Làng cổ Đường Lâm là một địa chỉ văn hóa quen thuộc với nhiều người yêu cảnh sắc xa xưa của nông thôn Bắc bộ. Làng cổ Đường Lâm tiêu biểu cho kiến trúc và cảnh quan của tổ tiên người Việt ở vùng Sơn Tây, Hà Nội. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, khi nhắc đến làng cổ Việt thì người ta nhớ ngay đến làng cổ Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm đươc xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 2005, vì nơi đây còn bảo tồn hàng trăm ngôi nhà cổ có tuổi đời 300-400 năm. Làng cổ Đường Lâm cũng phát tích nhiều danh nhân như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Giang Văn Minh... Bất kỳ người nào đến làng cổ Đường Lâm đều có cảm giác trân trọng từng hiện vật còn lưu giữ bóng dáng cha ông.
Cho nên, những ai ở làng cổ Đường Lâm và cả những ai yêu làng cổ Đường Lâm đều bất ngờ khi đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” đã có hành vi xâm hại cảnh quan nơi đây bằng cách tô vẽ lên một giếng cổ bên đình Mông Phụ để phục vụ cho một cảnh quay. Ngày 7/11, họa sĩ thiết kế Trương Đức Thắng của đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” đã ngang nhiên thay đổi diện mạo của cái giếng cổ, khiến nhiều người bất bình.
Cái giếng cổ này nằm trong khu vực bảo vệ cấp 1, nghĩa là phải luôn luôn duy trì nguyên trạng về mặt bằng và không gian, tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa.
Hành vi của họa sĩ thiết kế Trương Đức Thắng là một sự hồn nhiên quá mức, hay một thái độ xem thường giá trị di sản? Tại sao khi họa sĩ thiết kế Trương Đức Thắng ra tay ngược ngạo với cái giếng cổ, thì những thành viên khác của đoàn làm phim ‘Chuyện làng Bồm” không tích cực can ngăn? Đạo diễn và chủ nhiệm của bộ phim “Chuyện làng Bồm” lúc ấy đang ở đâu và làm gì?
Chủ tịch UBND xã Đường Lâm – Phan Văn Hòa đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với họa sĩ thiết kế Trương Đức Thắng vì hành vi “viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Sau khi nộp phạt, họa sĩ thiết kế Trương Đức Thắng và đoàn làm phim đã cố gắng khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, hậu quả vẫn đáng ái ngại. Dù lớp sơn đã cạo sạch, nhưng vẻ đẹp rêu phong của giếng cổ không còn nữa.
Từ câu chuyện trớ trêu ở làng cổ Đường Lâm, có lẽ đã đến lúc cần cảnh tỉnh, không thể nhân danh nghệ thuật để xâm hại di tích văn hóa. Bởi lẽ, đừng nói "Chuyện làng Bồm" chỉ là bộ phim giải trí chiếu vào dịp Tết, mà cho dù bộ phim “Chuyện làng Bồm” có trở thành một kiệt tác, thì cũng không có quyền ứng xử thô bạo với di sản văn hóa vốn đã là kiệt tác của tiền nhân.