| Hotline: 0983.970.780

Lấy nước ao, đầm tưới lúa xuân, giữ nước hồ cho vụ hè thu

Thứ Ba 09/04/2024 , 06:30 (GMT+7)

Nguồn nước trữ tại các đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cơ bản bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Đảm bảo nguồn nước cả vụ đông xuân và hè thu

Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, hiện nguồn nước trữ tại các đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên, theo nhận định thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, có nguy cơ xảy ra hạn hán vào mùa khô, một số hồ chứa có khả năng thiếu nước vào vụ hè thu năm 2024.

Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Bình cho hay: “Ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm cung cấp đủ nước cho hai vụ đông xuân, hè thu và nước dân sinh”.

Nhiều công trình thủy lợi tại Quảng Bình đã tích đủ nước. Ảnh: T. Phùng.

Nhiều công trình thủy lợi tại Quảng Bình đã tích đủ nước. Ảnh: T. Phùng.

Vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh Quảng Bình gieo trồng khoảng 29.500ha lúa và hơn 23.000ha cây hoa màu khác. Đặc biệt, hiện cây lúa đang bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, phun đòng nên rất cần nước để bón phân thúc đòng. Vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương đang chủ động các phương án nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (Công ty Thủy lợi Quảng Bình) được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác 35 hồ chứa (trong đó có 18 hồ chứa mới nhận bàn giao quản lý từ các địa phương), 3 đập dâng và đập ngăn mặn giữ ngọt Mỹ Trung, phục vụ tưới tiêu cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, cấp nước thô cho nhà máy nước sinh hoạt và các ngành dân sinh kinh tế.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, ngay từ đầu vụ, công ty đã chỉ đạo các chi nhánh bám sát địa bàn, vận động bà con nông dân đắp đập, be bờ giữ nước tại mặt ruộng làm đất gieo cấy. Đôn đốc vận động các đơn vị dùng nước nạo vét, tu sửa kênh mương nội đồng và áp dụng các biện pháp tưới tiêu hợp lý, khoa học, tiết kiệm nước.

Đảm bảo nước tưới cho sản xuất 2 vụ là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của Sở NN-PTNT Quảng Bình. Ảnh: Quốc Toản.

Đảm bảo nước tưới cho sản xuất 2 vụ là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của Sở NN-PTNT Quảng Bình. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty Thủy nông Quảng Bình, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch dùng nước, kiểm tra việc tiêu thụ nước từng đợt tưới nhằm hạn chế tổn thất nước trên kênh và mặt ruộng, tiết kiệm nước và điện năng tiêu thụ.

“Hiện nay, toàn bộ diện tích sản xuất vụ đông xuân do công ty chịu trách nhiệm tưới tiêu bảo đảm cung cấp nguồn nước kịp thời theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng và tiết kiệm nước trên hồ cho sản xuất vụ hè thu”, ông Quảng cho hay.

Công ty Thủy nông Quảng Bình cũng đã đưa ra phương án ứng phó với thời tiết tiêu cực cục bộ dẫn đến hạn hán trong mùa hè. Khi đó, công ty sẽ chủ động đặt các trạm bơm điện, bơm dầu ở những khu vực có đầm, ao hồ để bơm đẩy nước vào hệ thống kênh mương ra ruộng để hạn chế sử dụng nguồn nước tại các hồ chứa. "Chúng tôi cũng đã sẵn sàng vật tư, thiết bị máy móc và nhân lực cho kịch bản thiếu nước mùa hè này”, ông Trần Hồng Quảng cho hay.

Tại trạm bơm Duy Hàm thuộc Chi nhánh Thủy nông Quảng Ninh (Công ty Thủy nông Quảng Bình) các nhân viên vẫn đang vận hành bơm nước tưới cho lúa. Ông Nguyễn Thanh Phùng, Trưởng Chi nhánh Thủy nông Quảng Ninh cho biết, để phục vụ tưới tiêu cho hơn 6.000ha lúa/năm 15 xã, thị trấn trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, đơn vị đang quản lý 4 công trình hồ chứa, 2 đập dâng, 2 trạm bơm và hơn 50 km hệ thống kênh chính và kênh cấp 1 phục vụ tưới tiêu.

Ngay từ đầu vụ đông xuân, Chi nhánh đã cử cán bộ, nhân viên trực ở các điểm đầu mối, trạm bơm, cuối nguồn để vận hành, điều tiết nước, vệ sinh kênh mương phục vụ tưới tiêu cho bà con nông dân. Vào thời điển cuối tháng 3, lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh và đón đòng nên rất cần nước, chi nhánh đã tiến hành bơm xả nước để bà con chủ động đưa nước vào ruộng bón phân.

Công ty thủy nông bơm nước từ ao, hồ vào hệ thống kênh mương để tiết kiệm nguồn nước tại các hồ chứa, phục vụ sản xuất vụ hè thu. Ảnh: T. Phùng.

Công ty thủy nông bơm nước từ ao, hồ vào hệ thống kênh mương để tiết kiệm nguồn nước tại các hồ chứa, phục vụ sản xuất vụ hè thu. Ảnh: T. Phùng.

Còn địa bàn huyện Bố Trạch do Chi nhánh Thủy nông Bố Trạch đảm nhận có hồ chứa nước Khe Ngang (xã Phúc Trạch), do lượng mưa thiếu hụt từ đầu vụ nên hiện mực nước đạt khoảng 80% dung tích thiết kế. Hồ chứa nước này cung cấp nước sản xuất lúa 2 vụ cho khoảng 100 ha của người dân trên địa bàn. Thời gian qua, Thủy nông Bố Trạch thường xuyên kiểm kê nguồn nước, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tiết kiệm nước, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu và sản xuất vụ đông xuân và cả vụ hè thu.

Chủ động tiết kiệm, điều tiết nguồn nước hợp lý

Hiện nay, nguồn nước trữ tại các đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Riêng một số hồ chứa nước tại huyện Bố Trạch do lượng mưa thiếu hụt nên dung tích hồ chỉ đạt 68 - 82%, như hồ Cửa Nghè, Khe Ngang, Bàu Mía, Mù U,… có khả năng thiếu nước vào vụ hè thu năm 2024.

Hiện, Quảng Bình có 152 hồ chứa nước, 193 đập dâng, 298 trạm bơm. Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa nước trên địa bàn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất vụ đông xuân. Thời gian tới, Chi cục Thủy lợi sẽ tiếp tục tham mưu chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tưới, tiêu nước hợp lý, chủ động cấp nước đủ cho sản xuất; từng bước phát triển hệ thống thủy lợi cho diện tích các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Bình cho hay,  đơn vị luôn cập nhật, nắm bắt và thông báo các thông tin về diễn biến khí hậu thời tiết chính xác, đầy đủ, kịp thời, nhất là các thông tin về điều kiện thời tiết cực đoan, để người sản xuất và các địa phương có phương án ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại cho sản xuất.

“Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết. Triển khai phương án phòng, chống thiên tai theo các cấp độ thích ứng an toàn, linh hoạt và chú trọng đến việc an toàn hồ đập”, ông Tiến nói thêm.

Các trạm bơm tích nước từ sông suối vào hồ chứa để dự trữ nước cho mùa khô hạn. Ảnh: Quốc Toản.

Các trạm bơm tích nước từ sông suối vào hồ chứa để dự trữ nước cho mùa khô hạn. Ảnh: Quốc Toản.

Để bảo đảm nguồn nước và vận hành các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh năm 2024, Sở NN-PTNT Quảng Bình ráo riết chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã và Công ty Thủy nông Quảng Bình thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay, Sở chỉ đạo thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp cả mùa khô năm 2024.

Cũng theo ông Nam, Sở đã chỉ đạo các địa phương đơn vị thực xây dựng kế hoạch sử dụng nước vụ đông xuân phù hợp. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi.

Huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích sản xuất lớn của tỉnh Quảng Bình. Từ đầu năm, Phòng NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn để phân bổ thời gian lấy nước về ruộng hợp lý, tránh chồng chéo lãng phí tài nguyên nước. Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho hay: “Ngoài việc chủ động tu bổ các tuyến kênh mương nội đồng để chống thất thoát nước khi tưới, các địa phương cũng chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa sang diện tích trồng màu. Những diện tích đã xác định gặp khô hạn thì không nhất thiết phải đưa vào gieo cấy để tránh mất sản lượng. Hiện những hồ thủy lợi lớn trên địa bàn như An Mã, Phú Hòa đã tích đủ nước nên Lệ Thủy cũng sẽ chủ động nguồn nước trong năm nay trên tinh thần nâng cao nhận thức sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả”.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.