Phải chăng, vì Măng Đen còn quá nguyên sơ mà trong một lúc, con người ta không thể khám phá hết được...
Vùng đất "7 hồ, 3 thác"
Nằm ở độ cao trên dưới 1.200m so với mực nước biển, Măng Đen (thuộc huyện Kon Plông, Kon Tum) được thiên nhiên biệt đãi với đủ đầy những yếu tố quý giá nhất của vùng đất cao nguyên: Nhè nhẹ nắng cho đủ ấm, khẽ khàng gió cho đủ thoáng. Và, những khu rừng nguyên sinh chưa bị tàn phá với gập ghềnh thác, với yên ả hồ, với sương lơi lả mặt đường, sương ve vuốt nõn thông...
Du khách chụp ảnh trong vườn hoa đào đã bung nở ở Măng Đen. |
Chả nhiều nơi như Măng Đen. Đến một lần, cứ muốn đến mãi...
Cái tên “7 hồ 3 thác”, xuất phát từ truyền thuyết của người Mơ Nâm về vị thần Pling huynh (vị thần tối cao - theo quan niệm của người Mơ Nâm) đã tạo ra 7 hồ nước gồm Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam và Đăk Ke; và 3 ngọn thác là Pa Sỹ, Đăk Ke và thác Đăk Pne.
Măng Đen là cách gọi chệch của địa danh T’Măng Deeng - theo cách gọi và quan niệm của người Mơ Nâm vùng đông bắc Tây Nguyên, có nghĩa là “Nơi bằng phẳng, nơi trú ngụ của các vị thần linh” (T’măng: Nơi ở/vùng đất, Deeng: Thần linh).
Khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình 16 - 20oC, độ ẩm trung bình 82 - 84%, có rừng nguyên sinh bao bọc, độ che phủ trên 80% diện tích tự nhiên... Những yếu tố trên đã tạo nên một Măng Đen với rất nhiều cảnh quan du lịch hấp dẫn.
Đến Măng Đen, gần như có đầy đủ các loại hình du lịch như du lịch tâm linh với Khu hành hương Đức Mẹ Măng Đen, với Chùa Khánh Lâm trên đồi thông vi vút gió; du lịch sinh thái có thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke, hồ Đam Rông, rồi hệ thống vườn rau hoa xứ lạnh...; du lịch cộng đồng có Làng Du lịch cộng đồng Kon Pring do chính người Mơ Nâm tổ chức gồm hệ thống homestay gần gũi với thiên nhiên, những đêm bập bùng lửa trại có gà nướng, rượu cần mang đậm nét văn hóa truyền thống còn nguyên sơ của đồng bào Mơ Nâm...
Mùa này, Măng Đen đẹp tựa một nàng tiên trong cổ tích. Sáng sớm, bạn có thể ngắm sương mù trên đỉnh đèo Măng Đen (chỉ cách trung tâm thị trấn vài cây số), sau đó đi tham quan, chụp ảnh ở những vườn rau hoa xứ lạnh khoe sắc rực rỡ; chiều đến đi ngắm thác, ngắm hồ; tối về nhâm nhi đôi chén rượu sim, rượu sâm là sản vật tại chỗ với gà nướng, heo quay trong cái se lạnh dưới những tán thông; cũng có thể đến với Làng Du lịch cộng đồng Kon Pring bập bùng ánh lửa, chếnh choáng rượu cần, lơi lả vòng xoang, đêm xuống đặt lưng trên những ngôi nhà sàn bằng gỗ ván, đã có âm vang cồng chiêng đưa ta vào giấc ngủ huyền thoại.
Những người bỏ phố lên rừng
Măng Đen không chỉ nổi tiếng về những địa chỉ du lịch, mà Măng Đen còn là nơi thu hút khách thập phương bởi những Farm nông nghiệp hữu cơ như Or Farm với vườn cam, vườn hoa tam giác mạch, hoa hồng xứ lạnh; Ê Ban Farm với sâm dây, sâm đương quy, bưởi, hoa xứ lạnh...
Có được những địa chỉ như trên, phải nhắc đến những con người dám mạnh dạn bỏ phố lên rừng.
Chỉ một lần du lịch đến Măng Đen, chị Nguyễn Thị Kim Dung (52 tuổi) đã quyết định bán cả sản nghiệp đang khá thành đạt ở TP Hồ Chí Minh để lên Măng Đen đầu tư. Hiện ngoài hệ thống nhà hàng khách sạn ở Măng Đen, chị Dung còn đầu tư hợp tác, ứng dụng công nghệ cao để nuôi thành công đông trùng hạ thảo trên vùng đất này. Chị đã thành công khi biết kết hợp giữa du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Một phụ nữ khác, cũng từ TP Hồ Chí Minh lên, làm tôi khá ấn tượng. Chị Nguyễn Thị Thiện Mỹ. Năm 2008, lần đầu tiên đi du lịch Măng Đen, chị Mỹ đã bị mê hoặc bởi vùng đất hoang sơ. Theo chị Mỹ, ngoài vẻ đẹp tự nhiên vốn có của Măng Đen thì mảnh đất này còn khá vẹn nguyên, chưa bị tác động bởi con người; đất sạch, khí hậu thuận lợi cho việc trồng các loại rau, hoa xứ lạnh... Năm 2010, để lại một căn nhà ở thành phố đô hội để có nơi đi về, còn lại chị bán sạch, mang tiền lên đầu tư ở Măng Đen trước sự ngỡ ngàng, lo lắng của không ít người thân.
Sau một thời gian khai hoang mở rộng để đến nay, trang trại của chị Mỹ có 27ha với ngằn ngặt xanh của chanh dây, dâu tây, khoai tây; với ngút ngàn là vàng xanh tím đỏ của lay ơn, cúc, thạch thảo, phong lan, địa lan, anh đào, mimoza... Tất cả đều được chị áp dụng công nghệ cao. Trang trại của chị được lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt để tránh làm dập hoa trong mùa ra hoa, hệ thống tưới phun sương để rửa sương cho cây, hệ thống chăm phân định lượng cho cây dâu tây...
Hôm tôi đến, người đàn bà sáu mươi mốt tuổi - người dám bỏ ra gần hai mươi tỷ đồng, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Thiện Mỹ - Kon Tum đang mặc áo quần bảo hộ lao động, chân mang ủng, trực tiếp cùng công nhân cho đất vào túi ươm.
Chị chia sẻ, không lâu nữa, trang trại của chị sẽ tổ chức cho khách đến tham quan chụp ảnh, nghỉ lại đêm để có dịp thưởng thức các món ăn từ rau củ quả sạch trồng ở trang trại. Du khách tha hồ chụp ảnh ở những vườn rau, vườn hoa đúng mùa khoe sắc, được ăn rau quả sạch, được uống các loại nước ép miễn phí từ cà rốt, dâu tây, sâm đương quy…
Còn rất nhiều những người khác đến với Măng Đen làm nông nghiệp theo cách đó.
Măng Đen hôm nay: Nông nghiệp + Du lịch
Tôi gặp một gia đình khá thú vị, ông Nguyễn Văn Bằng và bà Đào Thị Hương ở thị trấn Măng Đen.
Để phủ xanh hàng trăm ngàn héc ta đồi trọc do chiến tranh để lại, ngay từ những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ trước, tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ) đã có chủ trương trồng thông trên những quả đồi. Ông Bằng bà Hương là những người trong số sáu mươi người đến từ vùng đất Nghệ Tĩnh. Khi ấy, họ mới chỉ mười tám, đôi mươi. Không thể kể hết những khó khăn đói rét, sơn lâm chướng khí, thú dữ hoành hành, rồi sốt rét rừng, rồi nhớ nhà. Tuy nhiên, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Và, tình yêu nảy nở, đơm hoa kết trái từ những chàng trai cô gái thanh niên xung phong năm ấy. Ông Bằng (người Kỳ Anh) với bà Hương (người Đức Thọ) là một cặp đôi như vậy. Cưới nhau, sinh con và hoàn thành nhiệm vụ trồng thông ở Măng Đen, ông bà quyết định ở lại, lập nghiệp trên mảnh đất mù sương này.
