| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ơi, lợn của dân chết ngập chuồng rồi!

Thứ Sáu 10/05/2019 , 08:43 (GMT+7)

Sau khi bài viết: “Chống dịch như Bắc Giang thì khác gì... rắc dịch” được đăng tải trên báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN), người dân thôn Yên Sơn tiếp tục gửi cho chúng tôi hình ảnh những “sân lợn chết” ghê rợn. Và, điệp khúc “thờ ơ với dịch” ở địa phường này vẫn chẳng có gì thay đổi.

>>Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lý giải về hiện tượng lợn chết tăng đột biến

Lợn của gia đình chị Nụ chết nằm ngổn ngang, nhưng gọi mãi chẳng thấy cán bộ thú y đến chở đi tiêu huỷ.

Người gửi bức hình “sân lợn chết” cho PV NNVN là chị Phạm Nụ, chủ đầu tư của hai trại lợn tại thôn Yên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Khi phát hiện đàn lợn chết hàng loạt vào buổi sáng 9/5, chủ trại lập tức báo cho cán bộ địa phương. Tuy nhiên, đến chiều vẫn không thấy bóng dáng thú y viên và cán bộ chuyên trách đến kiểm tra, xác minh để chở lợn đi tiêu hủy.

Sốt ruột vì sợ đàn lợn chết sẽ gây ô nhiễm môi trường, chị tá hỏa gọi thuê xe tải để chuyển lợn ra khu vực tiêu hủy tập trung. Tuy nhiên, gọi mãi mà chẳng ai nhận chở. Bởi, họ sợ xe dính phải nguồn gây bệnh thì khó làm ăn.

Trước đó, hàng chục hộ dân ở xã Nghĩa Trung cũng phải “tự cứu lấy mình” khi phải huy động những phương tiện vận chuyển thô sơ để chở lợn ra nghĩa địa. Họ cho rằng mình đã bị bỏ rơi giữa “bão dịch”.

Còn ông Đỗ Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung thì lại đưa ra nhiều lý do để biện minh cho sự chậm trễ trong công tác tiêu hủy lợn của chính quyền: Nhân lực và vật lực có hạn. Trong khi lợn lại chết ồ ạt với số lượng quá lớn trong khoảng 5 ngày vừa qua.

Một cán bộ xã Nghĩa Trung chia sẻ, nguồn kinh phí dự phòng của xã cho công tác phòng, chống dịch bệnh chỉ có khoảng 150 triệu đồng. Hiện nay, số tiền này cơ bản đã sử dụng hết để thuê máy đào hố chôn lợn, mua vôi bột, thuốc khử trùng, vận chuyển lợn chết... Thời gian tới, không biết sẽ lấy tiền ở đâu để chống dịch.

Nếu nói cán bộ xã thờ ơ với dịch, thì có lẽ sẽ không công bằng. Bởi thực tế, từ khi dịch bệnh nổ ra đến nay, thú y viên của xã chưa bao giờ được về nhà trước 7 giờ tối. Thế nhưng, rõ ràng là tổ chức bộ máy và việc huy động nguồn lực cơ sở cho công tác phòng, chống dịch đang có lỗ hổng, không đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn.

Đàn lợn hơn 70 con của gia đình ông Thân Văn Hoà ở thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung chỉ còn lại vài con đang thoi thóp thở chờ chết.

Người dân đặt câu hỏi với PV: Tại sao chính quyền xã chỉ thuê xe lôi (chỉ chở được vài con lợn mỗi chuyến) mà không thuê xe tải để chở lợn chết? Rõ ràng, việc người dân phải tự chở vài chục con lợn với phương tiện thô sơ, sẽ gây ra nguy cơ phát tán dịch bệnh rất lớn. Vậy bàn tay hỗ trợ của huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang ở đâu?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, người đứng đầu địa phương phải đề cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn mình quản lý. Vậy, khi để dịch bệnh lây lan và diễn biến phức tạp như ở Bắc Giang, thì trách nhiệm của Chủ tịch UBND là gì?

Chia sẻ với PV NNVN qua điện thoại, giọng ông Lương Hồng Sơn, thú y viên xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) đầy tâm trạng. “Trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay, số lượng lợn chết buộc phải tiêu hủy quá nhiều, một mình thú y viên không thể làm xuể. Tôi phải thay mặt UBND xã, đứng ra thuê máy múc đào hố tiêu hủy, thuê xe chở lợn, mướn người bốc vác và 10 nhân công phun thuốc tiêu độc khử trùng liên tục trong 10 ngày... Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa có kinh phí để chi trả, cho nên vô tình tôi trở thành con nợ”.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của tỉnh Bắc Giang, mỗi ngày tiêu hủy gia súc mắc bệnh sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng (trường hợp là ngày nghỉ, lễ tết sẽ được hỗ trợ gấp đôi). Thế nhưng, đến nay, sau khi đã tiêu hủy gần 100 tấn lợn, ông Sơn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào. Đó là chưa kể sau khi tỉnh Bắc Giang “khai tử” hệ thống cán bộ thú y cấp xã, thôn (để thành lập Trung tâm dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện), thú y viên phụ trách xã không còn được hưởng phụ cấp chức vụ như các công chức khác.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh và diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh Bắc Giang cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân, chính quyền địa phương có đủ nguồn lực phòng, chống dịch bệnh.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.