| Hotline: 0983.970.780

Làng 'công tra' - Chuyện bây giờ mới kể: Nhân chứng sống ở Dầu Tiếng

Thứ Tư 14/07/2021 , 08:54 (GMT+7)

Quan hệ giữa chủ đồn điền và phu cao su là quan hệ chủ - tớ, nên chuyện phu bị cai ức hiếp, đánh đập, bị phạt là có. Còn lại, mọi thứ thế nào?

Trong khi Lộc Ninh có 10 làng “công tra” thì ở Dầu Tiếng có đến 22 làng. Và hiện vẫn còn những người từng đi “công tra”. Chúng tôi đã gặp, nghe họ kể về cuộc sống, công việc ở đồn điền, và cách làm việc của những người chủ Pháp.

1.

Người đầu tiên chúng tôi gặp theo giới thiệu của lãnh đạo Công ty Cao su Dầu Tiếng là ông Dương Văn Lễ, năm nay 85 tuổi, ở xã Định An huyện Dầu Tiếng, nguyên đội trưởng nông trường cao su Dầu Tiếng. Ông Lễ từng đi “công tra” từ năm 1954 đến năm 1965. Thời điểm ông làm phu cao su, người Pháp đã rút về nước, nhưng các đồn điền cao su vẫn do các chủ người Pháp cai quản. Ông Lễ nói rằng, cách làm việc của người Pháp khá bài bản, khoa học, người công nhân không còn cảnh sống cực khổ, bị bóc lột như trước đó mấy chục năm.

Ông Dương Văn Lễ đang hồi ức về làng 'công tra' xưa. Ảnh: Trần Trung.

Ông Dương Văn Lễ đang hồi ức về làng "công tra" xưa. Ảnh: Trần Trung.

“Đối với chủ đồn điền, họ làm việc theo kiểu tư bản, tôi và anh thoả thuận làm việc bằng giấy trắng mực đen, anh vi phạm là tôi “xử”, không có chuyện tình cảm ở đây. Chế độ tốt, phát gạo, phát đồ ăn đầy đủ hết. Họ thường mua thực phẩm về bán lại cho phu với giá rẻ hơn mua ngoài. Một số người buôn bán nhỏ cũng xin phép chủ đồn điền mang đồ vào bán, chủ đồng ý với điều kiện bán cho phu với giá vừa phải chứ không được “chặt chém”. Đồng ý thì cho vào. Nếu cố tình bán đắt, bị phát hiện, không bao giờ cho vào bán tiếp.

Tôi nhớ hồi đó làm mỗi tháng được trả lương 37 đồng. Hàng ngày, có xe đưa đón những người ở xa. Quy định một tuần làm 6 ngày là đúng 6 ngày, không bao giờ tăng ca hay làm chủ nhật. Mỗi ngày quy định làm 8 tiếng nhưng không tới. 6 giờ sáng ra vườn cạo, đến khoảng 9 rưỡi, thậm chí người làm giỏi thì chỉ 9 giờ là xong việc buổi sáng.

Vườn cao su thời Pháp thuộc ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Vườn cao su thời Pháp thuộc ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Tại đồn điền cao su của người pháp, họ chia 3 loại công, công đen là buổi sáng cạo 1 phần (1 phần tương đương 250 cây nhóm 1 là loại cây mới mở miệng, và 380 cây nhóm 2 là loại cây sắp thanh lý, cạo nhanh hơn). Còn buổi chiều 2 người cạo 1 phần nữa, nếu sản lượng mủ thiếu, họ bắt mình cạo thêm buổi chiều 3 người 2 phần, nếu thiếu nữa bắt mình cạo buổi sáng 1 phần, chiều 1 phần. 3 loại công này được trả tiền khác nhau, công đen 37 đồng, loại công thứ hai được hơn 40 đồng, công thứ 3 là công đỏ (sáng 1 phần, chiều 1 phần) được trả 49 đồng, giống như trả tiền ngoài giờ. Định mức họ giao như vậy là nhẹ, buổi sáng có khi chỉ cạo tới 9 rưỡi, có người cạo giỏi tới 9 giờ đã xong. Ngoài ra, nhóm 2, loại cây cạo ghế, tức phải bắc ghế cạo trên cao, họ giao định mức 1 ngày chỉ 306 cây, còn được nhận thêm tiền vác ghế nữa", ông Lễ kể một mạch.

