Cụ thể, atiso sản xuất tại huyện Sa Pa; chè dây thu hái tại huyện Sa Pa, huyện Bát Xát; cây đương quy sản xuất tại Bắc Hà, cây xuyên khung sản xuất tại Bát Xát đã được Bộ Y tế công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP - WHO).
Cho đến nay, toàn tỉnh có 1.815 ha cây dược liệu, mỗi năm sản lượng đạt 52.500 tấn, thu nhập bình quân đạt 120 - 240 triệu đồng/ha, cá biệt một số loại dược liệu đạt trên 600 triệu đồng/ha. Có 10 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm dược liệu này, đạt trên 3.000 tấn sản phẩm các loại mỗi năm.
Năm 2020, tỉnh Lào Cai chủ trương tiếp tục chuyển đổi linh hoạt đất nông nghiệp từ trồng ngô, trồng cây hằng năm, một phần đất rừng trồng sản xuất chuyển sang phát triển cây dược liệu. Đồng thời gắn với bảo vệ tài nguyên rừng và tạo sinh kế cho cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, viện nghiên cứu... để sản xuất giống dược liệu, chủ động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm như đương quy, xuyên khung, cát cánh, đẳng sâm, tam thất, ý dĩ, atiso, sa nhân tím cũng đã được đưa vào danh mục khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo Quyết định 1214/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai.