Anh Ngô Văn An, Giám đốc Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung có trụ sở tại xã biển Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho hay, bà con vùng biển khai thác mực quanh năm. Tuy sản lượng tăng, giảm tuỳ thời điểm, nhưng vẫn đủ đầu vào cho hợp tác xã chế biến. “Vào dịp Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ càng lớn hơn với sản phẩm mực một nắng”.
Lên “ngôi vương” vì… tình cờ
Cách đây chừng chục năm, đến Quảng Bình, du khách mới chỉ biết đến hải sản tươi sống ngon như mực tươi (gồm cả mực ống và mực lá), tôm, cua biển, ghẹ, ngao… và quà mang về nhà là mực khô thước (loại mực dài độ hai gang tay người lớn). Khi đó, đặc sản mực một nắng chưa có.
Theo nhiều ngư dân thì không thể xác định ai là “tác giả” của món đặc sản mực một nắng này. Chỉ biết rằng ngày trước, bà con ngư dân vùng biển Bảo Ninh dong thuyền ra khơi câu mực. Thông thường chuyến đi câu chỉ tối đi, rạng sáng về, nhưng có lần được mùa mực nên ráng câu thêm chứ chưa về. Không có đá ướp lạnh nên bà con xẻ mực và phơi trên mui thuyền để mực khỏi bị ươn hỏng. Hôm sau về bến, mực tươi thì bán chợ, mực phơi hôm trước thì tiếp tục phơi để làm thành mực khô.
Đang phơi thì anh bạn hàng xóm đến chơi, anh ngư dân lấy con mực mới phơi được một ngày nắng trên biển xuống và đưa đi nướng làm mồi uống rượu. Ai ngờ, khi hai người cầm miếng mực đã được nướng qua than hồng lên thì cảm nhận được vị ngọt tươi, béo khó lẫn. Thế rồi, “miếng ngon nhớ lâu”, cứ sau mỗi chuyến biển, mấy anh chàng khoái nhậu lại để dành mấy con mực bảo vợ làm sạch rồi móc lên dây phơi trọn một ngày nắng để hôm sau thiết đãi bạn bè món… mực phơi một nắng thay cho món mực khô.
Tôi có anh bạn chủ quán nhậu đặc sản ở biển Nhật Lệ tên là Cần. Anh Cần mở quán rồi phát triển thành nhà hàng đã mấy chục năm nay. Khi tôi hỏi thực hư chuyện món đặc sản mực một nắng từ đâu mà có thì anh cũng lắc đầu: "Chịu thôi"!
Nhưng theo anh Cần, mực một nắng đã trở thành món “khai vị” hoặc món chính của các cuộc nhậu hay đơn giản là để thưởng thức hương vị đặc trưng khó tìm. Anh Cần nói: “Khách vào đặt món ăn bao giờ cũng hỏi có mực một nắng không? Và gọi làm món khai vị trước khi đưa các món hải sản biển ra bàn. Hoặc cũng dễ bắt gặp hình ảnh du khách ngồi trên bãi biển với chai bia và đĩa mực một nắng nướng, kể cả khách nước ngoài".
Mực một nắng cháy hàng dịp Tết…
Anh Ngô Văn An là chàng trai xứ biển Ngư Thủy, nơi vùng quê nổi tiếng có Đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. Như nhiều bạn bè, đến tuổi trưởng thành anh vào các tỉnh phía Nam để mưu sinh. Mấy năm ròng rã làm thuê cũng chỉ có tay trắng. Anh trở về quê nhà, lập gia đình bà bắt đầu khởi nghiệp trên vùng đất cát trắng đằm trong tiếng sóng biển muôn đời vỗ vào bờ.
Ngư Thủy là vùng biển bãi ngang nên bà con mưu sinh vất vả với những nghề khai thác ven bờ. Nghề câu mực vẫn khá phổ biến và bà con khai thác quanh năm.
Anh Ngô Văn An và vợ là chị Nguyễn Thị Nhung chọn khởi nghiệp chế biến thủy hải sản. Bởi anh chị thấy lượng đánh bắt hải sản của ngư dân Ngư Thủy rất nhiều, chất lượng hản sản ngon, thế nhưng vẫn bị tư thương ép giá. Để giải quyết đầu ra cho ngư dân thì phải nâng tầm cho sản phẩm hải sản của quê hương.
Nói đi đôi với làm, anh chị quyết định đầu tư máy móc, trang thiết bị để chế biến chuyên sâu các mặt hàng thủy sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Năm 2022, vợ chồng anh thành lập Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung với 10 thành viên, chủ yếu là người dân địa phương cùng chung sức, chung vốn để thu mua và chế biến sản phẩm. Ưu điểm của các sản phẩm hải sản ở đây là chế biến ngay sau khi tàu đánh bắt về nên còn rất tươi.
Hợp tác xã đầu tư hệ thống kho đông lạnh, tủ đông lạnh, máy đóng bao bì hút chân không… để bảo quản sản phẩm tốt hơn. Chỉ qua hơn 3 năm hoạt động, hợp tác xã có trên 10 sản phẩm hải sản phục vụ người tiêu dùng, trong đó, sản phẩm chủ đạo là mực một nắng và chả mực.
Mấy hôm nay trời gió lớn nên tàu thuyền câu mực không được nhiều. Từ bến cá lên, chị Nhung và một lao động bắt tay vào chế biến mực một nắng. Theo chị Nhung, mực để chế biến là mực ống tươi có trọng lượng khoảng 2-3 con mỗi kg. “Mực tươi được rửa sạch, bỏ hết ruột và đưa ra phơi nắng một ngày. Những khi không có nắng thì mực nguyên liệu được đưa vào kho lạnh”, chị Nhung cho hay.
Sau khi phơi, mực được đóng gói, hút chân không và bảo quản lạnh để đưa ra thị trường bán với giá từ 800 đến 1 triệu đồng mỗi kg. Theo anh An, sản phẩm đặc sản của vùng biển Quảng Bình được nhiều khách hàng ưa chuộng và có sức tiêu thụ lớn. Đây là điều kiện để mở rộng sản xuất.
Hàng năm, Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung liên kết và hỗ trợ vốn đi biển, thu mua sản phẩm cho hơn 30 tàu của ngư dân trong vùng. Ông Ngô Văn Tùng, một ngư dân xã Ngư Thủy cho hay, gia đình có thuyền làm nghề câu mực từ lâu đời. “Thuyền câu mực mỗi đêm tôi câu được 25 đến 30kg, hợp tác xã thu mua ngay tại bến với giá cao nên rất an tâm. Những khi ra biển, ngư dân đều được hợp tác xã cho ứng tiền để mua dầu đèn và những vật dụng khác. Từ đó, bà con ngư dân chúng tôi luôn gắn bó với hợp tác xã”, ông Tùng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cũng đã ghi nhận liên kết giữa hợp tác xã với ngư dân. Nhờ sự liên kết này đã khuyến khích ngư dân vùng bãi ngang tích cực bám biển để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. “Chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu mực một nắng ngày càng vươn xa hơn”, ông Thăng chia sẻ.
Vừa kiểm tra lại bao bì, nhãn mác sản phẩm mực một nắng trước khi xuất cho khách hàng, anh Ngô Văn An cho hay, hằng năm, hợp tác xã thu mua và chế biến thành sản phẩm mực một nắng và cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn hàng. “Riêng dịp Tết Nguyên đán 2025, chúng tôi cung ứng ra thị trường trên 3 tấn sản phẩm. Dù đã có sự chuẩn bị, nhưng dịp Tết này, sản phẩm mực một nắng luôn cháy hàng”, anh An chia sẻ thêm.
Năm 2023, sản phẩn mực một nắng của Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung đã được UBND huyện Lệ Thủy công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Năm 2024, sản phẩm chả mực được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.