| Hotline: 0983.970.780

Nỗi đau và trách nhiệm với Làng Nủ

Chủ Nhật 15/09/2024 , 08:54 (GMT+7)

Giữa bộn bề của những mất mát đau thương bao trùm khắp không gian Làng Nủ, ông Hoàng Văn Diệp đã trở thành trụ cột của cả cộng đồng trong những ngày đen tối.

Nén nỗi đau để gánh vác trách nhiệm cộng đồng

Cơn lũ quét ập đến Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) bất ngờ và hung dữ, chỉ trong tích tắc cuốn theo mọi thứ trên đường đi. Đất đá, cây cối và cả nhà cửa bị cuốn trôi, để lại cảnh tượng tan hoang và nỗi đau mất mát cho người dân trong thôn.

Vụ sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ cuốn phăng 37 nhà dân.

Thảm họa tại Làng Nủ cuốn phăng 37 nhà dân.

Nén lại nỗi đau trước hiện thực thảm khốc này, ông Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ đôn đáo khắp nơi để hỗ trợ người dân thoát khỏi hiểm nguy. Ông báo tin kêu gọi lực lượng cứu hộ vào ứng cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu, đồng thời tham gia trực tiếp vào công tác tìm kiếm và cứu hộ.

Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp - một trong những nhân tố quan trọng trong việc phối hợp với lực lượng chức năng. Với nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, nhận diện danh tính các nạn nhân, tái vẽ sơ đồ Làng Nủ, và rà soát danh sách các gia đình bị ảnh hưởng, ông Diệp đã dồn hết tâm huyết vào công việc này. Ngay cả khi đau thương đè nặng lên gia đình mình, ông vẫn kiên trì làm việc.

Cơn đại hồng thuỷ đã cướp đi mạng sống của người cha và người em trai thứ hai của ông là anh H.V.G.. Còn với người em trai thứ ba - Hoàng Văn Voi đã mất vợ trong trận lũ quét. Chị H.T.L., vợ của ông Voi, được tìm thấy trong tình trạng bị cửa đè, vùi lấp toàn thân trong đống đổ nát. Mẹ ông Voi và con gái đã may mắn được cứu, nhưng hiện đang cấp cứu tại bệnh viện, trong khi anh Voi chưa thể thăm họ vì phải lo tìm kiếm con trai mất tích.

Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp - một trong những nhân tố quan trọng trong việc phối hợp với lực lượng chức năng.

Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp - một trong những nhân tố quan trọng trong việc phối hợp với lực lượng chức năng.

Ông Diệp tâm sự: “Giữa lúc đau đớn, tôi vẫn phải giữ vững tinh thần để hỗ trợ tìm kiếm. Không biết mai này ngôi làng yên bình vốn quen thuộc trong ký ức sẽ ra sao, nhưng nhiệm vụ với tôi lúc này là giúp đỡ càng nhiều càng tốt.”

Những lời tâm sự ấy không chỉ phản ánh sự kiên cường mà còn là hình ảnh của một người đàn ông với gánh nặng trách nhiệm và đau thương, cố gắng vượt qua nỗi đau cá nhân để phục vụ cộng đồng.

Mỗi khi có tin báo tìm kiếm được một nạn nhân mới, ông Diệp lập tức tất tưởi chạy đến hiện trường để nhận diện và xác minh danh tính. Mỗi lần nhận diện một nạn nhân, ông Diệp không chỉ làm việc với dữ liệu mà còn phải đối mặt với nỗi đau của từng gia đình.

Công việc không chỉ là hành chính mà còn là cuộc chiến với cảm xúc, đòi hỏi ông phải duy trì sự tỉnh táo và chính xác trong từng bước đi của công tác cứu hộ. Ông chấp nhận thực tế rằng, trong quá trình tìm kiếm, có thể gặp phải những người đã mất mà trong số đó đều là những người hàng ngày quen thuộc. Vậy nên, hậu sự cho những nạn nhân xấu số cũng được ông tham gia lo liệu một cách chu toàn nhất có thể, vừa là để họ được an nghỉ, cũng vừa để giúp thân nhân của họ vơi bớt nỗi đau.

