| Hotline: 0983.970.780

Làng 'công tra' - Chuyện bây giờ mới kể

Thứ Ba 13/07/2021 , 09:04 (GMT+7)

Có lẽ, bất cứ người Việt Nam trưởng thành nào cũng biết, qua sách vở, tác phẩm văn học hay truyền miệng… về những làng đặc biệt này thời Pháp thuộc.

Chúng tôi tìm về những làng "công tra" (contrat - hợp đồng) ở 2 vùng “thủ phủ” cao su miền Nam, là Lộc Ninh của Bình Phước và Dầu Tiếng của Bình Dương, gặp những bậc cao niên, để nghe họ kể. Đó là một góc khác về làng "công tra" xưa.

Ký ức người trong cuộc

Chuyện phu cao su bị bóc lột, bị đánh đập dã man, nhiều người “phơi xác” ngoài gốc cao su là sự thật. Nhưng, cuộc sống ở các làng "công tra" không hẳn là địa ngục.

1

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi về khu phố Ninh Hoà, thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước, tìm gặp những người còn dính dáng đến thời "công tra" để nghe họ kể về cuộc sống ở các làng cao su thời Pháp thuộc. Ngôi nhà chúng tôi ghé là của gia đình anh Tiến, 66 tuổi (đường Lý Tự Trọng), ngôi nhà nguyên bản lợp ngói, nền xi măng, gồm một gian ngoài và một gian ngủ, phía sau có một căn bếp nhỏ, tách rời khỏi nhà chính.

Những người con của các phu 'công tra' đồn điền cao su Lộc Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Những người con của các phu "công tra" đồn điền cao su Lộc Ninh. Ảnh: Trần Trung.

“Ngày xưa, bố tôi là phu đồn điền cao su Lộc Ninh, của công ty Michelin (Société des Plantations et Pneumatiques Michelin au Vietnam) thành lập năm 1917. Michelin khi đó là một trong những công ty cao su lớn nhất miền Nam, chủ người Pháp là ông De Lafon.

Thời đó, những phu nào lập gia đình thì được ở nhà riêng như thế này. Tính đến nay, nó đã hơn 100 năm tuổi rồi, nhưng nay mái ngói vẫn còn y nguyên, chưa hề bị dột. Tôi chỉ nâng và thay nền xi măng bằng gạch bông thôi, còn lại vẫn nguyên vẹn. Khu phố này ngày xưa 2 bên đường là 2 dãy nhà liền kề nhau như nhà tôi, thuộc Làng 3, đồn điền cao su Lộc Ninh. Bây giờ con đường này chỉ còn lại vài căn, nhưng đa số đã cải tạo lại hết”, ông Tiến cho biết.

Làng 3 ngày xưa, nay là khu phố Ninh Hoà, thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Phúc Lập.

Làng 3 ngày xưa, nay là khu phố Ninh Hoà, thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Phúc Lập.

Nói về cuộc sống “địa ngục” ở các làng "công tra" ngày xưa, ông Tiến nêu quan điểm: “Điều kiện làm việc trong đồn điền cao su ngày xưa rất khắc nghiệt. Đúng, nhưng chưa đủ. Ngày xưa, các đồn điền cao su đều nằm ở những vùng rừng núi heo hút, đúng nghĩa là “rừng thiêng nước độc”, trong khi cơ sở vật chất chưa có gì. Những nhóm phu đầu đầu tiên vào đây, chưa thể gọi là công nhân cao su, vì họ chủ yếu đi khai hoang. Cuộc sống quá cực khổ, thiếu thốn, bệnh tật, chẳng khác gì đi đày. Rất nhiều người chết vì bệnh tật các loại. Cho nên, những câu ca dao truyền tụng trong dân gian như “Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, hay “Cao su xanh tốt lạ đời/ Mỗi cây bón một xác người công nhân”, là phản ánh đúng thực tế khi đó.

Ông Hoàng Văn Phước (trái) và ông Phạm Văn Hải, đang kể lại những ký ức về làng 'công tra' xưa. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Hoàng Văn Phước (trái) và ông Phạm Văn Hải, đang kể lại những ký ức về làng "công tra" xưa. Ảnh: Phúc Lập.

Riêng công ty Michelin, trong những năm đầu mới thành lập, họ sử dụng lao động địa phương là chính, những người “bán công, bán nông”. Nhưng do thái độ và thời gian làm việc của lực lượng lao động này không ổn định, những ngày giáp hạt, thiếu ăn họ vào đồn điền làm công, đến mùa vụ họ lại trở về với mảnh đất của gia đình để làm. Bên cạnh đó, càng về sau, nhu cầu nhân công càng ngày càng tăng và cấp bách, nên Michelin ra tận các tỉnh miền Bắc tuyển phu.

Cha tôi kể, thời đó, ngoài quê, khắp nơi treo thông báo mộ phu đi Nam Kỳ và Cao Miên. Trong đó ghi rõ chế độ đãi ngộ, tiền công: “Tiền công 5 đồng/ngày; có chỗ ở, được chăm sóc y tế khi đau ốm; nhận cả phu đi cùng gia đình, con cái; được nhận nuôi ngay khi ký giấy đi phu; giờ làm việc theo sắc lệnh của thanh tra lao động Việt Nam và Pháp…”.

Ngôi nhà cấp cho gia đình phu cao su do người Pháp xây dựng ở làng 3, nay là khu phố Ninh Hoà, thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Phúc Lập.

Ngôi nhà cấp cho gia đình phu cao su do người Pháp xây dựng ở làng 3, nay là khu phố Ninh Hoà, thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Phúc Lập.

Do tập trung phu từ nhiều nguồn, nên công tác quản lý gặp khó khăn. Để không cho phu bỏ trốn hoặc bỏ giao kèo, giới chủ quản lý phu khắc nghiệt. Ngoài những khắc nghiệt về môi trường, khí hậu, việc quản lý, trấn áp phu của quản lý là một trong những nguyên nhân biến các đồn điền cao su thành “địa ngục”.

Chủ các đồn điền cao su Michelin nổi tiếng về thái độ đối xử vô nhân đạo với công nhân và là nơi liên tục xảy ra những cuộc đấu tranh của công nhân. Đỉnh điểm là cuộc đấu tranh quy mô lớn ngày 3/2/1930 của tập thể công nhân đồn điền Phú Riềng. Sau đó, Michelin cho sáp nhập hai đồn điền Phú Riềng và Thuận Lợi, lấy tên là đồn điền Thuận lợi, hòng làm cho người ta quên vụ Phú Riềng, quên vụ việc của vùng cao su đẫm máu.

2

Ông Hoàng Văn Phước, sinh năm 1964, nguyên là cán bộ huyện Lộc Ninh, kể: Cha tôi là Hoàng Văn Cao, sinh năm 1919. Năm 1939, ông vào Nam đi phu cao su. Bản thân tôi khi lớn lên đã không còn phu cao su "công tra" nữa. Nhưng được nghe cha kể lại khá nhiều. Lớn lên, được ăn học, sau đó công tác ngay tại quê hương của những làng "công tra" xưa, biết nhiều cụ từng là phu cao su thời Pháp thuộc còn sống ngay tại đây, nên tôi hiểu tương đối về những làng đồn điền cao su xưa.

Ông Hoàng Văn Phước: 'Thời Pháp thuộc, phu cao su đúng là cực khổ như chúng ta đã biết, nhưng không hẳn chỉ có mặt trái, những đau thương'. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Hoàng Văn Phước: "Thời Pháp thuộc, phu cao su đúng là cực khổ như chúng ta đã biết, nhưng không hẳn chỉ có mặt trái, những đau thương". Ảnh: Phúc Lập.

Theo tôi hiểu, thời Pháp thuộc, ngoài các đồn điền cao su lớn của các tay chủ tư bản, được chính phủ bảo hộ (các đồn điền không phải của chính phủ Pháp) ra, còn có các sở cao su nhỏ của tư sản người Việt, người Hoa, người thân Pháp.

Trong tập thống kê năm 1931 của nghiệp đoàn các nhà trồng cao su Đông Dương có khoảng 60 chủ sở hữu cao su người Việt Nam có dưới 100ha cao su (tiểu điền), 12 sở cao su trung điền (có diện tích từ 100 đến dưới 500ha). Còn lại các sở có diện tích cao su trên 500ha chủ yếu là của các nhà chức trách có quyền thế hoặc thuộc những người thân Pháp có thế lực như quan tòa Đỗ Hữu Trí, nhà kinh doanh công nghiệp Trương Văn Bền, các ông Lê Phát Tân, quan phủ Võ Hà Thanh, Đốc phủ sứ Đoàn Hữu Tùng, chủ sở kho bạc Thủ Dầu Một Nguyễn Văn Yên…

Bệnh viện Lộc Tấn (Bệnh viện Lộc Ninh sau này), là Nhà thương làng 5, người Pháp xây dựng để chữa bệnh cho chủ đồn điền, phu cao su và nhân dân trong vùng. Ảnh: Phúc Lập.

Bệnh viện Lộc Tấn (Bệnh viện Lộc Ninh sau này), là Nhà thương làng 5, người Pháp xây dựng để chữa bệnh cho chủ đồn điền, phu cao su và nhân dân trong vùng. Ảnh: Phúc Lập.

Mỗi sở lại có cách bóc lột người lao động khác nhau. Nhưng vì lợi nhuận, họ đã bất chấp cac thủ đoạn, vắt kiệt sức lao động của công nhân như kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động, sử dụng lao động trẻ em, trả tiền lương ít…

Thực trạng xã hội ở đây có sự phân hóa rõ ràng. Một bên là giới chủ đại diện cho lớp người giàu có, sống xa xỉ, nhưng khét tiếng tàn ác. Một bên là người lao động thật thà, sống bằng cách bán sức lao động, nhưng nghèo khổ bần hàn. Sản phẩm và lợi nhuận do người lao động làm ra đều đổ vào túi giới chủ và những tập đoàn tư bản lớn.

Căn nhà dành cho gia đình phu cao su do người Pháp xây dựng cấp cho gia đình ông Tiến, hơn 100 năm mái ngói vẫn còn nguyên. Ảnh: Trần Trung.

Căn nhà dành cho gia đình phu cao su do người Pháp xây dựng cấp cho gia đình ông Tiến, hơn 100 năm mái ngói vẫn còn nguyên. Ảnh: Trần Trung.

Nhưng càng về sau, giới chủ Pháp hiểu rõ, muốn có lợi nhuận cao thì công nhân phải có sức khoẻ, phải có cuộc sống tối thiểu. Chính vì thế, ở các làng "công tra" sau này, không hoàn toàn chỉ có đánh đập, áp bức và bóc lột. Nhất là khi các phong trào đấu tranh đòi quyền lợi ngày càng nhiều, giới chủ đã có những nhượng bộ, quyền lợi của phu cao su cũng được cải thiện.

Bằng chứng là họ làm nhà kiên cố cho công nhân, ngày làm việc 8 giờ, khi bệnh tật, ốm đau được đi bệnh viện chữa trị. Nhà thương làng 5 ở xã Lộc Tấn hiện nay là một trong những công trình công ích lớn nhất khu vực Lộc Ninh mà người Pháp xây dựng, để khám chữa bệnh cho chủ đồn điền, phu cao su và một phần nhân dân do các đồn điền quản lý.

“...Phu cao su ở đây được quy định lao động một ngày 8 giờ. Chủ Tây đi kiểm tra cả về số lượng và chất lượng rất chặt chẽ. Việc phòng bệnh, chữa bệnh cũng được thực hiện để công nhân có sức khỏe làm việc.

De Lalane trả lương cho tôi một tháng là 30 đồng. Thấy ba tê, xúc xích tôi làm ăn ngon nên ông ta yêu cầu làm thêm để bán cho các đồn điền kế cận và mang về Sài Gòn. De Lalane trả thêm cho tôi 15 đồng mỗi tháng để đi phân phát lương thực.

Như vậy, mỗi tháng tôi có thu nhập đều đặn 45 đồng. Có tiền dư dật, công việc lại không bị quản chặt như phu cạo mủ cao su nên tôi có điều kiện đến các làng tiếp xúc với phu cao su vận động, xây dựng phong trào của phu cao su và tôi cũng bắt đầu nghĩ đến việc tìm kiếm và bắt liên lạc với tổ chức cách mạng”.

Trích hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, của Cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.