| Hotline: 0983.970.780

Lão nông bán nhà nuôi vịt và cái kết có hậu

Thứ Bảy 22/04/2023 , 07:53 (GMT+7)

Sau gần 40 năm chuyên nuôi vịt, ông Huấn đã phát triển được 1,5ha trang trại VAC trị giá 4 tỷ đồng. Trong đó có 4.000 con vịt đẻ, mỗi ngày cho 3.000 quả trứng.

Hỏi về nghề nuôi thuỷ cầm ở Hưng Yên, sẽ rất nhiều người trong nghề biết tới ông Lương Văn Huấn ở xã Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ), bởi ông là người cự phách nuôi vịt ở tỉnh này.

Ông Huấn không những có bề dày chăn nuôi vịt gần 40 năm, mà còn duy trì được đàn vịt 4.000 - 6.000 con chuyên đẻ. Không chỉ có vậy, tỷ lệ hao hụt trong nuôi vịt của ông Huấn cũng thuộc diện hiếm có, chỉ khoảng dưới 2%/năm (trừ một lần duy nhất vịt bị dịch chết đồng loạt bởi lý do bất khả kháng).

Bán nhà, bán đất theo nghiệp nuôi vịt

Ông Huấn kể, khởi nghề nuôi vịt từ năm 1986, mới đầu ông chỉ nuôi mỗi lứa trên dưới 200 con theo hướng tận dụng, thả cho vịt ăn cua, ốc và thóc lúa rơi vãi trên các kênh trục và đồng ruộng.

Ngày đó chưa có thuốc trừ cỏ, ao hồ, sông trục còn nhiều và ít bị ô nhiễm nên việc thả cho vịt tự kiếm thức ăn tận dụng rất an tâm, vịt nuôi mau lớn, giảm dịch bệnh, lợi nhuận cao.

10 (2)

Ông Huấn đã có thâm niên 40 năm gắn bó với nghề nuôi vịt đẻ. Ảnh: Hải Tiến.

Từ khoảng sau năm 2003, khi chăn thả vịt ngoài đồng không còn nhiều thuận lợi, ông Huấn đã có đủ tiền thầu được gần 1,5ha ruộng công điền của xã, rồi thuê mượn lao động đào ao làm kinh tế VAC. Trong đó có hơn 0,5ha ao nuôi thả cá, vịt; 0,4ha vườn nhãn, diện tích còn lại xây dựng lán trại nuôi 6.000 con vịt đẻ. Về hiệu quả sản xuất, trừ mọi chi phí đầu tư và trang trải cuộc sống cho gia đình, ông Huấn vẫn để dư ra được hơn 400 triệu đồng mỗi năm

Tưởng rằng, cứ xuôi chèo mát mái như trên, chẳng mấy đỗi ông Huấn sẽ đổi đời. Nhưng ở đời không ai học được hết chữ ngờ! Chỉ có vài ngày hồi giữa năm 2013, cả đàn vịt 6.000 con của ông Huấn đang đẻ rộ, đột nhiên nhiễm dịch tả chết không còn một mống. Bao nhiêu vốn liếng bấy lâu ông Huấn tích cóp được bồng nhiên thành tay trắng, gồm tiền mua con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phòng bệnh và mấy tháng công chăm sóc vất vả, giá trị thiệt hại ngót 700 triệu đồng, tương đương 40 cây vàng SJC lúc bấy giờ.

Đáng chú ý, dịch tả chỉ gây hại trên những đàn thuỷ cầm đang đẻ, vịt nuôi thịt không bị, dịch xảy ra khắp các địa phương trong khu vực, kể cả những đàn vịt trước đó đã được vacxin phòng tả.

Sau cú sốc mất hết đàn vịt đẻ, ông Huấn như người mất hồn, không muốn làm bất cứ việc gì... Nhưng mỗi lần nhìn vợ con nheo nhóc, ông Huấn giật mình bừng tỉnh, lòng tự trọng trỗi dậy, không thể buông tay phó mặc cho số phận, ông quyết chí phải khôi phục chăn nuôi vịt. Nhưng lấy đâu ra số vốn ngót nghét cả tỷ đồng cho phục hồi lại đàn vịt, và liệu vịt có bị nhiễm dịch tả lần nữa hay không...? Những câu hỏi chưa có lời giải này lại làm cho ông Huấn mất nhiều đêm suy tư, trăn trở.

8 (3)

Trải qua thất bại, ông Huấn vẫn quyết gắn bó với nghề nuôi vịt. Ảnh: Hải Tiến.

Trong giấc mơ chập chờn, ông Huấn nhớ câu thành ngữ của người xưa, “nhất nghệ tinh, nhất thân vình” - giỏi nghề chăn nuôi vịt, ắt có ngày thành công. Hơn nữa, qua đợt dịch lần đó, chắc chắn các nhà khoa học nước ta sẽ tìm ra vacxin phòng ngừa dịch tả vịt đặc hiệu hơn. Theo đó, ông Huấn đã đánh liều bán toàn bộ nhà cửa và một phần đất thổ cư đang ở rồi động viên vợ con cùng ra trang trại làm lều kiếm sống bằng việc tái lập nghề nuôi vịt đẻ.