Mỗi khi tìm được thi thể nạn nhân xấu số, ông Diệp bằng mọi cách liên hệ với thân nhân của họ để lo hậu sự một cách chu toàn nhất.

Mỗi khi tìm được thi thể nạn nhân xấu số, ông Diệp bằng mọi cách liên hệ với thân nhân của họ để lo hậu sự một cách chu toàn nhất.

Hình ảnh đôi chân ông tập tễnh sau nhiều ngày không ngừng làm việc, xé tan lớp bùn đất và đá sỏi trong khoảng 24ha bị ảnh hưởng là một minh chứng rõ nét cho sự vất vả và nỗ lực không ngừng của ông, của lực lượng hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Mỗi bước đi nặng nề, cộng với sự mệt mỏi và cơn đau thể xác cũng không thể làm vị Trưởng thôn này nản lòng.

Xác định các vị trí tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: IT.

Xác định các vị trí tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: IT.

Chia sẻ về vai trò quan trọng của ông Hoàng Văn Diệp trong những ngày sau cơn lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, ông Nông Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết, ông Diệp là một trưởng thôn gương mẫu với tinh thần nhiệt tình và trách nhiệm cao trong công việc, ông còn là cầu nối quan trọng giữa người dân và chính quyền. Ông Diệp thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tình hình tại thôn, chủ động tiếp thu và trình bày các ý kiến, nguyện vọng của bà con lên cấp trên, giúp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, trong đợt bão lũ vừa qua, khi thiên tai ập đến, ông Diệp đã không quản ngại khó khăn, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác tìm kiếm và cứu hộ tại thôn Làng Nủ. Ông luôn có mặt ở tuyến đầu, từ việc hướng dẫn, chỉ đạo người dân di dời đến nơi an toàn đến hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn những người bị mắc kẹt, trực tiếp tham gia vào công tác cứu hộ, xác minh danh tính các nạn nhân...

Chiều muộn ngày 14/9, thông tin từ ông Dương Đức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, tại cuộc họp về các biện pháp phòng chống bão lũ, khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã thống nhất trình Thủ tướng tặng bằng khen cho 2 trưởng thôn có thành tích trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khắc phục hậu quả bão lũ, gồm ông Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và ông Ma Seo Chứ, trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà.

Ánh trăng Làng Nủ và nỗi đau sau cơn lũ

Màn đêm đã buông xuống, khi ánh trăng vừa lên đỉnh núi, bao phủ Làng Nủ trong một màu bạc lạnh lẽo. Trời về đêm, khi mọi người đã mệt mỏi sau cả ngày tìm kiếm, chỉ còn lại tiếng côn trùng rả rích và tiếng thở dài của gió.

Lực lượng chức năng cũng tạm dừng công việc tìm kiếm, để lại những khoảng trống mênh mang cho sự tĩnh lặng và suy tư. Trong bóng đêm, không gian trở nên tĩnh mịch hơn, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng trong mỗi người. Đó là khi ta nhìn thấy dáng người trưởng thôn Hoàng Văn Diệp, kiên cường và mạnh mẽ là thế, giờ đây lại trầm mặc trước những mất mát của dân làng.

Không gian Làng Nủ trong một màu bạc lạnh lẽo, soi tỏ sự hoang tàn và đau thương.

Không gian Làng Nủ trong một màu bạc lạnh lẽo, soi tỏ sự hoang tàn và đau thương.

Đôi mắt ông Diệp nhìn xa xăm về phía chân núi Con Voi, nơi từng là những ngôi nhà ấm cúng, nơi tiếng cười đùa của trẻ nhỏ từng vang vọng mỗi ngày. Giờ đây, thay vào những hình ảnh quen thuộc ấy chỉ còn lại đống bùn lầy lội, những khối đất đá ngổn ngang, vùi lấp đi tất cả những gì đã từng là niềm vui và hạnh phúc của Làng Nủ.

Giọng ông Diệp nghẹn ngào khi chia sẻ: "Trăng hôm nay sáng quá, vài ngày nữa là Trung thu rồi, nếu như tai họa không ập đến, có lẽ như mọi năm, lúc này tôi cùng bà con trong thôn đang chuẩn bị Tết Trung thu cho các cháu nhỏ rồi. Những đứa nhỏ ngày nào lễ phép chào hỏi, một phần trong số chúng giờ đã mãi mãi không còn được chứng kiến thêm một mùa Trung thu nào nữa".

Chú gấu bông nhỏ nằm yên lặng bên bờ suối, như một chứng nhân câm lặng của thảm kịch vừa xảy ra. Nó nằm ở đó, bị bùn đất nhuộm màu, nhưng vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu. Đôi mắt đen nhỏ của nó như nhìn chằm chằm vào không gian, như thể đang chờ đợi một phép màu nào đó xảy ra.

Chú gấu bông nhỏ nằm yên lặng bên bờ suối, như một chứng nhân câm lặng của thảm kịch vừa xảy ra. Nó nằm ở đó, bị bùn đất nhuộm màu, nhưng vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu. Đôi mắt đen nhỏ của nó như nhìn chằm chằm vào không gian, như thể đang chờ đợi một phép màu nào đó xảy ra.

Lời ông Diệp cất lên không khỏi khiến người nghe cay cay nơi khóe mắt. Ánh trăng chiếu sáng lên khuôn mặt ông, hằn rõ những nếp nhăn của năm tháng và nỗi đau đang chất chứa trong lòng. Trước kia, những đêm trăng sáng thế này, Làng Nủ rộn ràng với tiếng cười nói, tiếng trẻ con vui đùa. Nhưng giờ đây, một số trong số chúng đã không còn nữa. Số phận nghiệt ngã đã lấy đi cơ hội được vui đón Trung thu của chúng, đẩy chúng vào sự lạnh lẽo của bùn đất ngoài kia.

Không còn tiếng cười đùa, không còn ánh mắt rạng rỡ của những đứa trẻ, chỉ còn lại những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, hòa vào dòng nước đục ngầu sau cơn lũ. Ánh trăng vẫn chiếu sáng, nhưng ánh sáng ấy giờ đây chỉ soi tỏ sự hoang tàn và đau thương.

Khung cảnh làng quê yên bình dưới chân núi Con Voi trước thảm họa. Ảnh: Cắt từ clip NDCC.

Khung cảnh làng quê yên bình dưới chân núi Con Voi trước thảm họa. Ảnh: Cắt từ clip NDCC.

Ông Diệp lặng lẽ bước đi, đôi chân tập tễnh sau nhiều ngày không ngừng nghỉ. Ông đi xa dần, nhưng hình ảnh ấy sẽ mãi in sâu trong lòng những người chứng kiến - hình ảnh của một người trưởng thôn kiên cường, gánh trên vai cả nỗi đau và trách nhiệm với người dân Làng Nủ. Ông biết rằng, phía trước còn rất nhiều việc phải làm, nhiều nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy, nhiều gia đình đang cần sự giúp đỡ, còn nhiều nỗi đau cần được xoa dịu. Ông biết mình không thể gục ngã, không thể để nỗi đau này đánh bại.

Nhìn theo bóng dáng ông Diệp, người ta thấy rõ sự mệt mỏi và nỗi đau hằn lên từng bước chân. Nhưng đồng thời, người ta cũng thấy trong đó sự quyết tâm và trách nhiệm to lớn. Ông sẽ tiếp tục đứng lên, tiếp tục sát cánh cùng bà con vượt qua những ngày khó khăn phía trước. Bởi ông biết rằng, chỉ có sự đoàn kết, sự kiên cường mới giúp họ vượt qua được thảm họa này.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.