Chủ đường dây này là bà Quách Thị Phượng ở cùng thôn, gom được hơn 10 tỷ đồng đã đột nhiên biến mất…
Lừa cả già lẫn trẻ
Đa phần chủ nợ của bà Phượng đều là nông dân chân chất, thu nhập chính của họ trông cậy vào mấy sào ruộng và buôn bán nhỏ. Để gom góp được đồng vốn làm ăn, họ vẫn thường chơi “phường” với nhau. Từ đó hình thành nên những “chủ phường” và bà Phượng là người có thâm niên điều hành hàng chục dây phường đóng theo tháng (1 tháng/lần) và theo mùa (6 tháng/lần).
Các chủ nợ của bà Phượng lâm cảnh lao đao |
Giữ được uy tín nhiều năm, gốc lãi trả rất sòng phẳng nên hầu hết tiền phường của bà con trong thôn đều chảy về túi bà Phượng. Tuy nhiên, gần đây, một số người đến hạn lấy tiền thì bà Phượng không thanh toán. Thấy dấu hiệu bất thường, nhiều người đến đòi thì bà Phượng bảo sẽ bán ruộng trả nợ. Trước sức ép của bà con, biết mình không còn khả năng thanh toán, bà Phượng đã lặng lẽ bỏ trốn, để lại cả chục tỷ đồng nợ.
Trong số các nạn nhân của bà Phượng có cụ Hoàng Thị Mượn, năm nay gần 90 tuổi. Cầm trên tay cuốn sổ ghi chi chiết từng khoản nợ và chữ ký của bà Phượng, cụ Mượn kể: "Lúc ông nhà tôi sắp mất có để lại cho tôi một món tiền nhỏ để dưỡng già. Tiền phúng viếng, con cháu cũng đưa hết cho tôi giữ. Tích cóp được 120 triệu gồm cả tiền bán rau hàng ngày, tôi đưa hết cho cô Phượng đóng “phường”. Thấy tôi còn khoản tiền con cháu mừng tuổi là 80 triệu đồng cô ấy cũng gạ gẫm vay nốt. Giờ cô Phượng bỏ trốn, tôi làm sao lấy lại được tiền!".
Nhiều người già như cụ Mượn, cụ Hỏn cũng bị bà Phượng lừa |
Mẹ chồng bà Phượng là cụ Đào Thị Hỏn, 73 tuổi cũng trở thành nạn nhân của cô con dâu. Khi nghe làng xóm xôn xao về vụ vỡ nợ, bà Hỏn đi dò hỏi tin tức thì rất bất ngờ vì bị con dâu lừa mấy chục triệu. Gặp chúng tôi, cụ Hỏn vẫn còn sốc và khóc như đứa trẻ. Từ khi bà Phượng bỏ đi, bữa cơm hàng ngày của vợ chồng cụ càng đạm bạc, dè sẻn hơn vì không còn đồng vốn nào nữa. Vợ chồng cụ còn phải nhịn nhục vì những lời mạt sát, chửi rủa của hàng xóm.
Anh Trương Văn Vinh ở xóm 5, thôn Châu Mai làm nghề giao trứng gà thuê và xe ôm. Gia đình anh gồm 3 thế hệ nhưng vẫn sống trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ. Bởi vậy, vợ chồng anh gom góp, cóp nhặt từng đồng để mong đủ tiền cất lại căn nhà phụng dưỡng cha mẹ già. Đóng cho bà Phượng 21 tháng với 490 triệu đồng, anh Vinh định qua năm lấy về xây nhà. Đùng một cái, bà Phượng bỏ trốn, số tiền gốc không biết bao giờ mới đòi lại được. |
Nạn nhân của bà Phượng ở thôn Châu Mai còn dài dằng dặc như bà Nguyễn Thị Sỹ gom tiền của 3 người con được 660 triệu đồng rồi chuyển tất cho bà Phượng. Đến nay cũng không có khả năng thu hồi. Khả năng mất trắng số tiền, bà Sỹ lo lắng không dám báo cho các con nên mất ăn mất ngủ, người gầy rộc.
Vào viện tâm thần để trốn nợ?
Không rõ tung tích của vợ mình, ông Đào Xuân Dư (chồng bà Phượng), từ ngày vợ vỡ nợ cứ nằm co ro trong nhà, không dám ra đường. Ông Dư cho biết, vợ ông làm nghề bán hàng khô ngoài chợ, mọi giao dịch, đóng phường, hụi đều ở chợ nên ông cũng không rõ. Ông bị đủ thứ bệnh, mới đi viện mổ tụy về nhà nên khi sự việc vỡ lở, ông cũng bị sốc. Giờ bà Phượng tắt điện thoại, đi đâu ông cũng không hay. Biết xấu hổ với hàng xóm nhưng ông cũng đành cam chịu.
Theo ông Đào Quang Tư, trưởng thôn Châu Mai, việc bà Phượng làm chủ hụi cầm các dây “phường” đã diễn ra nhiều năm nay. Mục đích việc đóng “phường” là bà con muốn góp khoản tiền nhỏ thành khoản tiền lớn để có vốn làm ăn, dựng vợ gả chồng cho con, xây cất nhà cửa. Ý định của bà con thì tốt nhưng bị bà Phượng lợi dụng, ôm hàng chục tỷ của mọi người. Ở thôn thì trong sinh hoạt hàng ngày, bà Phượng cũng chừng mực, không thấy tiêu xài hoang phí.
“Khi đường dây của bà Phượng vỡ, mọi người khắp thôn, xã đều bất ngờ. Họ nhà tôi cũng có nhiều người góp tiền cho bà ấy. Ở đây cũng từng xảy ra những vụ vỡ nợ của các “phường” khác như cô Nguyễn Thị Sòn, Lê Thị Tuyết. Việc người dân vẫn không làm chủ được đồng tiền của mình, góp hết cho các chủ phường, khi vỡ thì quá muộn”, ông Tư nói.
Căn nhà của bà Phượng luôn đóng cửa sau khi bà bỏ trốn |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Công an xã Liên Châu xác nhận: Sự việc bà Phượng vỡ nợ là đúng. Xã đã báo lên huyện và CA huyện đã cử cán bộ điều tra. Hiện nay, các nạn nhân đang được mời lên làm việc, cung cấp chứng cứ, số tiền đóng cho bà Phượng. Có khoảng 80 người đã góp tiền cho bà Phượng với hàng chục tỷ đồng. Địa phương đang theo dõi sát tình hình để ổn định an ninh trật tự địa phương, được biết bà Phượng đang điều trị tại 1 bệnh viện tâm thần.