Việc ông Huấn bán nhà ra ở trang trại vịt khiến nhiều người dân trong xã ngỡ ngàng, với nhiều lời gièm pha xuôi ngược rất khó nghe. Nhưng ông Huấn bỏ ngoài tai tất cả, rồi âm thầm quyết chí chăn nuôi.

"Có công mài sắt, có ngày nên kim"

Kết quả không nằm ngoài dự tính, sau gần 2 năm khôi phục lại đàn vịt, ông Huấn đã thu hồi được đủ vốn bán nhà và đất, từng bước có tích luỹ. Đến nay, theo tính toán, để có được trang trại VAC như của ông Huấn, nhà đầu tư phải bỏ ra trên 4 tỷ đồng. Hai năm nay, giá thức ăn chăn nuôi lên cao, mỗi ngày ông Huấn vẫn có lãi 600.000 đồng từ thu hoạch 3.000 trứng/4.000 vịt nuôi đẻ.

“Hiện tại, so với số vốn bỏ ra, nguồn lợi từ nuôi vịt chỉ ngang với lãi suất gửi ngân hàng, nhưng chăn nuôi trong cơ chế thị trường, lúc lãi ít lúc lãi nhiều là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó còn được nguồn lợi phụ từ vườn cây và ao cá khoảng 160 triệu đồng/năm”, ông Huân cho biết.

Để nuôi vịt đẻ đạt được hiệu quả tốt như trên, ông Huấn luôn chọn mua những con vịt 3 - 3,5 tháng tuổi, giống siêu trứng, trọng lượng 1 - 1,1kg/con, hình thức phải đầu nhỏ, cổ nhỏ, lông nhỏ, thân dài, không khuyết tật, không dịch bệnh. Tóm lại hình thức và trọng lượng phải đều tăm tắp. Con giống mua về, tháng đầu tiên chỉ cho ăn thóc, từ tháng thứ 2 trộn cám công nghiệp chuyên trứng với thóc cho vịt ăn quen dần, khi vịt đẻ đạt 50% tổng đàn mới cho ăn 100% cám chuyên trứng.

11 (1)

Cơ ngơi trang trại VAC của ông Huấn. Ảnh: Hải Tiến.

Muốn vịt đẻ nhiều và đều, ít dịch bệnh, tỷ lệ trứng có phôi cao (trên 90%), cần phải có máng cho vịt ăn trên bờ, ao cho vịt bơi lội, phải mua cám từ các nhà chế biến có uy tín, đảm bảo chất lượng cao, ổn định. Để nuôi vịt đạt lợi nhuận cao, ông Huấn còn đầu tư thêm một số máy ấp nở trứng gia cầm, nhưng chỉ dừng ở công đoạn ấp bán trứng vịt lộn.

Nhằm giữ được thương lái đến bao tiêu trứng ổn định, ông Huấn luôn có kế hoạch chăn nuôi gối đàn, đảm bảo thay mới giống, không làm gián đoạn số lượng trứng xuất ra thị trường. Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vịt bằng nhiều giải pháp như vacxin phòng bệnh cho vịt theo đúng lịch thú y; định kỳ 1 tháng/lần vệ sinh tiêu độc chuồng trại, nước ao nuôi thả và trộn thuốc phòng trị tiêu chảy với cám cho vịt ăn.

Kinh nghiệm nuôi vịt nhiều năm của ông Huấn cho thấy, tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi xảy ra cao nhất ở thời kỳ vịt đẻ báo và khi thời tiết giao mùa, đang mùa đông chuyển mùa xuân, đang đông chuyển sang thu hoặc đang nắng nóng chuyển mưa và ngược lại. Nhất là với những ngày nồm ẩm, mưa phùn, ẩm độ không khí cao phải trộn thuốc phòng bệnh tiêu chảy với cám cho vịt ăn, kết hợp với tăng cường vệ sinh, khử trùng chuồng trại và môi trường ao chăn nuôi.

Nói về lý chỉ mua con giống ngoài 3 tháng tuổi về chăm nuôi cho đẻ, ông Huấn cho biết, nếu nuôi từ vịt bóc trứng rồi chọn lọc con giống cho đẻ, phải chăn thả tận dụng được thức ăn tự nhiên mới có lãi hơn. Việc phải đầu tư 100% thức ăn từ đầu (từ vịt 1 ngày tuổi tới đẻ) sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với mua vịt choai (1 - 1,1kg/con) về chăm dưỡng cho đẻ.

Chia tay ông Huấn, ông còn nhấn mạnh lại, vịt là giống thuỷ cầm, bản năng sống dưới nước là chính, nên phải có ao cho chúng bơi lội, chăn nuôi mới mau lớn, ít dịch bệnh, đẻ trứng đều và nhiều... Từ vài năm nay, các con của ông Huấn đã trưởng thành, thoát ly nghề nông, chỉ còn vợ chồng ông duy trì nuôi 4.000 vịt đẻ, bán trứng trắng, chứ không đầu tư máy ấp trứng lộn như trước nữa.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.