Làm ngày, làm đêm
Những ngày cuối năm, không khí làm việc tại các làng nghề như bánh tráng, chổi, nước mắm và chế biến các loại hải sản khô ăn liền… luôn trong tình trạng tất bật. Mọi người đều một tay hoàn thành các sản phẩm tốt nhất, để phục vụ thị trường.
Làng nghề nghề bó chổi Mỹ Thành tất bật chuẩn bị hàng tết. |
Tại làng nghề bó chổi Mỹ Thành (Phú Hòa), ai nấy đều phấn khởi khi những xe hàng đến lấy chổi đưa đi muôn nơi. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, chổi Mỹ Thành còn bỏ sỉ cho các đại lý ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk… thậm chí đến tận Tây Ninh.
Bà Nguyễn Thị Ngà, chủ một cơ sở bó chổi ở Mỹ Thành cho biết, dịp cuối năm lượng hàng tiêu thụ rất lớn, bà con trong xóm ai nấy đều chuẩn bị nguyên liệu, lực lượng sản xuất từ nhiều tháng nay.
Cơ sở của gia đình tăng thêm 5 lao động, trung bình mỗi ngày làm được từ 500 – 700 cây chổi. Từ đó, lượng chổi dự trữ từ đầu năm cũng được vài chục ngàn cây, đáp ứng một phần cho các khách hàng.
Cũng theo bà Ngà, thời điểm này, giá chổi cũng nhích lên được đôi chút, từ 20.000 - 35.000 đồng/chiếc, cao hơn ngày thường khoảng 3.000 – 5.000 đồng/chiếc. Do đó, bà con đều tranh thủ làm ngày, làm đêm để có sản phẩm tung ra thị trường.
Tương tự, tại các làng nghề nước mắm Gành Đỏ việc dự trữ nguồn hàng tết đã được các cơ sở chuẩn bị ngay từ đầu năm. Những tháng cuối năm, các cơ sở tăng cường lực lượng đóng chai, đóng thùng và chuẩn bị thêm những mẫu chai mới, những túi giấy, thùng carton để khách hàng mua làm quà biếu.
Nước mắm Gành Đỏ, TX Sông Cầu được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Một cơ sở sản xuất nước mắm ở Gành Đỏ cho biết, năm nay, lượng cá về biển nhiều nên các cơ sở đều chuẩn bị nguồn hàng khá dồi dào. Như tại cơ sở chế biến nước mắm Tân Lập, mùa tết cơ sở này cung cấp ra thị trường hơn 70.000 lít nước mắm các loại.
Ông Phan Văn Khải, chủ cơ sở này nhận định, người tiêu dùng tiêu thụ mạnh nhất là các loại mắm cao cấp, với giá từ 100.000 – 150.000 đồng/lít. Về giá bán các cơ sở vẫn giữ mức giá ổn định mặc dù giá nguyên liệu tăng nhẹ. Tuy nhiên, riêng dòng nước mắm nhĩ đặc biệt giá tăng khoảng 10 – 20%.
Để phục vụ khách hàng mùa tết, lượng nước mắm được các cơ sở bán tại chỗ cho xe khách, xe tải đi qua quốc lộ 1. Bên cạnh đó, các cơ sở còn chủ động bố trí xe hàng chở giao mắm cho khách và liên tục bổ sung hàng cho các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi ở trong và ngoài tỉnh.
Giá bán ra đều tăng
Tại làng nghề bánh tráng Hòa Đa (Tuy An), những ngày cuối năm, trời ít nắng, lại thêm gió lớn đã gây nhiều bất lợi cho các cơ sở làm nghề. Các cơ sở phải tận dụng tối đa lò sấy để kết hợp phơi sấy bánh.
Làng nghề bánh tráng Hòa Đa (Tuy An). |
Ông Nguyễn Hai, một chủ cơ sở tráng bánh cho biết, những năm trước, việc tráng bánh hoàn toàn bằng thủ công, phụ thuộc vào thời tiết nên sản lượng khá hạn chế. Tuy nhiên năm nay cùng với việc đầu tư máy tráng bánh, cơ sở của gia đình còn đầu tư máy sấy bánh công suất lớn, nên sản lượng bánh làm ra gấp 5 - 6 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, do sử dụng máy sấy nhiều nên giá bán bánh cũng tăng đáng kể. Hiện bánh tráng tráng tay giá 120.000 – 130.000 đồng/100 bánh. Đến thời điểm cận tết có thể tăng lên 170.000 – 180.000 đồng/100 bánh; bánh tráng máy có giá 90.000 – 120.000 đồng/100 bánh. Do thời tiết bất lợi, sản lượng bánh tráng tay khá hạn chế nên những khách hàng muốn ăn dòng bánh này phải đặt trước gần nửa tháng mới có.
Các cơ sở chế biến cá cơm, hải sản khô ở TX Sông Cầu, huyện Tuy An và TP Tuy Hòa cho ra lò nhiều loại hải sản chế biến như cá cơm cay chiên giòn, mực khô, các đét, cái mai tẩm, tôm chua… Do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá bán sản phẩm cũng tăng từ 20 – 40% so với ngày thường. Bà Nguyễn Thị Mười, chủ một cơ sở làm tôm chua tại xã An Cư (Tuy An), cho biết, do ảnh hưởng của giá thịt heo nên giá tôm đất cũng tăng mạnh. Nếu như những năm trước, tôm đất dịp cuối năm chỉ từ 130.000 – 140.000 đồng/kg thì năm nay đã lên gần 200.000 đồng/kg nhưng vẫn không có đủ nguyên liệu để làm. Do vậy, năm nay cơ sở chỉ nhận làm số lượng rất hạn chế; chủ yếu ưu tiên cho các đại lý và khách quen đặt trước. |