| Hotline: 0983.970.780

‘Lên voi xuống chó’ vì lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã

Thứ Sáu 12/06/2020 , 05:35 (GMT+7)

Chính phủ Trung Quốc đang hành động để ngăn hoàn toàn việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.

Mao Zuqin nuôi hơn 1.00 con tông dúi ở Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Mao Zuqin nuôi hơn 1.00 con tông dúi ở Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Điều này dẫn đến nguy cơ đẩy một bộ phận nông dân quay trở lại ngưỡng nghèo.

Tông dúi giúp Mao Zuqin đổi đời nhưng giờ đây, vì đại dịch Covid-19, ông có nguy cơ trở lại tình trạng đói nghèo. Covid-19 được cho là bắt nguồn từ một khu chợ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi buôn bán, giết mổ tại chỗ nhiều loài động vật với điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Trong 5 năm qua, Mao xây một trang trại ở huyện Bình Lạc, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, đủ để nuôi 1.100 con tông dúi - loài gặm nhấm có thể dùng làm thực phẩm.

Tháng 2, chính phủ Trung Quốc yêu cầu dừng mọi hoạt động mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã, bất kể nuôi hay bắt, bởi đây được cho là nguồn gốc dẫn đến đợt bùng phát Covid-19.

Mao vẫn phải nuôi đàn tông dúi và không có cách nào trang trải các chi phí liên quan.

“Tôi nợ ngập cổ rồi”, Mao trả lời New York Times qua điện thoại.

Nuôi động vật hoang dã là lĩnh vực lớn ở Trung Quốc, trị giá gần 8 tỷ USD theo một ước tính năm 2017. Tìm kiếm việc làm thay thế là nhiệm vụ khó, đặc biệt là trong thời hậu Covid-19.

Tại Quảng Tây, các trang trại nuôi tông dúi mọc lên như nấm sau mưa trong hai thập kỷ qua và được chính quyền địa phương khuyến khích là cách đưa nông dân thoát đói nghèo. Liu Kejun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chăn nuôi động vật Quảng Tây, cho biết có khoảng 100.000 người đang nuôi 18 triệu con tông dúi tại tỉnh.

Mao chưa lập gia đình và đang sống cùng người mẹ đau ốm. Ông thường thu về 700 USD mỗi năm từ trồng lạc và ngô trước khi chuyển sang nuôi tông dúi năm 2015. Ban đầu, Mao nuôi 100 con và dần mở rộng. Với đàn 1.100 con hiện nay, Mao có thể kiếm hơn 14.000 USD mỗi năm nhưng con số này có nguy cơ không thành hiện thực.

“Tôi đầu tư nhiều tiền đến mức không dám từ bỏ”, Mao cho biết. “Tôi cảm thấy bất lực”.

Số phận của hàng triệu con tông dúi trở nên bất định vì lệnh cấm. Mao tiếp tục nuôi đàn tông dúi, chờ chỉ thị tiếp theo từ nhà chức trách. Trong khi đó, nông dân tại tỉnh lân cận Quảng Đông phải tiêu hủy hàng nghìn con trước sự chứng kiến của nhân viên chính quyền.

Một số khu vực, chưa có Quảng Tây, triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng. Hồ Nam đề xuất tăng mức bồi thường với người nuôi tông dúi, rắn, nhím, cầy hương và hươu.

Nhà chức trách còn khuyến khích nông dân chuyển sang nuôi trồng các loại cây dùng làm thuốc hoặc loài vật cho da thuộc, đồng nghĩa thịt của chúng vẫn có thể đưa ra thị trường. Lông tông dúi có thể dùng để làm bàn chải nhưng Xie Fujie, nông dân tỉnh Quảng Tây, nói nhu cầu về lông quá hạn chế, không đủ để thay thế cho thịt. Xie nuôi tới 15.000 con tông dúi.

