| Hotline: 0983.970.780

Làng cúc Vĩnh Liêm với nỗi lo lỡ hẹn vụ hoa tết

Thứ Tư 10/01/2018 , 13:45 (GMT+7)

Năm nay mưa lạnh kéo dài ngoài dự kiến của những người chuyên trồng cúc vụ tết ở khối Vĩnh Liêm, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định) làm đảo lộn quy trình chăm sóc, khiến những chậu cúc trước nguy cơ nở muộn.

Những ngày này, trên địa bàn Bình Định mưa vẫn tầm tã, thế nhưng những chủ vườn ở khối Vĩnh Liêm vẫn mặc áo mưa, che dù, để cắm cọc lần 2 (cọc chính) cho chậu cúc.

12-25-16_1
Dù trời mưa người trồng cúc vẫn mặc áo mưa, che dù chăm sóc vườn

Theo bà con nơi đây, trong quá trình chăm sóc, những chậu cúc được cắm 2 lần cọc. Qua 20/10 âm lịch là cúc được cắm cọc phụ, là những cây tre được vót nhỏ, dài 60 - 70cm. Cọc phụ có nhiệm vụ đỡ cây cúc lúc còn nhỏ khỏi bị ngã và định hình cự ly giữa những cây cúc trong chậu cho đều.

Đến giai đoạn sau rằm tháng 11 âm lịch, cúc tiếp tục được cắm cọc chính, mỗi cọc dài từ 1,2 - 1,5m tùy chậu lớn nhỏ. Nhiệm vụ của cọc chính là để hướng những cây cúc tỏa đều trong chậu nhằm đạt mức thẩm mỹ theo yêu cầu của người chơi.

Vừa cắm cúi cắm cọc chính cho 300 chậu cúc của mình, chủ nhà vườn Đặng Thị Cúc (50 tuổi) ở khối Vĩnh Liêm vừa trò chuyện. Theo chị Cúc, năm nay mưa lạnh kéo dài đã gây bất thuận cho sự sinh trưởng phát triển của cây cúc. Mưa làm cây “trẻ” lại, lá non phát triển nhiều, nhánh cứ vượt cao vun vút không chịu đóng búp.

“Đã qua rằm tháng 11 âm lịch mà cúc chưa đóng búp là kể như bỏ, bởi sẽ không ra hoa kịp tết, vườn cúc nào đã đóng búp to bằng hạt đậu xanh là kể như ăn chắc kịp hoa”, chị Cúc cho hay.

12-25-16_2
Những chậu cúc được cắm cọc chính

Theo chị Cúc, để ngăn cúc ra búp sớm, trong giai đoạn đầu chăm sóc, các nhà vườn thắp điện trên những vườn cúc để kìm hãm. Bình thường hằng năm, cứ đến 25/10 âm lịch là các nhà vườn đều đồng loạt cắt điện, tháo sự kìm hãm để cúc ra búp kịp hoa tết. Thế nhưng năm nay đã quá nửa tháng 11 âm lịch mà mưa lạnh vẫn diễn ra, có nguy cơ kéo dài, nên những chậu cúc được cắt điện từ ngày 25/10 âm lịch trở đi giờ cứ đơ ra, nhánh lên cao vút mà không chịu đóng búp.

“Riêng 300 chậu cúc của nhà tui nhờ cắt điện sớm từ ngày 20/10 âm lịch nên giờ này đã cho búp to bằng hạt đậu xanh, chắc chắn sẽ cho hoa kịp tết”, chị Cúc nói.

12-25-16_3
Vợ chồng chị Đặng Thị Cúc cắm cúi cắm cọc chính cho vườn cúc

Dạo quanh làng cúc Vĩnh Liêm, đi đến đâu tôi cũng nghe tiếng thở dài của các chủ nhà vườn than thở về thời tiết. Do nhuận 1 tháng, hầu hết những chủ nhà vườn ở đây cứ nghĩ mưa lũ sớm đến sẽ sớm đi, từ giữa tháng 11 âm lịch cho đến tết thời tiết sẽ nắng ấm, do đó ai nấy đều để đến 25/10 âm lịch mới cắt điện. Nào ngờ đã gần 20/11 âm lịch mà mưa lạnh vẫn diễn ra, nguy cơ kéo dài, trong khi cúc bây giờ chưa cho búp nên cầm chắc hoa sẽ cho muộn tết.

Không chỉ vậy, mưa kéo dài khiến quy trình chăm sóc bị đảo lộn, thuốc phòng trừ bệnh không thể bơm đúng định kỳ đã khiến những chậu cúc bị tuột lá chân. Mà khi cúc đã tuột lá chân thì dù có cho hoa đẹp mấy cũng bị mất giá đến một nửa. Bởi người chơi cúc ngoài cần hoa đẹp, nở đúng tết, còn cần chậu cúc phải sum xuê lá đủ đầy từ chân đến ngọn, những chậu bị “đứt chân” lá thường không được người chơi để mắt đến.

Theo tính toán của người trồng cúc, năm nay từ giống đến công lao động đều tăng. Do đó, đầu tư cho mỗi chậu từ khi xuống giống đến khi bán tăng cao. Gặp thời tiết bất thuận kiểu này, những vườn bị muộn hoa “lỗ chỏng gọng” đã đành, nếu dùng thuốc bơm thúc ép chúng nở hoa thì hoa cũng bị méo, không đẹp, đã mất thêm chi phí đầu tư mà còn mất giá nên cũng chẳng hiệu quả gì.

12-25-16_4
Vận chuyển cúc từ vườn về mái dù để chăm sóc
“Giống năm ngoái có 200 ngàn đồng/thiên (1.000 cây), năm nay tăng lên 220 ngàn đồng/thiên; công lao động cũng tăng từ 170 ngàn lên 200 ngàn đồng/công, thêm chi phí ăn giữa buổi, cà phê thuốc lá nữa là thành 220 ngàn đồng/công. Do đó, mức đầu tư từ giống đến phân bón, thuốc BVTV, công cán, tiền mua cọc tre… cho 1 chậu cúc có đường kính 50cm tăng lên đến 200 ngàn đồng. Nếu hoa không ra kịp tết thì lỗ chỏng gọng”, chị Đặng Thị Cúc lo lắng.

 

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.