| Hotline: 0983.970.780

Lập chuyên án điều tra đường dây buôn lậu trâu, bò vào Việt Nam

Thứ Tư 22/03/2023 , 19:51 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đề nghị khẩn trương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò vào Việt Nam.

Thời gian qua, hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là tại tỉnh Long An, nguy cơ mang theo mầm bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thời gian qua, hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là tại tỉnh Long An, nguy cơ mang theo mầm bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông tin từ Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cho biết, theo phản ánh của người dân địa phương, thời gian qua, hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Campuchia, đặc biệt là biên giới tỉnh Long An, từ đó làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục...

Trâu nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.

Theo đó, để chấm dứt ngay tình trạng nêu trên, ngày 22/3, Cục Thú y đã xây dựng, tham mưu trình Bộ NN-PTNT ban hành văn bản gửi các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò vào Việt Nam.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh quán triệt, hướng dẫn, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp tại địa phương tổ chức kiểm soát nhập khẩu trâu, bò theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại các Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/102020 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 18!4/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022-2030 "); các văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT; không tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán, hợp thức hóa nguồn gốc trâu, bò nhập lậu.

Đồng thời, các tỉnh cần chỉ đạo chính quyền cấp xã, cấp huyện tổ chức thống kê số liệu, kiểm soát đàn trâu bò của địa phương, đặc biệt tại các địa phương có chung biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc trâu, bò được vận chuyển, nhập lậu; hợp thức hóa, làm giả, làm trái quy định các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Cơ quan điều tra làm việc với các đối tượng buôn lậu bò qua biên giới tại tỉnh Tây Ninh ngày 6/3 vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

Cơ quan điều tra làm việc với các đối tượng buôn lậu bò qua biên giới tại tỉnh Tây Ninh ngày 6/3 vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương giao các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương khẩn trương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò vào Việt Nam.

Cùng với đó, cần chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương, đặc biệt lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyện trái phép trâu, bò vào Việt Nam, đặc biệt tập trung xử lý các trường hợp trâu, bò nghi ngờ nhập lậu từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.

Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới trong công tác phòng chống dịch, phòng ngừa gian lận thương mại và vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới.

Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 các cấp của địa phương phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò vào Việt Nam.

Chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT (Cục Thú y và các đơn vị liên quan) tổ chức giám sát dịch bệnh động vật, sử dụng chất cấm trên trâu, bò nhập khẩu và nghi nhập lậu trái phép vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 6/3, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ năm người gồm: Nguyễn Văn Dũng (41 tuổi); Trương Văn Hiếu (60 tuổi); Nguyễn Hùng Tý (47 tuổi); Nguyễn Văn Dương (33 tuổi) và Nguyễn Văn Dệt (51 tuổi) cùng ngụ ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; để điều tra về tội buôn lậu bò qua biên giới.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Tây Ninh phối hợp Công an huyện Châu Thành và phòng Cảnh sát Cơ động bắt quả tang tại trại bò của Nguyễn Văn Dũng ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành đang nuôi nhốt 37 con bò nhập lậu từ Campuchia.

Điều tra mở rộng, công an tiếp tục phát hiện tại trại bò của ông Trương Văn Hiếu đang nuôi nhốt 18 con bò nhập lậu từ Campuchia. Cả năm người khai nhận, Nguyễn Hùng Tý và Trương Văn Hiếu chung vốn mua 55 con bò từ Campuchia về Việt Nam để bán kiếm lời.

Cả hai thuê Nguyễn Văn Dương dẫn bò từ Campuchia về khu vực thuộc ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, sau đó đưa về trại bò của Tý, Hiếu và Dũng. Những người bị bắt khai nhận số bò trên sẽ được chở đến các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP. HCM bán lại.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh việc mua bán, vận chuyển trái phép trâu, bò làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục… Đồng thời, các sản phẩm nhập lậu không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.