
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: Getty.
Vấn đề này đã được đưa ra bởi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã lập luận rằng Ukraine phải nhanh chóng được gia nhập NATO hoặc được trang bị vũ khí hạt nhân như một biện pháp đảm bảo an ninh. Ông Hegseth đã mô tả tham vọng của Kiev trong việc khôi phục biên giới năm 2014 là "không thực tế", cho rằng Ukraine sẽ có hòa bình thông qua đàm phán, có khả năng được hỗ trợ bởi quân đội quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định rằng phát biểu của ông không nên được xem là tối hậu thư, nhưng chúng phản ánh "hiện thực" và quyết định cuối cùng về vấn đề này phụ thuộc vào ông Trump.
"Tôi không phải là người xác định lằn ranh đỏ. Tôi làm việc với Tổng thống khi chúng tôi giải quyết những vấn đề này, nhưng chúng tôi tin rằng việc nói điều thực tế trong các cuộc đối thoại là hữu ích", ông nói. "Cuối cùng, Tổng thống Trump là người duy nhất sẽ quyết định giải quyết vấn đề này như thế nào".
Hôm 14/2, ông Trump đã ủng hộ bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng rằng Kiev phải chấp nhận thực tế rằng việc lấy lại biên giới trước năm 2014 là không khả thi, và việc gia nhập NATO là ngoài tầm với.
Tổng thống Mỹ cũng nhiều lần đổ lỗi cuộc xung đột Ukraine là do người tiền nhiệm Joe Biden ủng hộ tham vọng gia nhập NATO của Kiev, tuyên bố chiến sự sẽ không bao giờ nổ ra nếu ông tại vị.
Ông nhắc lại quan điểm này sau cuộc điện đàm dài với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/2, đánh dấu cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022. Ông Zelensky, người cũng được ông Trump điện đàm trong cùng ngày, sau đó nói với các phóng viên rằng "không cảm thấy thoải mái" khi Kiev không được liên lạc trước, nhưng mô tả cuộc điện đàm của ông với ông Trump là một "cuộc thảo luận thực sự tốt".
Ông Hegseth cũng đã bác bỏ những tuyên bố rằng cách tiếp cận của Trump với Nga có phần nhượng bộ.
"Lý do ông Putin và ông Zelensky ngồi vào bàn đàm phán là vì sức mạnh của Tổng thống Trump, vì sức mạnh của nước Mỹ", ông khẳng định, lưu ý "điều đó không xảy ra dưới thời Joe Biden. Nó đã không xảy ra trong nhiều năm".
Tổng thống Mỹ cho biết ông hiểu những lo ngại của Nga về việc Ukraine gia nhập NATO và khẳng định Kiev sẽ không trở thành một phần của khối theo bất kỳ thỏa thuận nào.
Moscow đã liên tục phản đối tham vọng gia nhập NATO của Ukraine, cho rằng việc mở rộng về phía đông của khối này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cho rằng đây là một nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột đang diễn ra. Điện Kremlin đã nhấn mạnh rằng Ukraine phải chấp nhận một vị thế trung lập trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai. Đồng thời, ông Putin cũng nói rằng Moscow không thể ký thỏa thuận với ông Zelensky, cho rằng nhà lãnh đạo không đủ thẩm quyền vì nhiệm kỳ của ông đã hết.
Moscow cũng đã lên án mạnh mẽ các tuyên bố của ông Zelensky về việc yêu cầu viện trợ vũ khí hạt nhân, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng những phát ngôn như vậy cho thấy ông là "một kẻ điên rồ, người coi hành tinh này là đối tượng cho những ảo tưởng bệnh hoạn của mình".