Ran Jingcheng, quan chức lâm nghiệp tại tỉnh Quý Châu, cảnh báo về những hậu quả nặng nề với nông dân. Ông đặt câu hỏi vì sao chính quyền trung ương lại cấm buôn bán động vật hoang dã trong khi vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của Covid-19.

“Có thể thấy những người nông dân đang giận dữ, họ vung mạnh các nông cụ như trút giận khi vứt bỏ các con vật, phá dỡ hạ tầng”, Ran viết trên WeChat ngày 7/6. Ông vẫn nuôi hy vọng chính phủ Trung Quốc đổi ý.

“Thật đáng tiếc khi người nông dân không đủ sức chịu đựng, nếu không, họ có thể giữ lại một phần đàn”, ông nói. “Một ngày nào đó, tình hình có thể sẽ khác”.

Trung Quốc được tán dương vì quyết tâm ngăn buôn bán động vật hoang dã nhưng lại đẩy hàng triệu người lao động như Mao vào hiểm cảnh. Chính mặt tiêu cực này, cùng với các lỗ hổng trong lệnh hạn chế của chính phủ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh khó áp lệnh cấm vĩnh viễn.

Quốc hội Trung Quốc kết thúc cuộc họp thường niên trong tháng 5 nhưng không thông qua các luật chấm dứt buôn bán động vật hoang dã. Thay vào đó, quốc hội Trung Quốc ra chỉ thị nghiên cứu việc thực thi các quy định hiện tại trong thời gian cơ quan này xây dựng dự thảo luật, quy trình có thể tốn ít nhất một năm.

Sự trì hoãn này làm dấy lên lo ngại Trung Quốc đi vào vết xe đổ năm 2003, khi Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS) hoành hành và Bắc Kinh cấm buôn bán cầy hương nhưng lại để sắc lệnh này mất dần hiệu lực vài tháng sau khi dịch bệnh đạt đỉnh.

“Động lực không thuận lợi”, Peter J. Li, phó giáo sư tại Đại học Houston – Downtown, bang Texas, Mỹ, nhận định.

Để thành công, Trung Quốc cần thay đổi các truyền thống văn hóa và ẩm thực đã ăn sâu vào cuộc sống xã hội, như các tài liệu cổ mô tả lợi ích chữa bệnh từ việc ăn các loài động vật như gấu, hổ và tê giác.

Các địa phương cũng có cách hành xử khác nhau. Một số thành phố như Bắc Kinh, Vũ Hán, đã áp lệnh cấm săn bắn động vật hoang dã. Tại những vùng nông thôn như nơi Mao sinh sống, chính quyền khu vực lại tìm cách vận động hành lang xin ngoại lệ, một phần là để đạt mục tiêu xóa đói nghèo do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra trong năm nay.

Người mặc đồ bảo hộ bên ngoài chợ hải sản Huanan, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, được cho là nơi Covid-19 xuất hiện đầu tiên. Ảnh: AFP.

Người mặc đồ bảo hộ bên ngoài chợ hải sản Huanan, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, được cho là nơi Covid-19 xuất hiện đầu tiên. Ảnh: AFP.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tuần trước loại bỏ chó khỏi “danh sách trắng” các gia súc chăn nuôi nội địa - được coi là chiến thắng cho những người phản đối truyền thống ăn thịt chó, và bổ sung hai loài từng được coi là hoang dã gồm đà điểu Australia (emu) và ngan bướu mũi vào danh sách được buôn bán.

Tông dúi không được thêm vào bất chấp nỗ lực đề xuất từ chính quyền Quảng Tây. Loài chuột này nằm trong danh sách khác của chính phủ Trung Quốc gồm 54 loài động vật hoang dã được phép bắt, buôn bán và tiêu thụ, cho thấy sự chồng chéo giữa các quy định.

“Thật thất vọng khi Trung Quốc bỏ lỡ cơ hội này để đi đầu và trở thành ví dụ điển hình của thế giới bằng cách thông qua cải cách giúp tránh các đại dịch trong tương lai”, Pei Su, lãnh đạo tổ chức vì quyền động vật quốc tế ACTAsia, nhận định.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.