Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Công trình Thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) cho biết, cửa van là khâu quan trọng nhất của công trình thủy lợi, việc hoàn thành lắp đặt cửa van cuối cùng sẽ sớm đưa công trình cống Cái Lớn vào vận hành, phát huy tác dụng.
Tất cả 11 cửa van của cống Cái Lớn đều có kích thước dài 40 m, cao 9 m, nặng 203 tấn bằng thép chuyên dụng được hàn thành nguyên khối.
Công trình cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455 m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40 m và khoang âu thuyền rộng 15 m. Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có thiết kế cầu giao thông nông thôn.
Trước đó, (vào tháng 2/2021), cống Cái Bé có chiều rộng thông nước 85 m, gồm 2 cửa van, mỗi cửa van rộng 35 m và 1 khoang âu thuyền rộng 15m, đã hoàn thành, đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả, giúp hàng chục ngàn ha lúa, cây ăn trái trong vùng khỏi nguy cơ xâm nhậm mặn.
Như vậy, với việc lắp đặt hoàn thành cửa van cống Cái Lớn, đã giúp chủ động điều tiết nước ngọt, mặn, mặn lợ luân phiên, góp phần phát triển và bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Khi đưa vào vận hành, Cống Cái Lớn - Cái Bé sẽ giúp kiểm soát tốt nguồn nước, tạo điều kiện phát triển ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên, vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384 ngàn ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là trên 346 ngàn ha. Kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm thiệt hại cho các mô hình sản xuất trong vùng.
Ngoài ra, dự án còn góp phần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, được triển khai thực hiện tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức có tổng vốn đầu tư hơn 3.309 tỷ đồng.