Hôm tôi đến, bà Hương đi vắng, ông Bằng đang cùng công nhân thu hái cà phê trong vườn. Ở đây, ông Bằng được cho là người thức thời khi ông làm đơn xin thuê 9,5ha đất bao gồm đất bằng, ao, suối, rừng thông, rừng tự nhiên... Trang trại của ông hình thành từ đây.
Chị Nguyễn Thị Thiện Mỹ và tác giả bên vườn hoa xứ lạnh. |
Hiện vườn ông Bằng có 5ha cà phê, trong đó 1ha mới trồng, xen với bơ, cam, ổi mà theo ông thì “để tạo phấn hoa tự nhiên và tiết kiệm đất”. 4ha đã thu hoạch là giống cà phê Catimo chịu hạn, được ông chăm sóc bằng biện pháp hữu cơ: Phủ gốc bằng lá khô với men vi sinh nhằm tạo độ ẩm. Theo ông Bằng thì đất nơi đây gồm đá mồ côi xen lẫn đất đỏ bazan nên chất vôi, chất hữu cơ ngưng đọng sẵn từ lâu, không cần bón phân, chỉ cần bổ sung độ tơi xốp là cà phê đã ngằn ngặt xanh, quả sai trĩu cành.
Cà phê được ông Bằng thu hái... từng quả - tất nhiên chỉ hái những quả chín đỏ, sau đó bảo quản nghiêm ngặt đợi thương lái đến thu mua. Trong bối cảnh giá cà phê đang “lao dốc không phanh”, nhưng cà phê của ông Bằng vẫn được thu mua với giá 25 ngàn đồng/kg tươi. Từ vườn cà phê và cây ăn quả, mỗi năm gia đình ông Bằng thu về khoảng 300 triệu đồng, nuôi 10 lao động thường xuyên trong vườn.
Hôm tôi đến, ngoài 5ha vườn cây đã ổn định thì trang trại của ông vẫn ngổn ngang lắm, với con đường đang còn lởm chởm, ngoằn ngoèo trên đỉnh đồi lao xuống thung sâu. Ở đây, bên những con suối, hồ nước tự nhiên sẵn có, ông đang dựng lên những ngôi nhà sàn bằng gỗ từ cột đến sàn, vách; mái lợp bằng tranh. Trong mỗi nhà có bình quân 3 giường, có bếp lửa truyền thống của đồng bào, có đầy đủ vật dụng sinh hoạt cho khách nghỉ qua đêm.
Ông Bằng cho biết: “Tôi làm nông nghiệp sạch, kết hợp với du lịch sinh thái. Đó là đặc trưng của Măng Đen mà!”.
Đứng từ nóc hầm rượu của ông (chỉ ủ rượu sim, sâm, ổi... sẵn có ở Măng Đen), có thể bao quát được toàn bộ thung xa lũng gần với róc rách suối chảy, yên ả mặt hồ; với vi vút rừng thông, trầm mặc rừng nguyên sinh; với rực rỡ sắc màu của mai anh đào, của mimoza và nhiều loại hoa khác; với huyền ảo tia nắng ban mai xuyên qua làn sương sớm…
Huyện Kon Plông hiện có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng 170ha, trong đó đất xây dựng cơ sở hạ tầng 30 ha, còn lại là để thực hiện dự án. Tại đây đã thu hút được 7 dự án đầu tư với tổng diện tích 94,6ha, vốn đăng ký đầu tư 133,1 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn thu hút được các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH, Tập đoàn VinGroup… Hiện trên địa bàn huyện đã thu hút được 49 dự án đầu tư về nông nghiệp với tổng diện tích 6.759ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 20.094 tỷ đồng. Trong đó có 26 dự án đầu tư sản xuất về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 1.007,3ha, tổng vốn 1.559,17 tỷ đồng và Dự án sản sản xuất rau, hoa xứ lạnh và trà ô long - kết hợp du lịch sinh thái của Công ty TNHH Việt Khang Nông đã được UBND tỉnh công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |