A.T

Tại thời điểm này, trên địa bàn xã Nhơn Hải có tổ tuần tra Covid-19 thường xuyên đi dọc bờ biển hàng đêm, nhắc nhở bà con không được tập trung đông người để phòng chống dịch Covid-19. Nếu phát hiện thấy rùa đẻ sẽ lập tức tổ chức bảo vệ và báo ngay Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của xã.

Người dân trong xã cũng vậy, thấy rùa đẻ là nhấc điện thoại báo ngay cho trực ban UBND xã, chứ không lấy trứng về luộc ăn hoặc bán như trước đây.

“Sau khi nhận tin báo, anh em trong Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã sẽ lập tức tiếp cận và thay phiên nhau trực xuyên đêm để giám sát, bảo vệ ổ trứng và tiến hành di dời về bãi đẻ tập trung.

Từ đầu mùa đến nay, tôi đã di dời 5 ổ trứng, ổ trứng nào cũng có tỷ lệ rùa nở ra rất cao, nên anh em cho là tôi “mát tay” đỡ đẻ cho rùa. Từ đó, tôi nghiễm nhiên “đóng vai chính” trong những lần di dời những ổ trứng rùa, bãi biển Nhơn Hải trở thành “nhà hộ sinh” an toàn của lũ rùa”, anh Sáng vui vẻ kể.

Khi ý thức bảo vệ rùa "ngấm vào máu" 

Cũng theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, bãi đẻ mới của lũ rùa nằm trên địa bàn thôn Hải Đông, sát cạnh Trạm Biên phòng. Đây là bãi cát ít chịu tác động của sóng biển, nên dẫu thủy triều lên cao đến mấy cũng không ảnh hưởng đến ổ trứng.

Sau khi chọn được vị trí bình yên để làm ổ, rùa mẹ dùng 2 chân sau đào ổ để đẻ. Ảnh: A.T

Sau khi chọn được vị trí bình yên để làm ổ, rùa mẹ dùng 2 chân sau đào ổ để đẻ. Ảnh: A.T

Sau khi chọn được vị trí bình yên để làm ổ, rùa mẹ dùng 2 chân sau để đào ổ, mỗi ổ đẻ có độ sâu khoảng 80cm. Rùa mẹ có tinh thần bảo vệ trứng rất cao nên sinh tính “đa nghi”. Nó thường đào nhiều hố để “ngụy trang” những đôi mắt của con người, nhằm tránh ổ trứng bị xâm phạm.

Thời gian một lần đẻ trứng của rùa kéo dài 30 phút đến một giờ đồng hồ, mỗi mùa sinh nở rùa đẻ từ 80 - 100 trứng. Khi đẻ xong, rùa mẹ hất cát lấp ổ giấu trứng xong mới quay về biển.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, loài rùa xanh còn được gọi là vích, có tên khoa học là Chelonia mydas, thuộc nhóm đang bị đe dọa theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); theo Phụ lục I của Công ước CITES thì loài rùa này cấm buôn bán, vận chuyển quốc tế.

Trước sự có mặt của loài rùa quý hiếm trên địa bàn, giai đoạn từ năm 2008 - 2016, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Quỹ quốc tế Bảo tồn động vật hoang dã (WWF) đã tài trợ cho Bình Định dự án hỗ trợ đào tạo, truyền thông bảo vệ rùa biển tại xã Nhơn Hải.

Khi được các 'bà đỡ' bất đắc dĩ ở xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) đỡ đẻ, tỷ lệ nở con của rùa rất cao. Ảnh: A.T

Khi được các “bà đỡ” bất đắc dĩ ở xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) đỡ đẻ, tỷ lệ nở con của rùa rất cao. Ảnh: A.T

Trong khuôn khổ dự án, xã Nhơn Hải thành lập nhóm tình nguyện viên quan sát và bảo vệ rùa biển; ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ rùa biển.

Đến năm 2016, nguồn tài trợ của IUCN, WWF kết thúc, nhưng việc bảo vệ rùa biển ở Nhơn Hải đã “ngấm vào máu” mỗi người dân ở đây, nên lũ rùa vẫn được bảo vệ an toàn từ tinh thần tự nguyện của ngư dân làng chài.

Theo bà Nguyễn Thị Ái Trinh, chuyên viên Phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, trong mùa sinh sản năm nay, đã có 5 lượt rùa lên bãi đẻ trứng, cả 5 ổ trứng này đã được Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải bảo vệ, di dời đến bãi đẻ tập trung an toàn, tỷ lệ rùa con nở rất cao.

Ổ đẻ của rùa mẹ tại bờ biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: A.T

Ổ đẻ của rùa mẹ tại bờ biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: A.T

“Trước khi di dời ổ trứng đầu tiên của mùa sinh sản năm nay vào cuối tháng 6/2021, chúng tôi đã liên hệ với điều phối viên IUCN tại Việt Nam nhờ hỗ trợ hướng dẫn giải pháp di dời ổ rùa đến nơi an toàn. Ổ trứng này rùa đẻ gần một ngày sau mới được di dời. Thế nhưng tỉ lệ trứng nở đạt 54%, đây là kết quả ngoài mong đợi”, bà Trinh chia sẻ.

“Tập quán của loài rùa là khi sinh ra ở đâu thì sau đó chúng sẽ tìm lại đó để đẻ trứng, như vậy là chũng tôi sẽ còn “đỡ đẻ” cho lũ rùa dài dài. Thật vui khi vào giữa tháng 9/2021, đã có thêm ổ trứng rùa 99 trứng nữa nở con.

Tuy nhiên, sự trưởng thành của loài rùa rất chậm, tỷ lệ rùa sống sót thấp, nên nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Thế nên cả chính quyền địa phương, tình nguyện viên và cộng đồng ngư dân xã Nhơn Hải đều quyết tâm bảo vệ loài rùa biển quý hiếm này”, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.