| Hotline: 0983.970.780

Làng tỷ phú xoài

Thứ Sáu 29/04/2016 , 07:15 (GMT+7)

Nhà nào cũng có xe 2 bánh “xịn”, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Nhiều nông dân giàu lên, đã tạo điều kiện cho con em đi du học ở nước ngoài mong sau này có thể về nghiên cứu công nghệ, giúp gia tăng giá trị từ trái xoài.

Vốn chuyên canh lúa quanh năm cho thu nhập thấp, nông dân 3 xã cù lao Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ (Chợ Mới, An Giang) đã đột phá chuyển sang trồng xoài 3 màu, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú.

Ông Nguyễn Hoàng Dư ở ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân là người tiên phong đưa cây xoài 3 màu về trồng vùng đất cồn cho biết, cách đây 7 năm ông lặn lội xuống tận vùng Cái Mơn (Bến Tre) để đi tìm các giống cây mà khi sản xuất ra, thị trường rất ưa chuộng, trong đó có xoài 3 màu (còn gọi xoài Đài Loan).

Sau chuyến đi đó, ông Dư đã mang giống xoài 3 màu về trồng trong vườn nhà mình. Lúc ấy, ông trồng bằng phương pháp ghép bo. 10 cây xoài cát Chu cho hiệu quả kinh tế kém, ông đã tỉa nhánh để ghép bo xoài 3 màu.

Sau 2 năm ghép, xoài bắt đầu cho trái, mỗi trái nặng bình quân 1 kg. Cá biệt có trái nặng gần 2 kg. Lúc này, tập quán mua bán xoài không còn đếm chục (như trước) mà đã chuyển sang cân ký để tính tiền. Vì vậy, khi xoài có giá, số tiền ông thu về khá lớn.

“Ban đầu xoài 3 màu trồng ra, bán ở quê không ai mua vì người ta chưa biết ăn. Đây là loại trái cây ăn sống hoặc khi xoài gần chín, ăn rất ngon. Từ khi xuất khẩu sang Trung Quốc thì rất được giá, tiền rất nhiều. Mà mình trồng ít quá thì xuất sao được” ông Dư cho biết thêm.

Nhìn thấy thị trường tiêu thụ cho xoài 3 màu ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực châu Á, ông Dư đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác. Từ trồng lúa, trồng rẫy để bán ở thị trường nội địa, ông chuyển sang trồng xoài 3 màu để xuất khẩu. Chính quyết định này đã đưa gia đình ông và nhiều hộ khác ở đây trở thành tỷ phú.

nh-2-thuong-li-thu-mu-xoi-3-mu120545644
Xoài 3 màu được thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao

Hiện nay, nhiều thương lái chuyên mua bán trái cây ở thị trường châu Á đổ về đây thành lập vựa, tổ chức thu mua xoài của bà con để đóng vào container xuất khẩu. Bình quân mỗi ngày, có đến 100 tấn xoài được đưa sang Trung Quốc. Sự năng động của người nông dân trở thành tỷ phú xoài ở trong xã như hộ ông Dư, Ba Nê, Bảy Ngói, Ba Rong… đã làm thay đổi diện mạo của một vùng quê.

3 năm trở lại đây, ở Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, phong trào bê tông hóa nhà ở ngày càng phát triển mạnh. Có người xây biệt thự theo phong cách của Pháp, có người lại chọn hình thức làm nhà theo tập quán của ông bà, dựng nhà bằng gỗ quý. Nhà nào cũng có xe 2 bánh “xịn”, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Nhiều nông dân giàu lên, đã tạo điều kiện cho con em đi du học ở nước ngoài mong sau này có thể về nghiên cứu công nghệ, giúp gia tăng giá trị từ trái xoài.

Xoài ba màu là loại cây dễ trồng, ngắn ngày, chỉ sau 18 tháng trồng là cho trái, thu hoạch 2 - 3 đợt/năm, cây càng lâu năm năng suất càng cao. Nông dân chỉ đầu tư năm đầu tiên và thu hoạch trọn vẹn trong những năm sau. Hiện xoài đang có thị trường tiêu thụ rất tốt sang Trung Quốc và các tỉnh, thành trong nước.

Theo nông dân Nguyễn Hữu Tặng ở ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân, với 3,5 công đất trồng lúa kém hiệu quả, từ năm 2012 theo bà con xung quanh ông đã chuyển trồng 800 gốc xoài 3 màu, thu hoạch bình quân khoảng 4 tấn/đợt. Hiện giá xoài 22.000 đồng/kg, ông thu lãi trên 50 triệu đồng, cao gấp 5 lần trồng lúa.

Còn ông Trần Văn Na, xã Mỹ Hiệp năm rồi thu hoạch 1ha xoài 3 màu nhờ bán được giá cao đã thu gần 1 tỷ đồng. Ông hồ hởi nói: “Dân ở đây giàu lên nhờ cây xoài. Trồng, mua bán, xuất khẩu xoài đã trở thành đề tài thời sự trong ngày. Ăn, uống trà mỗi sáng, đi đám giỗ, đám cưới cũng bàn chuyện xoài. Xoài là cây dễ trồng nhưng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Chỉ cần xoài có giá trong 3 năm nữa, vùng này sẽ không còn hộ nghèo”.

nh-3-nong-dn-trong-loi-moi-nm-thu-gn-1-ty-dong-tren-nm120545999
Bình quân 1ha xoài 3 màu nông dân thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm

Những năm gần đây thương lái khắp nơi về đây mua xoài. Hiện giá thu mua từ 20.000 -30.000 đồng/kg, có lúc hút hàng giá tăng lên 45.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn vừa trúng mùa lẫn trúng giá như trường hợp của ông Dũng ở ấp Bình Quới; ông Phùng Ngọc An ở ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân. Riêng trường hợp của ông Năm An, 1 công xoài lá, thương lái mua đến 100 triệu đồng, khai thác 1 vụ rồi trả lại cho chủ vườn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, thương lái thu mua xoài ở xã Tấn Mỹ cho biết thêm: “Sản xuất 1 công xoài bây giờ cho hiệu quả kinh tế gấp 20 công ruộng mà chăm sóc khỏe hơn nhiều. Xoài có giá nên đất đai vùng này giá cũng tăng theo. Một công đất cồn bây giờ cầm tiền mua 90 triệu là rất khó mua”.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân cho biết, mô hình chuyển đổi sang trồng xoài của xã bắt đầu từ năm 2006, nhưng chỉ được vài ha. Đến nay nông dân đã chuyển 100% diện tích lúa, tương đương 1.200ha sang trồng xoài chuyên canh hoặc rẫy xen xoài. Cây xoài 3 màu đang có thị trường tốt, giá bán ổn định, thương lái đến tận nơi thu mua, nên không chỉ giúp xóa nghèo mà còn làm giàu cho người trồng.

“Chuỗi giá trị của cây xoài phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương. Từ ươm, mua bán cây giống đến chăm sóc, thu hoạch xoài… đều cần số lượng lớn lao động tham gia. Chỉ tính riêng hoạt động 12 vựa xoài trên địa bàn 3 xã, số lao động tham gia gần 200 người. Lúc cao điểm, mỗi ngày có trên 100 tấn xoài xuất bán. Để có 100 tấn xoài, cần ít nhất 100 người thu hoạch, người bẻ giỏi nhất, 1 ngày cũng chỉ 1 tấn", ông Hoàng nói thêm.

Ông Bùi Văn Khai, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân có trên 3.200 ha trồng xoài 3 màu. Đây chính là vùng nguyên liệu dồi dào để phục vụ công tác chế biến sản phẩm giá trị gia tăng hay tạo chân hàng để đáp ứng cho XK. Thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp cho cây xoài 3 màu. Xoài chỉ sau 1 năm ghép bo là cho trái chiến. Đến năm thứ tư, bình quân mỗi công xoài cho từ 2 - 2,5 tấn trái/năm, giá trị kinh tế rất cao.

Qua hơn 5 năm phát triển trồng xoài 3 màu trên vùng đất cù lao, nông dân đã hiểu rất rõ đặc tính sinh học của cây xoài, vì vậy họ có thể cho xoài ra hoa trái vụ để bán được giá cao một cách dễ dàng. Thổ nhưỡng phù hợp cộng với điều kiện khí hậu, thời tiết tốt, xoài cho trái rất nhiều.

Thêm vào đó là trình độ canh tác của nông dân, tay nghề của người lao động tại địa phương đã được nâng lên đáng kể… Có thể nói vùng trồng xoài này góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.