Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ hè thu 2024, tỉnh có kế hoạch sản xuất 276.000ha lúa và vụ thu đông diện tích gieo trồng 74.000ha. Dự kiến sản lượng thu hoạch của 2 vụ lúa này khoảng trên 1,9 triệu tấn. Đối với vụ lúa hè thu, Kiên Giang xây dựng kế hoạch gieo sạ thành 4 đợt, bắt đầu từ 15/3 (đợt 1) và kết thúc xuống giống ngày 15/6 (đợt 4). Vụ thu đông xuống giống 2 đợt, từ 10/7 (đợt 1) và kết thúc ngày 10/8 (đợt 2).
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn khu vực tỉnh Kiên Giang, nhiệt độ từ tháng 3 - 5/2024 nắng nóng trên diện rộng, mùa mưa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, tuy nhiên trước đó xuất hiện những đợt mưa chuyển mùa nhưng thấp hơn trung bình nhiều năm.
Do đó, ngành nông nghiệp yêu cầu các đơn vị chuyên môn, nông dân cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô 2023 - 2024. Đồng thời chuẩn bị các phương án, giải pháp phòng, chống bão, lũ, ngập úng để bảo vệ sản xuất vụ lúa hè thu và thu đông năm 2024.
Nông dân cần lưu ý giãn cách vụ và làm đất, vệ sinh đồng ruộng ít nhất 20 ngày nhằm tiêu hủy nguồn bệnh. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh lúa bị ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ đầu vụ, phòng trừ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông đối với những giống lúa dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra, cần lưu ý sự xuất hiện của các đối tượng gây hại như ốc bươu vàng, cỏ dại, sâu cuốn lá, nhện gié, rầy phấn trắng, chuột.
Năm 2024, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch sản xuất đạt 4,4 triệu tấn lúa. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng lúa vụ mùa và đông xuân 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh là 352.800ha. Đến đầu tháng 4/2024, đã thu hoạch được 329.529ha, sản lượng thu hoạch ước được gần 2,4 triệu tấn. Khi nông dân thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân, tổng sản lượng của 2 vụ lúa ước đạt hơn 2,55 triệu tấn.
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp và các sở, ngành liên quan cần thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn hiện đang vào cao điểm, bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh.
Trong đó, ngành nông nghiệp cần tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm: Phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSCL để có giải pháp chia sẻ nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT trong dự báo, cảnh báo các tình huống thiên tai và có giải pháp phòng, chống hiệu quả. Vận hành có hiệu quả hệ thống cống ven biển để ngăn mặn, điều tiết nguồn nước. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Triển khai thực hiện đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Tăng cường kiểm tra vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Qua 2 vụ lúa đầu năm, toàn tỉnh tổ chức sản xuất được 428 cánh đồng lớn với diện tích 66.034 ha. Trong đó có 281 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ với diện tích 50.877 ha. Đặc biệt có 27.087ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật.