Từ thế kỷ thứ tư, Nhật Bản đã lấy tên nước là Yamato nhưng vẫn bị người Trung Quốc gọi miệt thị là "Oa quốc" tức nước lùn, người dân Nhật bị gọi là "Oa nhân" nghĩa là người lùn. Ngày nay những “người lùn” đó đã khiến cho cả thế giới phải ngước mình kính phục.
Tôi làm quen với anh Nguyễn Văn Sơn - một Việt kiều ở TP. Nagoya - nơi có chừng 200.000 lao động Việt Nam đang làm việc, đông nhất là ở các nhà máy chế tạo phụ tùng cho tập đoàn ô tô khổng lồ Toyota. Sơn hoạt động trong lĩnh vực du học, xuất khẩu lao động, đã sang Nhật từ hơn mười năm trước, lấy một cô đồng nghiệp và có thẻ vĩnh trú (cư trú dài hạn, như thẻ xanh ở Mỹ).
Cách đây mấy năm Sơn đưa con trai về Việt Nam học từ lớp một đến lớp hai ở một trường danh tiếng tại Hà Nội mà một suất xin vào phải mất hàng ngàn đô la cho cháu được nói tiếng Việt, đọc viết thông thạo chữ Việt rồi mới chuyển sang học tiếp từ lớp ba bên này.
Hơn ai hết, anh thấu hiểu khoảng chênh giữa hai nền giáo dục. Hôm đầu tiên đến lớp, mẹ cháu có mua một hộp bánh rất ngon tặng cô giáo. Ngọt nhạt đến khô cả nước bọt cô mới chịu ngập ngừng cầm hộp bánh nhưng không phải là để riêng mình ăn mà đem đến phòng giáo hiệu chia đều cho tất cả các giáo viên mỗi người một miếng.
Học sinh của Nhật được miễn học phí từ lớp một đến lớp 12 và được ăn một bữa cơm trưa cũng miễn phí ở trường.
Sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản chỉ là đống hoang tàn, đổ nát. Hai thành phố bị san phẳng bởi bom nguyên tử, những nơi khác vẫn còn ngún khói bụi, hàng triệu người Nhật thất nghiệp, đói ăn phải trông chờ vào viện trợ lương thực từ UNICEF và Mỹ.
Trẻ em Nhật hồi ấy đã có bữa ăn bán trú ở trường nhưng do cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí. Tuy nhiên một số em không được ăn vì nhà quá nghèo, bố mẹ không có tiền chi trả. Một bản điều tra được cấp báo, chính phủ Nhật lập tức tuyên bố đưa bữa ăn miễn phí vào luật, áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Dù nước Nhật còn nghèo, dù cuộc sống của người lớn còn chật vật nhưng không thể để cho bất cứ trẻ em nào thiếu dinh dưỡng, phát triển không cân đối vì đó là măng non của đất nước, là hy vọng của đất nước được hồi sinh.
Mỗi thứ ở trường đều là bài học cho học sinh về sau hoàn thiện nhân cách. Ngã sẽ không có chuyện mẹ chạy đến vừa lấy tay đập đập cái vỉa hè hay cái cầu thang vừa mồm năm miệng mười liến thoắng: “Đánh cho chừa vì cái tội đã làm đau con bà” như ở Việt Nam.
Trẻ phải học tự gạt nước mắt đứng dậy sau mỗi cú vấp ngã. Trẻ được dạy tự xới cơm, múc canh cho nhau dù những bàn tay non nớt có làm rơi rớt thức ăn, dù lóng ngóng hay chậm trễ cũng không hề bị mắng phạt.
Mỗi học sinh một khay. Thức ăn chủ yếu là các loại ngũ cốc, rau củ quả và nhiều cá nhưng ít thịt. Các em phải ăn hết khẩu phần của mình vì bỏ sót thực phẩm sẽ không được khuyến khích. Một hạt cơm rơi cũng được nhặt lên ăn, miệng bát còn dính vài hạt cũng được tráng nước canh và cho bằng sạch.
Trẻ em được giáo dục làm ra hạt gạo người nông dân phải trải qua những công đoạn nào, vất vả đổ mồ hôi, sôi nước mắt ra sao, không bao giờ được hoang phí. Ăn xong chúng sẽ tự mình mang khay đĩa vào nhà bếp, gập gọn gàng bàn ghế, lau dọn sạch sàn nhà.
Geisha đúng nghĩa là người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, chuyên phục vụ cho tầng lớp quý tộc. Trước đây Geisha phần lớn là nam giới. Họ được đào tạo bài bản trong trường. Ngoài cầm kỳ thi họa còn được dạy cả tâm lý để có thể tiếp chuyện đầy lịch lãm với khách. Khi còn học, họ được gọi là Maicô, tốt nghiệp rồi mới được đổi là Geisha. Hiện ở Nhật vẫn còn nhiều trường dạy Geisha với cả ngàn Maicô xin theo học. |
Ngay từ hồi lớp một, ở trường học sinh được lội ngập chân trong bùn học cấy lúa, học trồng rau, học vào trang trại cho gia súc, gia cầm ăn, học nhặt từng quả trứng.
Mùa nào thức ấy, khi thì chúng mang về cho bố mẹ vài bông lúa tự tay mình trồng, một quả cà tím, hai ba củ cải con con tự tay mình chăm sóc với một vẻ mặt sáng rỡ, đầy tự hào. Ở trường năm nào cũng có những cuộc thi nấu ăn do các học sinh lớn làm để học sinh bé học tập.
Từ lớp một trở đi nhà trường cấm ngặt chuyện bố mẹ đưa đi đón về. Học sinh phải tập đi bộ khoảng 1-2 cây số từ nhà tới trường. Nắng đã có mũ, mưa đã có ô, tuyết rơi đã có áo choàng dày áo khoác mỏng. Các học sinh lớn được cô giáo phân công dẫn các học sinh nhỏ ở cùng khu phố tới trường. Bầy trẻ bám theo nhau đến trường hệt như những chú gà con, vịt con tíu tít, kíu kít trên các vỉa hè.
Trong các bài giảng, học sinh trả lời sai cũng không sao chứ không bị áp lực luôn luôn phải trả bài đúng. Nếu một học sinh làm bài sai, dù là sai be sai bét đi chăng nữa bao giờ khi nhận xét, cô giáo hay thầy giáo cũng bắt đầu bằng câu nói là: “Em làm giỏi lắm, tốt lắm nhưng chỗ này hơi nhầm một tí, đáng lẽ phải như này, như này cơ…”. Bài học vì thế mà ngấm từ từ như tuyết tan ngấm xuống đất khi mùa xuân trở lại.
Ngay từ hồi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh đã được dạy cái gì của mình là của mình tuyệt đối không được biến cái của người khác làm của mình. Vì thế dù không làm được bài chúng cũng không bao giờ copy bài vở của nhau vì cái đó xa lạ trong văn hóa của người Nhật.
Cảnh sắc nông thôn Nhật
Trong các siêu thị ở Nhật không có người kiểm soát, hàng hóa cũng không được gắn “chíp” gì cả, túi xách to, túi xách nhỏ được mang vào thoải mái. Lựa chọn hàng xong người ta sẽ tự tay ra quầy thanh toán, nếu có trót quên không trả tiền món nào ngày mai lại ra trả cho bằng hết.
Khách nước ngoài khi mua sắm nếu trình hộ chiếu sẽ được khấu trừ khoản thuế 8%, sắm một thứ đắt tiền thì sẽ tiết kiệm được kha khá. Thế nhưng tuyệt đối không có người Nhật nào mượn người nước ngoài mua hộ mình hàng để trốn thuế.
Ở sân bay cũng không có bất cứ người nào kiểm soát xem người nước ngoài đó có thực sự mang món hàng miễn thuế ra khỏi đất Nhật hay không. Người Nhật tin vào ý thức tự giác của mọi người. Tự giác đến mức những nông dân bày ven đường hàng núi nông sản, mỗi loại trên đó đều ghi giá tiền, lấy bao nhiêu sẽ tự bỏ tiền vào hòm, không hề có người đứng bán.
Tự giác đến mức trên xe buýt có gắn một cái giỏ, ai lỡ để quên đồ như ví, như điện thoại, như máy tính bảng… hành khách khác sẽ bỏ giúp vào giỏ. Ngày mai, người mất đi trên tuyến xe buýt đó sẽ lại tìm thấy một cách dễ dàng vật dụng bỏ quên của ngày hôm qua.