| Hotline: 0983.970.780

Lao động trên biển, hiểm nguy bề bề!

Thứ Sáu 06/10/2017 , 14:05 (GMT+7)

Nếu không có chuyến biển cùng ngư dân đi đánh bắt xa bờ trên biển Đông, tôi khó có thể hình dung ra nghề lao động trên biển cơ cực đến dường nào. Không chỉ vất vả, nặng nhọc, mà hiểm nguy còn luôn cận kề, rình rập.

Qua hơn 20 ngày cùng ngư dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) hành nghề lưới vây rút chì chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa dọc ngang trên biển Đông, mỗi ngày, tôi được tận mắt chứng kiến cảnh lao động cực nhọc của hàng chục ngư dân trên tàu.

13-35-49_1
Lao động trên biển làm việc rất cực nhọc

Từ công đoạn bủa lưới đến công đoạn kéo lưới, dù đã được những chiếc tời (ru lô) trợ lực, nhưng toàn bộ ngư dân trên tàu đều phải dốc sức mới thực hiện được những công việc nặng nhọc này. Họ lao động trong tình trạng “mình trần thân trụi” dưới mưa, dưới nắng suốt cả ngày.

Nếu gặp mẻ cá “khẳm” lưới, họ phải làm lấn sang đêm. Làm không kịp ăn, đến bữa, người phụ trách bếp ăn mang những gói mì tôm xé bao sẵn phát cho thuyền viên mỗi người 1 gói, ngư dân bỏ mì tôm vào túi quần, lúc rảnh thọc tay vào bẻ 1 miếng bỏ vào miệng nhai dằn bụng qua bữa.

Điều quan ngại là hầu hết ngư dân đều làm việc rất chủ quan, dựa vào kinh nghiệm là chính nên dễ dẫn đến tai nạn. Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 48 vụ tai nạn tàu cá, trong đó có 11 vụ ngư dân bị tai nạn trong lúc lao động. Hầu hết ngư dân gặp tai nạn đều bị mang thương tích, nhiều vụ dẫn đến tử vong, để lại nỗi đau cho gia đình và gánh nặng cho xã hội.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 8/2017, 1 ngư dân dạn dày kinh nghiệm như anh La Tình ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) cũng bị tời cuốn khi đang làm nghề trên biển dẫn đến tử vong. Anh Tình là người tiên phong ở Bình Định trong áp dụng bộ thiết bị và quy trình câu cá ngừ đại dương, xử lý, bảo quản sản phẩm cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản.

13-35-49_2
Nhiều việc trên tàu cá cần người lao động phải dốc sức
“Đa phần các vụ tai nạn lao động trên biển là do bị dây tời hoặc dây neo quấn, bị lật thúng, bất cẩn trong lúc đi vệ sinh bị rơi xuống biển”, ông Vinh xác nhận.

Ngày 26/8, tàu cá của anh La Tình đang khai thác trên biển thì 1 thuyền viên trên tàu là ông Võ Kỳ ở thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) bị tời cuốn. Trong lúc cứu bạn thuyền, anh Tình không may trượt chân, bị dây tời cuốn tử vong. Ngư dân Võ Kỳ bị thương rất nặng, phải đưa vào bờ cứu chữa. Đây là một trong số các vụ tai nạn lao động thương tâm trên biển của ngư dân Bình Định.

Ngoài những tai nạn mang tính khách quan, có những tai nạn xảy ra nguyên nhân do lỗi chủ quan của ngư dân. Ví như trong lúc lao động trên tàu ngư dân không bao giờ mặc áo phao, khi gặp sự cố rơi xuống biển thì trở tay không kịp. Hoặc không tàu cá nào có nhà vệ sinh, ngư dân theo thói quen ngồi trên be tàu đi vệ sinh cá nhân, gặp lúc sóng to, tàu lắc mạnh khiến ngư dân rơi xuống tàu mất tích.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện tỉnh này đang có đến 44.640 lao động làm nghề đi bạn trên 6.470 tàu cá. Vậy mà trong 2 năm 2015 - 2016, chỉ có 340 ngư dân được tập huấn về kiến thức áp dụng trong lao động thông qua chương trình phát triển tàu cá vỏ thép theo NĐ 67.

Hầu hết số ngư dân còn lại chỉ được tiếp cận, nắm bắt kỹ năng xử lý rủi ro gặp phải trong lúc lao động thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật biển đảo do bộ đội Biên phòng ở các địa phương truyền đạt ngắn hạn.

13-35-49_3
Tàu chuyên hành nghề câu mực của ngư dân Bình Định

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.