| Hotline: 0983.970.780

Buồn vui mùa vải 2024

Vùng vải sớm Tân Yên trúng đậm

Thứ Năm 30/05/2024 , 09:35 (GMT+7)

BẮC GIANG Trong khi vải thiều chính vụ mất mùa nặng thì vùng vải chín sớm ở huyện Tân Yên (Bắc Giang) năm nay lại được mùa, giá cao ngất ngưởng, các nhà vườn rất phấn khởi.

Đến Bắc Giang, hỏi ở đâu có vải chín sớm nhất thì câu trả lời luôn là huyện Tân Yên, cụ thể hơn nữa là xã Phúc Hòa, thủ phủ vải sớm của tỉnh. Trung tuần tháng 5, những chiếc container thu mua vải đã bắt đầu xuất hiện ở đây. Năm nay, đường sá ở xã được nâng cấp rõ rệt, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con, vừa phục vụ xe tải vào vườn thu mua vải.

Chứng kiến những tấn vải đầu tiên được xếp vào từng thùng xốp 7kg rồi chuyển lên container, chạy thẳng hướng Tân Thanh (Lạng Sơn) để xuất khẩu sang Trung Quốc mới thấy bà con trồng vải ở Tân Yên năm nay phấn khởi thế nào.

Anh Hoàng Văn Sơn, thôn Quất Du 1, xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) bên những cây vải sớm trĩu quả sắp thu hoạch. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Hoàng Văn Sơn, thôn Quất Du 1, xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) bên những cây vải sớm trĩu quả sắp thu hoạch. Ảnh: Tùng Đinh.

Được mùa, được giá

Giữa con mưa rào tầm tã, nhâm nhi chén trà trong căn nhà gỗ giả cổ với những hàng cột chạy khắp 3 gian, anh Hoàng Văn Sơn ở thôn Quất Du (xã Phúc Hòa) chỉ tay ra ngoài cửa rồi nói: "Nhà tôi có hơn 1ha trồng vải trên triền đồi này, đều là vải sớm nên năm nay tỷ lệ ra hoa, đậu quả vẫn cao, trong khi trà vải thiều chính vụ trong tỉnh năm nay mất mùa".

Ông chủ đồi vải cho biết, mấy năm trở lại đây, được sự vận động của chính quyền, gia đình anh chuyển sang canh tác vải theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy vải được các doanh nghiệp ưa chuộng, đầu ra đảm bảo.

"Ngoài Trung Quốc, phía công ty đối tác còn đưa vải nhà tôi đến các thị trường có yêu cầu cao hơn như Mỹ, Nhật, Australia... Muốn được như vậy, phải đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP", anh Sơn nói.

Theo đó, thay vì canh tác theo kinh nghiệm như trước đây, cán bộ kỹ thuật của huyện đã hướng dẫn sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục, phun đúng liều lượng, đúng thời điểm, đảm bảo thời gian cách ly.

Nhờ vậy, các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, vải nhà anh Sơn đều đáp ứng được. Chưa kể, từ ngày canh tác bài bản, đúng kỹ thuật, cắt tỉa, chăm sóc khoa học, sản lượng vải của gia đình cũng tăng 1,5 – 2 lần so với trước đây.

"Dự kiến nếu không có gì đột biến, năm nay nhà tôi có thể thu được từ 15 – 20 tấn vải sớm. Đầu ra đã được phía công ty đảm bảo nên chỉ chờ vải chín là thu hoạch", anh Sơn phấn chấn nói.

Vải sớm Tân Yên năm nay được giá do vải ở nhiều khu vực khác trong tỉnh Bắc Giang mất mùa. Ảnh: Tùng Đinh.

Vải sớm Tân Yên năm nay được giá do vải ở nhiều khu vực khác trong tỉnh Bắc Giang mất mùa. Ảnh: Tùng Đinh.

Về giá bán, chủ vườn vải này cũng tiết lộ đã được phía công ty bao tiêu và cam kết mua với giá 35.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao so với các năm nhưng trong mùa vải 2024, khi mà nhiều huyện trong tỉnh mất mùa thì cũng xấp xỉ giá mua của thương lái.

Mặc dù vậy, anh Sơn vẫn khẳng định: "Khi mất mùa họ mua với giá này thì lúc được mùa mình cũng bán được với giá này. Hai bên đã cam kết mua bán trong vòng ít nhất 5 năm và chúng tôi sẽ giữ uy tín".

Nếu như các năm trước, trời mưa thì đường lên các đồi vải rất lầy lội, còn năm nay nay đã được bê tông hóa đến tận nơi. Kết quả này không chỉ có được nhờ quyết tâm của chính quyền mà còn do bà con nông dân đang ngày càng khấm khá, họ quyên tiền, quyên đất để mở đường.

Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết, mặc dù năm nay thời tiết bất thuận với vải chính vụ nhưng với vải sớm ở địa phương thì sản lượng lại nhỉnh hơn năm 2023.

"Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã triển khai các kế hoạch sản xuất với mục tiêu nâng cao giá trị, chất lượng cho quả vải. Cụ thể là mở rộng thêm diện tích vải đạt chuẩn để có thể xuất khẩu đi các thị trường mới như Mỹ, Nhật, châu Âu, Australia...", ông Tiệp chia sẻ.

Thời gian qua, xã đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát vùng trồng vải, hướng dẫn bà con thực hiện quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng các loại thuốc BVTV được lưu hành và phun đúng liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly, đảm bảo khi lấy mẫu xét nghiệm sẽ đạt chuẩn cao nhất để xuất khẩu.

Để tiếp tục nâng cao giá trị cho quả vải, cũng như tăng tỷ lệ tiếp cận của nông sản địa phương đến với khách hàng tiềm năng, vừa qua, huyện Tân Yên đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản năm 2024, trong đó chủ đạo là vải sớm.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, vụ vải sớm năm nay ở Phúc Hòa sẽ có năng suất cao, chất lượng tốt và đem lại giá trị lớn cho địa phương", Chủ tịch xã Phúc Hòa nhấn mạnh.

Những chiếc container tấp nập ở Tân Yên để thu mua vải chín sớm. Ảnh: Tùng Đinh.

Những chiếc container tấp nập ở Tân Yên để thu mua vải chín sớm. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải chín sớm Tân Yên ngày 27/5, đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước và quốc tế; đại diện các sàn thương mại điện tử; HTX Sản xuất và Tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa; chủ các mã vùng trồng vải xuất khẩu; các cơ sở đóng gói vải thiều trên địa bàn.

Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều mùa vụ 2024 giữa một số doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ vải thiều với các doanh nghiệp, HTX, mã vùng trồng vải xuất khẩu và giữa một số sàn thương mại điện tử với các HTX, mã vùng trồng vải xuất khẩu; cắt băng xuất hành, chứng kiến đoàn xe khởi hành đưa vải tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.

Các đại biểu, khách mời đã tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm vải thiều chín sớm và các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Tân Yên; thăm mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mùa vải thiều.

Tấp nập mua bán

Ngày 15/5 là ngày đầu tiên các nhà cân, thương lái tại huyện Tân Yên tổ chức thu mua vải để xuất khẩu đi các thị trường trong vụ thu hoạch năm 2024. Trong đó, sớm nhất và nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc, sau đó là Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Theo ghi nhận, giá vải năm nay ở Tân Yên cao vượt trội so với cùng kỳ vài năm trở lại đây.

Vải được cắt tỉa, phân loại và đóng vào thùng xốp, mỗi thùng 7kg để xuất đi Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Vải được cắt tỉa, phân loại và đóng vào thùng xốp, mỗi thùng 7kg để xuất đi Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Vào vụ thu hoạch, nông dân trồng vải ở xã Phúc Hòa đưa vải ra các điểm cân. Những thùng vải được chở bằng cả xe máy hay ô tô, tùy vào quy mô thu hoạch của chủ vườn. Do đặc thù tiểu khí hậu, vải ở Tân Yên năm nào cũng chín sớm, từ giữa tháng 5 đã cho thu hoạch, trong khi những khu vực khác như Lục Ngạn phải đến tháng 6 mới chín rộ.

Ông Ngô Văn Đại, chủ cơ sở thu mua vải ở trung tâm xã Phúc Hòa, ngay trong ngày đầu tiên "mở cửa vườn", gia đình ông đã thu mua được 12 tấn vải sớm, đủ một container cho thương lái xuất đi Trung Quốc. Về chất lượng, vải sớm năm nay được đánh giá đồng đều, tương đương với các năm nhưng sản lượng tại Tân Yên có phần nhỉnh hơn, chưa kể giá thu mua lại cao đáng kể so với cùng kỳ.

Những sọt vải được vận chuyển khỏi xe, khẩn trương đưa vào bàn cân trước khi chuyển vào những khu vực sơ chế bên trong gia đình ông Ngô Văn Đại. Thời điểm đầu vụ, giá vải được thu mua dao động từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng. Trong khi đó, cũng mùa vải sớm 2023, giá vải chỉ xung quanh 25.000 đồng/kg.

Được mùa, được giá, nông dân Tân Yên đang phấn khởi thu hoạch vải đầu mùa để cung cấp cho thương lái kịp xuất hàng đi các nước. Anh Trịnh Xuân Hùng, một thương lái có nhiều năm kinh doanh vải cho biết, năm nay nhiều nơi ở Bắc Giang mất mùa vải nhưng Tân Yên lại được mùa riêng nên giá cao, những đối tác Trung Quốc của anh cũng đã sang Bắc Giang để tìm hiểu, thu mua những lô vải ưng ý nhất.

Mỗi ngày, các cơ sở thu mua ở Tân Yên mua hàng chục tấn vải để nhập cho thương lái. Ảnh: Tùng Đinh.

Mỗi ngày, các cơ sở thu mua ở Tân Yên mua hàng chục tấn vải để nhập cho thương lái. Ảnh: Tùng Đinh.

Mặc dù mới đầu mùa nhưng lượng vải người dân đem đến cân đã rất lớn. Vào giai đoạn thu hoạch rộ, mỗi cơ sở thu mua vải có thể mua hàng chục tấn vải mỗi ngày, không khí thu mua ở Phúc Hòa những ngày này rộn ràng, tấp nập. "Vào những ngày cao điểm, nhà tôi có thể phải dùng hết 200 -  300m3 đá lạnh để xử lý vải", ông Đại cho biết thêm.

Huyện Tân Yên năm nay có trên 1.300ha vải. Là trung tâm vải sớm của huyện, xã Phúc Hòa có trên 700ha vải, trong đó trên 400ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 20ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tổng sản lượng vải năm nay của xã Phúc Hòa ước tính hơn 10.000 tấn.

Để chủ động trong khâu tiêu thụ, các nhà vườn, tổ sản xuất và hợp tác xã đã sớm kết nối, tìm đầu ra cho vải thiều. Thị trường xuất khẩu dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 7.000 tấn gồm các nước EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.