Tái hiện cảnh những phu cao su ở đồn điền cao su Dầu Tiếng ngồi lai rai sau giờ làm việc. Ảnh: Phúc Lập.

Tái hiện cảnh những phu cao su ở đồn điền cao su Dầu Tiếng ngồi lai rai sau giờ làm việc. Ảnh: Phúc Lập.

“Vườn cao su thời Pháp có phát triển tốt không chú?”, tôi hỏi. “Tốt chứ, cây đều đẹp. Một phần do họ đầu tư khâu cây giống tốt, cây trồng thưa, đều. Tiếp đến là quy trình trồng, chăm sóc bài bản. Sớm nhất là cây 7 tuổi mới mở miệng chứ không cạo non. Nhờ vậy mà sản lượng, chất lượng mủ rất cao”, ông Lễ nói.

“Nghe nói thời Pháp, phu cao su không cạo mủ ban đêm, vì sao vậy chú?”, tôi thắc mắc. Ông Lễ đáp: “Nhiều lý do lắm. Mủ cao su vốn kỵ nắng nóng, nếu cạo trong thời tiết này, mạch mủ chưa kịp xuống chén có khi đã bị khô, dính trên máng rồi. Một lý do nữa là thời Pháp họ giao định mức thấp, chỉ cạo từ 6 giờ đến khoảng hơn 9 giờ là xong, thời điểm còn mát, nên không cần thiết phải cạo đêm. Và 1 lý do nữa, là nếu cạo ban đêm, họ không quản lý được”.

2.

Người thứ 2 chúng tôi gặp là ông Nguyễn Thanh Long (Tư Long), sinh năm 1946, nguyên đội trưởng ở Công ty Cao su Dầu Tiếng, nay về hưu ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng. Mặc dù không làm “công tra”, nhưng ông Tư Long cũng là người biết khá rõ “thế sự”, cuộc sống phu cao su thời Pháp thuộc.

Ông Tư Long đang kể chuyện về làng 'công tra' Dầu Tiếng. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Tư Long đang kể chuyện về làng "công tra" Dầu Tiếng. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Long kể: Cha ruột tôi là Nguyễn Văn Nội, từ miền Bắc vào làm phu cao su năm 1937. Theo lời cha kể lại thì thời ông làm “công tra”, tụi Pháp cũng đánh dữ lắm. Nhưng không phải vô cớ nó đánh. Mà một phần cũng do mình. Đó là những trường hợp ký hợp đồng lao động rồi sau đó không chịu nổi vất vả, bỏ trốn. Tụi Pháp nó không đi bắt lại đâu mà rao ai bắt được những người bỏ trốn giao lại, sẽ được thưởng tiền. Nên ai thấy báo họ đến bắt, hoặc những người làm trong chính quyền thuộc Pháp họ bắt giao lại cho chủ Pháp.

Thực chất, đánh đập phu hay là lính thuê. Ba tôi cũng từng bị đánh, đánh lên bờ xuống ruộng, thanh niên mới vào làm biếng, say nắng, ngang bướng nên bị đánh.

Cảnh cân mủ ở đồn điền cao su Lộc Ninh. Ảnh tư liệu. 

Cảnh cân mủ ở đồn điền cao su Lộc Ninh. Ảnh tư liệu. 

Giới chủ Pháp không hẳn là những kẻ máu lạnh, họ cũng có trách nhiệm với người lao động, bằng việc chăm lo đời sống cho phu, và cả vợ con của họ. Cũng giống như Lộc Ninh, ở Dầu Tiếng, người Pháp xây dựng trường học, nhà thờ, hồ bơi, bệnh viện. 22 làng "công tra", nhà xây hết, một nhà ngăn đôi cho 2 gia đình ở. Ngày chủ nhật, chủ đồn điền cho xe chở công nhân đi chợ, mua thức ăn cho 1 tuần. Ngoài ra, còn có xe cứu thương chờ sẵn, nếu ai bệnh là lập tức chở đi bệnh viện ngay.

Tôi tìm hiểu thì được biết, từ giai đoạn đầu mới hình thành đồn điền cao su, kéo dài mấy chục năm sau, phu cao su thực sự là khổ, bị đàn áp, đánh đập, bớt xén tiền lương… đủ cả. Công nhân ở các đồn điền cao su thường bị đánh bằng roi gân bò. Đối với phu đồn điền bỏ trốn, nếu bị bắt lại, bị đánh đập rất dã man, thậm chí là cái chết. Trong cuốn Ghi chép “Việt Nam, bi thảm Đông Dương” của tác giả người Pháp Louis Roubaud viết: “Đêm qua 30 người thợ bỏ trốn. Người ta ra lệnh cho cai và giám thị đem theo cả quần áo đi tìm. 12 người trong số họ nay đã tìm thấy. Họ bị kiệt sức trong khi đi đường và lại khát rốc. 12 người kia bị lột quần và bắt nằm sấp xuống đất. Bọn cai và giám thị cầm roi hành hạ, mỗi người bị 20 chiếc roi mây, đó là cảnh cáo cho lần đầu trốn”.

Giới chủ người Pháp không ai dám chắc có chỉ đạo đám tay sai đánh phu hay không, nhưng chúng chắc chắn biết và phớt lờ.

Hệ thống máy chế mủ cao su ở vườn cao su thời Pháp thuộc (xã Định An, huyện Dầu Tiếng). Ảnh: Phúc Lập.

Hệ thống máy chế mủ cao su ở vườn cao su thời Pháp thuộc (xã Định An, huyện Dầu Tiếng). Ảnh: Phúc Lập.

Ba tôi hồi mới vào làm “công tra”, ban đầu nó chỉ cho đi phát cỏ chứ không được cạo mủ, sau một thời gian nó mới cho cạo. Trong quy trình chăm sóc cây cao su, tụi Pháp kỹ lắm, dây quấn làm kiềng máng mủ là phải quấn bằng lò xo, để khi cây lớn, lò xo dãn ra, không gây thắt thân cây như dùng dây ni lông bây giờ.

Đặc biệt, những vườn cao su của người Pháp trồng trên những quả đồi có độ dốc, họ thiết kế những đường mương nước chạy ngang lưng đồi. Mỗi mương cách nhau khoảng 10m, từ trên đỉnh xuống gần chân đồi. Nhìn có dạng như ruộng bậc thang. Mục đích của những mương nước này là giữ nước, giữ phân, chất màu của đất. Khi mưa lớn, nước từ đỉnh đồi tràn xuống, mương sẽ giữ nước lại, khi mương trên cùng đầy, sẽ tràn xuống mương dưới. Cây cao su không giữ được nước, nếu độ dốc cao, mưa lớn, không chỉ chất màu của đất, mà phân bón cũng trôi tuột hết. Nhờ những mương nước này mà toàn bộ phân bón cho cây không bị mất.

“Làng "công tra" là mô hình khép kín, bên trong có đủ nhà ở của phu cao su, nhà kho, cửa hàng tạp hóa. Nhà phu hay còn gọi là nhà điểm, là nơi phu cao su đến để nhận và trả công cụ lao động. Nhà này cũng là nơi trước khi đi làm, phu cao su phải tập trung để điểm danh. Ngoài ra còn có hồ bơi, bệnh viện, nhà thờ, chùa, nhà giữ trẻ và phòng học cho học sinh tiểu học", ông Hoàng Văn Phước, cán bộ hưu trí ở thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước.

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.