| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề nuôi rắn 400 tỷ tê liệt vì dịch Covid-19

Thứ Tư 25/03/2020 , 10:40 (GMT+7)

Khoảng 1 triệu con rắn của xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đang bị “đóng băng”, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.

Xã Vĩnh Sơn có hơn 700 hộ nuôi rắn sinh sản và rắn thương phẩm, chủ yếu là hổ trâu, hổ mang và số ít là hổ chúa. Ảnh: Minh Phúc.

Xã Vĩnh Sơn có hơn 700 hộ nuôi rắn sinh sản và rắn thương phẩm, chủ yếu là hổ trâu, hổ mang và số ít là hổ chúa. Ảnh: Minh Phúc.

Tê liệt!

Vĩnh Sơn được mệnh danh là thủ phủ nuôi rắn của Việt Nam với sản lượng hàng năm khoảng 250 tấn rắn thịt thương phẩm và khoảng 3 – 4 triệu quả trứng giống. Khoảng 90% sản phẩm của làng nghề rắn được xuất khẩu sang Trung Quốc, đem về doanh thu khoảng 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ tháng 2 trở lại đây, các trại nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn gần như đóng băng, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Do hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tạm dừng hoạt động xác nhận vận chuyển lâm sản là động vật hoang dã ra khỏi địa phương, cho đến khi có thông báo mới.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội làng nghề nuôi rắn xã Vĩnh Sơn, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làng nghề chúng tôi hầu như “đóng băng toàn bộ”, bà con lâm cảnh lao đao.

Rắn hổ mang được xếp vào danh mục động vật hoang dã, đang bị tạm dừng cấp giấy phép vận chuyển ra khỏi địa phương. Ảnh: Minh Phúc.

Rắn hổ mang được xếp vào danh mục động vật hoang dã, đang bị tạm dừng cấp giấy phép vận chuyển ra khỏi địa phương. Ảnh: Minh Phúc.

Nguyên nhân là do Trung Quốc đóng biên, cấm mọi hoạt động nhập khẩu sản phẩm động vật có nguồn gốc hoang dã. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng tiêu thụ rất ít thịt rắn do nhà hàng vắng khách.

Thời kỳ cao điểm, 1 kg rắn thương phẩm có giá 700.000 – 800.000 đồng. Nhưng theo ông Vũ Văn Hà (chủ cơ sở chuyên thu mua trứng rắn và rắn thương phẩm tại xã Vĩnh Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc), do đầu ra khó khăn nên giá rắn thương phẩm tụt xuống chỉ còn 450.000 đồng/kg.

“Mỗi năm gia đình tôi thu mua cho bà con khoảng 100 vạn quả trứng. Nhưng năm nay không thể xuất bán được sang thị trường Trung Quốc, giá trứng bao nhiêu tôi cũng không biết”, ông Hà cho biết.

Sốt sình sịch!

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, trên địa bàn xã có khoảng 700 – 800 hộ nuôi rắn. Năm 2019, bình quân thu nhập của nhân dân xã Vĩnh Sơn đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/người.

Nghề nuôi rắn đã giúp nhiều hộ dân khá giả, không ít người trong số đó là tỷ phú. Tuy nhiên, từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid–19 nên hoạt động chăn nuôi rắn của bà con gặp rất nhiều khó khăn do tắc đầu ra sản phẩm.

Do Trung Quốc không nhập nên trứng rắn giống của làng nghề không thể tiêu thụ được. Ảnh: Minh Phúc.

Do Trung Quốc không nhập nên trứng rắn giống của làng nghề không thể tiêu thụ được. Ảnh: Minh Phúc.

Theo ước tính của Hội làng nghề chăn nuôi rắn xã Vĩnh Sơn, chi phí tiền thức ăn cho rắn (như cổ gà, cổ vịt, gia cầm giống thải loại) lên tới 100 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn.

“Năm 2003, dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới, làng nghề chăn nuôi rắn đã lao đao mất 2 năm mới ổn định trở lại. Tuy nhiên, khi ấy Trung Quốc không đóng biên tuyệt đối như bây giờ. Nếu tình hình dịch bệnh Covid–19 còn diễn biến phức tạp kéo dài thì bà con sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ.

Để giảm bớt khó khăn trước mắt, chính quyền địa phương xã Vĩnh Sơn kêu gọi các doanh nghiệp và người dân địa phương không kỳ thị với thịt rắn. Bởi, đây không phải là sản phẩm săn bắt tự nhiên mà được nhân nuôi sinh sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định 06 của Chính phủ về quản lý chăn nuôi động vật hoang dã, hàng năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc đều tiến hành xác minh, kiểm tra diện tích chăn nuôi rắn, số ô và số lượng rắn của từng hộ.

Đây là thời kỳ đen tối đối với nghề chăn nuôi rắn tại xã Vĩnh Sơn. Ảnh: Minh Phúc.

Đây là thời kỳ đen tối đối với nghề chăn nuôi rắn tại xã Vĩnh Sơn. Ảnh: Minh Phúc.

Trên cơ sở đó đánh giá và cấp mã số cơ sở chăn nuôi. Đến năm 2019 đã cấp được 355 giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi rắn với tổng số gần 800.000 con, trong đó có hơn 200.000 rắn bố mẹ từ 1 đến 3 tuổi.

Để dự trữ nguồn thức ăn cho đàn rắn bố mẹ 4.000 con, gia đình anh Hạ Văn Trị (thôn 1, xã Vĩnh Sơn) đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thu gom thức ăn cho rắn (gà, vịt con) và tích trữ trong kho lạnh của gia đình. Bình quân mỗi năm, đàn rắn mẹ sinh sản được 2 vạn quả trứng.

Toàn bộ số hàng trên được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua thương lái, tổng doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm thu nhập của gia đình dao động từ 500 – 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, thời điểm này anh Trị như ngồi trên đống lửa, bởi mùa sinh sản của rắn từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vẫn đóng băng.

Những năm qua, nghề nuôi rắn mang lại lợi nhuận cao nên nhiều gia đình phất lên như diều. Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Sơn, năm 2020, toàn xã có hơn 100 hộ xây dựng nhà mới, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng 2/3 số hộ phải tạm dừng xây dựng.

 

Xem thêm
Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.