| Hotline: 0983.970.780

Nam Định tổ chức bất thành cuộc đối thoại liên quan việc thu hồi đầm bãi

Thứ Bảy 24/06/2023 , 10:07 (GMT+7)

Cuộc đối thoại với 5 hộ đại diện 400 hộ dân bị thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản tại Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) của tỉnh Nam Định chiều 23/6 bất thành.

Nguyên nhân, theo các hộ dân, thành phần tham dự cuộc đối thoại với người dân bị thu hồi đầm bãi chưa được đầy đủ như trong Đơn kiến nghị gửi Ban tiếp công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ).

Bà con kiến nghị cuộc đối thoại với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, lãnh đạo các Sở, ban ngành chức năng của tỉnh để giải đáp 22 nội dung, giải đáp kiến nghị cần có mặt đại diện của 3 cơ quan Trung ương, gồm: Thanh tra Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, thời gian tổ chức cuộc đối thoại vào buổi chiều ngày 23/6, theo người dân, là không đủ để giải đáp các vấn đề.

Buổi đối thoại của Nam Định với 5 người dân đại diện các hộ bị thu hồi đầm bãi tại Nghĩa Hưng chiều ngày 23/6 bất thành do người dân không tới vì cho rằng chưa đủ thành phần như đề nghị. Ảnh: Huy Bình.

Buổi đối thoại của Nam Định với 5 người dân đại diện các hộ bị thu hồi đầm bãi tại Nghĩa Hưng chiều ngày 23/6 bất thành do người dân không tới vì cho rằng chưa đủ thành phần như đề nghị. Ảnh: Huy Bình.

Trước khi buổi đối thoại diễn ra, chiều 22/6, đại diện các hộ dân (thuộc thành phần nhận được giấy mời) đã đến trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh Nam Định kiến nghị các mong muốn này. Đồng thời đề xuất ủy quyền cho một luật sư được cùng bà con tham dự buổi đối thoại.

Ông Lê Văn Tuẩn (xóm 4, xã Nam Điền) - một trong 5 đại diện của 400 hộ dân là thành phần được mời tới cuộc đối thoại xác nhận các nội dung trên với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

“Chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Học - Phó Ban tiếp công dân tỉnh. Bà con thông báo không tới buổi đối thoại chiều 23/6 vì không đủ thành phần. Chúng tôi kiến nghị buổi đối thoại tới đây được tỉnh Nam Định tổ chức từ đầu giờ sáng để có nhiều thời gian giải đáp các nội dung mong muốn. Ngoài ra thành phần tham dự có thêm đại diện của các cơ quan Trung ương (Thanh tra Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT) tham gia”, ông Tuẩn nói.

4/5 người dân đại diện cho các hộ nuôi trồng thủy sản có đầm bãi bị thu hồi. Ảnh: Huy Bình. 

4/5 người dân đại diện cho các hộ nuôi trồng thủy sản có đầm bãi bị thu hồi. Ảnh: Huy Bình. 

Nhiều câu hỏi quan trọng người dân mong được giải đáp

Tuy nhiên, người dân kiến nghị 22 nội dung, trong đó có các vấn đề nổi bật: Theo QĐ 1312 ngày 25/7/2022, diện tích thu hồi thực hiện dự án tại Khu vực Cồn Xanh là hơn 28ha nhưng tổng diện tích tại khu vực này theo thống kê từ các hộ dân nộp tiền thuê đất là hơn 100ha;

Báo cáo số 472 ngày 28/2/2023 của Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, diện tích khu vực đất Cồn Xanh là hơn 765ha nhưng 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện triển khai sử dụng gần 360ha. Việc thu hồi thừa gần 400ha đất đầm bãi nhằm mục đích gì, trong khi các hộ dân vẫn có nhu cầu thuê để nuôi trồng thủy sản.

Tại thời điểm Nam Định thu hồi đầm bãi (1/8/2022), các hộ dân vẫn còn thời hạn hợp đồng thuê đất và đã đóng tiền thuê đất hết năm 2022…

Bà con cũng băn khoăn về việc, sau nhiều năm mới xây dựng được thương hiệu Cá Bống Bớp và Ngao vạng Nghĩa Hưng; sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Việc thu hồi toàn bộ đầm bãi sẽ xóa sổ hai thương hiệu thủy sản mà người dân dày công mới có được và đồng nghĩa với việc mất đi hai thương hiệu có sức cạnh tranh của ngành thủy sản Nam Định…

Chủ tịch tỉnh chủ trì buổi đối thoại

Chiều ngày 23/6, tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện Nghĩa Hưng (thị trấn Liễu Đề), buổi đối thoại với 5 đại diện của các hộ dân bị thu hồi đầm bãi tại Cồn Xanh đã được tỉnh Nam Định tổ chức như kế hoạch.

14h30 chiều ngày 23/6, các lãnh đạo chủ trì và tham dự buổi đối thoại rời khỏi hội trường Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Huy Bình.

14h30 chiều ngày 23/6, các lãnh đạo chủ trì và tham dự buổi đối thoại rời khỏi hội trường Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Huy Bình.

Theo quan sát của Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, thành phần tham dự gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định - ông Phạm Đình Nghị (chủ trì); Phó chủ tịch thường trực Trần Anh Dũng, lãnh đạo các Sở TN-MT, Sở NN-PTNT…; lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hưng và đại diện các ngành liên quan…

Ngay từ sớm, Nam Định đã cử lực lượng tới khu vực Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng – nơi diễn ra buổi đối thoại – để phân làn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự… bảo vệ cuộc đối thoại.

Theo lịch, 13h30 buổi đối thoại sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, 5 hộ dân đại diện có tên trong giấy mời không tới tham dự như họ đã thông báo.

Cho tới 14h30, Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị và các lãnh đạo Sở, ngành đã rời khỏi hội trường Nhà văn hóa. Buổi đối thoại với đại diện các hộ dân huyện Nghĩa Hưng của Nam Định bất thành.

Cá bống bớp - thương hiệu thủy sản của Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: Huy Bình.

Cá bống bớp - thương hiệu thủy sản của Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: Huy Bình.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hội trường Nhà văn hóa, Phó chủ tịch thường trực Trần Anh Dũng cho biết: “Sẽ ghi biên bản về sự việc” và cho biết bản thân ông “rất buồn” vì bà con không tới tham dự buổi đối thoại.

Ông cho biết, “việc bà con lên Ban tiếp công dân tỉnh, anh em có báo cáo Chủ tịch. Tuy nhiên, việc tổ chức cuộc đối thoại vẫn tiến hành theo đúng kế hoạch và theo quy định”.

Ngày 14/4, UBND tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) bị thu hồi đầm bãi để Tập đoàn Xuân Thiện triển khai các dự án xây dựng nhà máy Thép Xanh Nghĩa Hưng.

Khi đó, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại lần 1, Nam Định mới giải đáp một số các nội dung: Nguồn gốc và quá trình sử dụng đất; việc thay đổi quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thời hạn của các hợp đồng cho hộ dân thuê đất canh tác; việc thực hiện công bố thông tin khảo sát xã hội, phê duyệt đề xuất đầu tư các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện; việc thực hiện quy trình lấy ý kiến người dân trước khi ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường; vấn đề bảo vệ môi trường khi đầu tư các dự án; người dân chưa đồng thuận với phương án thu hồi đất; đề nghị quan tâm đến sinh kế của nhân dân, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân sau thu hồi đất; đề nghị có phương án thích hợp để giao, cho thuê đất mặt nước khu vực biển...

Trong khi đó, người dân kiến nghị 22 câu hỏi và trực tiếp có Đơn kiến nghị gửi Bí thư tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.