| Hotline: 0983.970.780

Lên “thực đơn” cho du lịch trong nông thôn

Thứ Ba 01/02/2022 , 06:42 (GMT+7)

Du lịch đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, dù 2 năm vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Du lịch nông nghiệp là bán các trải nghiệm nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp là bán các trải nghiệm nông nghiệp.

Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm, có tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn về đa dạng cảnh quan, đa dạng sinh học, văn hóa, sản vật của mỗi vùng nông thôn. Đến nay, đa số các xã, các làng trên khắp đất nước vẫn còn lưu truyền hoặc tồn tại ít nhất một nghề hoặc một sản phẩm đặc trưng nhất định. Chính các sản vật này cùng với những cảnh quan, địa danh lịch sử cũng như nét đặc trưng văn hóa, dân tộc đã và đang tạo ra sự khác biệt của mỗi vùng nông thôn Việt Nam, gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo của đất nước chúng ta.

Khu vực nông thôn, là nơi bảo tồn văn hóa dân tộc, mới chính là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch, giúp dịch chuyển dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam, từ thành thị về khu vực nông thôn. Sau hơn 10 năm làm nông thôn mới, cùng với Chương trình OCOP đang có đà phát triển nhanh trong 3 năm qua, giờ đây chúng ta đang có điều kiện rất tốt để chuẩn bị các “mâm cỗ” để mời gọi khách du lịch tới “thưởng thức”, là thời cơ để giúp dân cư khu vực còn nghèo và thiệt thòi này có thêm cơ hội tăng thêm thu nhập.

Biến động lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch của Việt Nam.

Biến động lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch của Việt Nam.

Như vậy, hiện có rất nhiều khái niệm về loại hình du lịch, vậy cần lên “thực đơn” cho “mâm cỗ” du lịch nông thôn thế nào?

Bản thân “Khái niệm” thì không ảnh hưởng. Nhưng nếu chúng ta không phân biệt rõ tính chất của từng loại hình du lịch để có chính sách và giải pháp phù hợp, thì nó sẽ hoặc là chung chung, hoặc là nó không trúng.

Hiện nay chúng ta nghe nhiều đến Du lịch sinh thái, Du lịch nông nghiệp, Du lịch xanh, Du lịch cộng đồng, Du lịch văn hóa, Du lịch ẩm thực, Du lịch chữa bệnh... là dựa vào tính chất của việc bán các trải nghiệm du lịch. Như vậy, mỗi loại hình du lịch sẽ có một “thực đơn” và cách thức “nấu nướng” khác nhau. Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng đề án phát triển du lịch nông thôn, hiểu theo nghĩa các loại hình du lịch ở khu vực nông thôn. Và như vậy nó sẽ bao trùm lên hầu hết các hình thái du lịch trên và sẽ là bài toán tương đối khó khi tìm giải pháp phát triển khi ta gom hết lại.

Đơn cử, các khu suối khoáng nóng sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu chữa bệnh, nó cố định rồi nên chính quyền chủ động quy hoạch được, huy động khối tư nhân làm kiểu “dự án” được. Nhưng du lịch cộng đồng, nó hình thành từ chính việc khách du lịch tìm đến, họ thấy thích thú, ban đầu chỉ là một vài hộ dân làm, dần dà nhiều người dân tham gia, mở rộng và trở thành điểm du lịch. Bản chất là họ có thể vẫn đang trồng trọt, chăn nuôi hay làm dệt thổ cẩm... và đó là nguồn thu nhập chính. Làm du lịch trong giai đoạn đầu chỉ là “nghề phụ”. Do đó chúng ta không thể “quy hoạch” họ ngay được, chúng ta không thể “đổ” cho họ làm “tự phát” được, giải pháp phát triển cũng phải khác đi.

Phần lớn các tổ chức sản xuất, kinh doanh của chúng ta là nhỏ lẻ, nhất là khu vực nông thôn. Do đó việc đầu tư cung ứng dịch vụ cho du khách tới địa phương đa phần ở quy mô hộ. Các hình thái du lịch mà dựa vào cộng đồng người dân thì không thể làm nhanh, làm nóng vội, cả nhà nước và người dân cũng không đủ tiền để làm “một phát” được.

Lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch của một số tỉnh, thành năm 2021.

Lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch của một số tỉnh, thành năm 2021.

Một công ty có thể đầu tư hẳn một khu vực và xây dựng thành làng văn hóa dân tộc Thái Hải (Thái Nguyên), họ chỉ thuê người dân vào làm thuê ở đó. Mô hình trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) thì lại là doanh nghiệp đầu tư điểm ăn ngủ nghỉ, còn các điểm du lịch lại chính là các hộ dân chăn nuôi, trồng trọt, làm chè, làm thuốc... ở khu vực xung quanh, nó liên kết nhau lại. Các mô hình thăm quan trải nghiệm miệt vườn ở Đồng Tháp, Bến Tre... cũng hướng tới liên kết doanh nghiệp - hộ dân như thế này.

Làm du lịch nào thì cũng đều cần quy hoạch, cần hạ tầng, cần đào tạo tập huấn và quảng bá... Nhưng với từng loại, nó liên quan đến chủ thể làm du lịch nên quy mô đầu tư, mô hình liên kết, sản phẩm dịch vụ và hình thức hỗ trợ cũng sẽ khác nhau.

Như vậy, chúng ta cần lựa chọn loại hình du lịch gì phù hợp hiện nay, để làm ra tấm ra món cho khu vực nông thôn?

Chúng ta đang cố gắng xác định hướng đi, cách làm phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững, gìn giữ và bảo tồn được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hoạt động nông nghiệp có ở hầu hết các hộ dân nông thôn nên có lẽ trong phát triển du lịch ở khu vực nông thôn chúng ta cần nhấn mạnh “Du lịch nông nghiệp”, đó là bán các trải nghiệm nông nghiệp. Trong đó có cảnh quan nông thôn, có cộng đồng dân cư với các tập tục văn hóa đặc sắc, có các sản vật mang tính văn hóa địa phương đã được các cộng đồng dân cư của các làng quê sản sinh ra theo dòng lịch sử tồn tại của mình.

Việc phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP, khai thác các bản làng có cảnh quan đẹp, kiến trúc độc đáo... đó chính là nguồn tài nguyên vô tận để chúng ta phát triển “nghề phụ” cho người dân nông thôn, chắc chắn chúng ta có một “thực đơn” phong phú để hấp dẫn du khách.

Thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn là phù hợp với xây dựng nông thôn mới. Bộ NN-PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án với ý nghĩa là cơ quan chủ quản sản phẩm nông nghiệp. Nhưng làm du lịch thì còn liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, đó là tầm chiến lược du lịch quốc gia, là việc quản lý mạng lưới lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên, ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm du lịch, liên quan đến hệ thống vận tải hành khách, hoạt động quảng bá du lịch quy mô cấp vùng, cấp quốc gia...

Các địa phương khi quyết tâm phát triển du lịch cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để định vị tiềm năng và khả năng làm du lịch. Công tác quy hoạch không gian và quy hoạch hạ tầng du lịch phải làm trước tiên. Các sản phẩm du lịch cần được lựa chọn để hỗ trợ phát triển phù hợp với phân khúc khách hàng. Phát triển cộng đồng dân cư làm du lịch cần có lộ trình, bài bản, không nóng vội.

Việc lựa chọn làm du lịch theo kiểu độc đáo - giá cao hay làm đại trà - giá thấp đều có ý nghĩa cho từng giai đoạn, nhưng để lâu dài, để khách còn muốn quay lại thì nhất thiết phải có liên kết, phải có “thực đơn” đa dạng, và thực hiện bằng được yêu cầu về bảo tồn văn hóa, kiến trúc cảnh quan, bảo vệ môi trường bằng được. Đó là làm du lịch có trách nhiệm.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất