Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trao đổi về hiện tượng lợn chết nhiều bất thường tại địa phương. Ảnh: Ngô Văn Huân. |
Thưa ông, vì sao Bắc Giang lại xảy ra hiện tượng lợn chết với số lượng nhiều bất thường trong những ngày qua?
Đúng là có hiện tượng lợn chết bất thường với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong những ngày vừa qua.
Đây là điều đáng tiếc, vì trước đó, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị để phòng, chống dịch bệnh từ rất sớm. Đặc biệt là thành lập đoàn, tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương và kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, thời gian triển khai xong trước ngày 10/3/2019.
Cùng đó, tỉnh cũng kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ, các điểm thu mua, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn đảm bảo rõ nguồn gốc, không giết mổ, tiêu thụ lợn bị bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng đến công tác vệ sinh khử trùng.
Bắc Giang là tỉnh đi tiên phong trong việc triển khai thực hiện 5 không (không giấu dịch; không giết mổ, bán lợn ốm, chết; không buôn bán, sử dụng lợn, sản phẩm thịt lợn mắc bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không vứt xác lợn ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý chế biến làm thức ăn cho lợn).
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại một chốt kiểm dịch động vật tại Bắc Giang. Ảnh: Ngô Văn Huân. |
Chính vì thế, Bắc Giang là một trong những địa phương phát hiện dịch tả lợn Châu Phi muộn nhất tại các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi phát hiện bệnh muộn không phải vì cố tình giấu dịch, mà do làm tốt công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 trở lại đây, do thời tiết bất thuận, trời nồm, thỉnh thoảng có đợt mưa, mặc dù các địa phương rắc vôi, phun hoá chất khử trùng với khối lượng lớn tại các cửa ngõ giao thông, lối dẫn vào các khu chăn nuôi tập trung... Nhưng, chỉ một ngày thôi là hoá chất lại bị nước mưa rửa trôi, các giải pháp phòng, chống dịch chưa phát huy hiệu quả.
Cần lưu ý là dịch tả lợn Châu Phi chưa có thuốc chữa, chưa có vắc xin phòng bệnh. Bởi vậy, dịch bệnh theo nguồn nước lây lan nhanh. Từ ngày 24/4 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số xã có số lượng lợn chết vì dịch tả lợn Châu Phi khá nhiều. Số lợn chết tăng lên hàng ngày với số lượng lớn, vì khi một con trong đàn lợn đã dính bệnh thì thiệt hại 100%.
Ghi nhận thực tế của Báo NNVN cho thấy, trong vài ngày trở lại đây, khi dịch bệnh “bùng nổ” trên diện rộng, ngành thú y và các địa phương chưa phản ứng kịp thời, nhất là công tác tiêu huỷ lợn bị ốm, chết. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Khoảng một tuần trở lại đây, có ngày trên địa bàn một xã có 20 - 30 hộ báo cáo về việc lợn chết, trong khi đó, cán bộ thú y chỉ có một người. Nếu nhà báo cùng ăn, cùng ở với lực lượng thú y cơ sở trong những ngày vừa rồi thì thấy, họ rất vất vả, ngày ngày căng sức để phòng, chống dịch.
Đó là chưa kể thời điểm này giá lợn xuống thấp, thương lái ép giá, người dân không bán được lợn. Nhiều trường hợp thấy lợn nhà mình có hiện tượng ốm là đề nghị thú y tiêu huỷ, bởi Nhà nước hỗ trợ bằng 80% giá thị trường.
Ông Dương Văn Thái: "Khi người dân thông báo có dịch, cán bộ thú y phải xuống ngay để lập hồ sơ". Ảnh: Ngô Văn Huân. |
Để tránh trường hợp một số đối tượng cố tình khai gian về số lượng, trọng lượng của đàn lợn bị mắc bệnh buộc phải thiêu huỷ, theo văn bản hướng dẫn của tỉnh, đoàn kiểm đếm phải có trưởng thôn, ban công tác mặt trận, cán bộ thú y xã, lãnh đạo xã. Việc thiết lập hồ sơ, biên bản xác minh sự việc phải được làm cẩn thận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong công tác tiêu huỷ lợn chết, gây ra sự ùn ứ tạm thời.
Sau khi nhận được phản ánh từ cơ sở, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung cao độ nguồn nhân lực, vật lực. Đảm bảo bất cứ người dân nào thông báo có lợn ốm chết thì cán bộ thú y phải xuống ngay để lập hồ sơ, hướng dẫn quy trình. Và chính quyền xã phải tổ chức tiêu huỷ, chôn lấp theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn.
Có ý kiến cho rằng, thú y viên cơ sở đang phải gánh trên vai trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh quá nặng nề, trong khi chế độ đãi ngộ dành cho đối tượng này lại quá thấp, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi khẳng định, trong phương án phòng chống dịch, trách nhiệm thuộc về cả hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở. Chúng tôi không giao phó công tác phòng, chống dịch cho một mình lực lượng thú y.
Cán bộ thú y đóng vai trò là người tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về biện pháp phòng chống dịch và hướng dẫn về mặt chuyên môn cho các hộ chăn nuôi, cho gia trại, trang trại phòng chống dịch. Và khi có dịch thì phải hướng dẫn quy trình tiêu huỷ, chứ không phải cán bộ thú y làm hết.
Các đồng chí Thường vụ Tỉnh uỷ cũng phải trực tiếp xuống các huyện để chỉ đạo phòng chống dịch, kiểm tra, giảm sát. Phương châm của chúng tôi là tập trung cao độ để giữ các trang trại có số lượng lớn, không để mắc dịch tả lợn Châu Phi.
Bắc Giang và nhiều tỉnh thành khác muốn đề nghị Trung ương xem xét khôi phục lại hệ thống thú y cơ sở. Ảnh: Ngô Văn Huân. |
Bắc Giang là tỉnh có số lượng đầu lợn lớn thứ 3 cả nước với 1,1 triệu con (đến thời điểm này còn khoảng 700.000 con). Bởi vậy, chúng tôi rất chia sẻ với cán bộ thú y, lực lượng thì mỏng, hơn 1 tháng qua họ vắt sức làm việc, đến đêm mới được về nhà. Mặc dù trên giấy tờ thì đúng là họ được hưởng phụ cấp, nhưng thực tế thì chưa nhận được đồng tiền nào.
Như báo NNVN vừa phản ánh, không cẩn thận họ trở thành con nợ. Bởi ở nhiều xã, họ là người đứng ra thuê nhân lực, vật lực để chống dịch, nhưng kinh phí của xã thì không bố trí kịp thời để chi trả. Muốn nhà nước chi tiền thì phải chờ đầy đủ hồ sơ quyết toán.
Do đó, chúng tôi đang chỉ đạo các huyện cấp bổ sung kinh phí, hoặc cho các xã tạm ứng tiền để giải quyết khó khăn trước mắt trong lúc dịch bệnh đang lây lan như thế này.
Trong những lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như thời điểm này mới thấy, vai trò của lực lượng thú y cơ sở là rất quan trọng. Không chỉ tỉnh Bắc Giang mà Bộ NN-PTNT, Cục Thú y và nhiều tỉnh, thành khác cũng đang có ý kiến đề nghị Trung ương xem xét khôi phục lại hệ thống thú y cơ sở như trước đây, để lực lượng này an tâm công tác.
Có ý kiến cho rằng, một số địa phương ở Bắc Giang đang cố tình xác định sai dịch bệnh của lợn chết (ví dụ, lợn chết vì dịch tả lợn Châu Phi nhưng cơ quan chức năng xác nhận là bệnh tai xanh) để giấu dịch? Ông Dương Văn Thái: Chúng tôi khẳng định không có chuyện giấu dịch. Phương châm phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Bắc Giang là quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, chủ động, không hoang mang. Bởi vậy, khi người dân báo có lợn ốm, chết, cán bộ chuyên môn phải đến trực tiếp khu chuồng chăn nuôi để khám, phân loại xem vật nuôi chết vì nguyên nhân gì. Đối với những loại bệnh có thể chữa được thì phải giữ lại để chữa. Ví dụ đàn lợn bị nhiễm bệnh tai xanh, nếu phát hiện sớm và cứu chữa kịp thời thì vẫn giữ được một tỷ lệ không nhỏ. Còn nếu cán bộ thú y thấy bệnh tích của dịch tả lợn Châu Phi đã rõ ràng, thì có thể tổ chức tiêu huỷ cả đàn ngay mà không cần chờ kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm. |
Xin cảm ơn ông!