Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi tiếp xúc với CEO Tập đoàn De Heus và chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược giữa De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn. Việc Thủ tướng có mặt tại hai sự kiện đặc biệt này là minh chứng rõ ràng nhất về tầm quan trọng của chiến lược phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam trong tương lai.
Hiện thực hoá mục tiêu nâng tầm chăn nuôi Việt
Phát biểu tại buổi làm việc với CEO toàn cầu De Heus là ông Koen De Heus, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những đóng góp của tập đoàn De Heus tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sau khi De Heus mua lại 100% mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan, cùng hàng loạt dự án phát triển nông nghiệp bền vững thông qua việc liên doanh chuỗi các Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN với Tập đoàn Hùng Nhơn.
Từ kết quả này, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn De Heus với thế mạnh về phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa vào Việt Nam.
Đáp lời Thủ tướng, ông Koen đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây chính là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua. Từ những kết quả theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, De Heus sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu đưa ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng vươn tầm quốc tế.
Ngay trong ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ gồm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đã chứng kiến lễ ký kết MoU giữa De Heus và Hùng Nhơn.
Tham dự lễ ký kết, ngoài CEO toàn cầu, phía De Heus còn có ông Gabor Fulit - Tổng Giám đốc khu vực châu Á và ông Johan van den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam. Đại diện cho Tập đoàn Hùng Nhơn là ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Theo nội dung chính của MoU, De Heus và Hùng Nhơn sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác và phát triển các dự án liên quan đến nông nghiệp như: Chăn nuôi giống gia súc, gia cầm; Phát triển nguồn nguyên liệu (ngô, sắn) cung cấp cho lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình HTX của Hà Lan tại Việt Nam.
Riêng với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, giống gia cầm chất lượng cao cho thị trường Việt Nam, hai bên sẽ phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao giai đoạn 2022-2030. Theo đó, Hùng Nhơn sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới. Trong khi đó, De Heus sẽ cung cấp cho các trang trại chăn nuôi các nguồn heo giống và gà giống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.
Mô hình hợp tác kiểu mẫu
Phát biểu sau lễ ký kết MoU, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao mô hình hợp tác của De Heus và Hùng Nhơn trong thời gian vừa qua, đặc biệt là liên doanh DHN. Trải qua hơn 10 năm hợp tác, De Heus và Hùng Nhơn đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thông qua việc xây dựng phát triển hệ sinh thái nông nghiệp một cách bền vững từ trang trại đến bàn ăn hướng tới nền nông nghiệp Việt Nam ngày một phát triển ổn định, bền vững và thịnh vượng.
Về nội dung MoU vừa được ký kết giữa hai tập đoàn nông nghiệp hàng đầu của Hà Lan và Việt Nam, ông Hoan cho rằng hai doanh nghiệp đã và đang song hành thực hiện thành công nhiều dự án, tổ hợp chăn nuôi lớn trên toàn quốc, tập trung nhiều tại khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua.
Đây là tiền đề để hai tập đoàn tiếp tục gặt hái thành công ở những dự án phát triển theo như kế hoạch đã được thống nhất trong nội dung MoU vừa được ký kết. Hơn hết, thành công của DHN cũng là biểu trưng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hà Lan.
“Tôi đặc biệt tâm đắc với nội dung vừa được hai tập đoàn ký kết MoU là kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình HTX của Hà Lan tại Việt Nam. Mô hình này nếu áp dụng thành công sẽ giúp cho không chỉ doanh nghiệp và cả người nông dân cùng làm giàu trên chính mảnh đất của mình”, ông Hoan kỳ vọng.
Nói về Tập đoàn Hùng Nhơn, đối tác chính của De Heus tại Việt Nam, ông Koen cho biết: “Hùng Nhơn là doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung. Đặc biệt, mô hình hoạt động của Hùng Nhơn phù hợp với kế hoạch phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh với mục tiêu trở thành người bạn đồng hành của người chăn nuôi và doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam”.
Được biết, De Heus là tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới với 110 năm kinh nghiệm và hiện đang sở hữu các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như De Heus, Windmill, Koudijs... Tập đoàn này có quy mô hơn 100 nhà máy hiện đại trên toàn cầu, sản phẩm được được xuất khẩu hơn 75 quốc gia, vùng lãnh thổ trên trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, De Heus sở hữu 23 nhà máy được trang bị dây chuyền công nghệ tự động hóa tiên tiến hàng đầu và được giám sát vận hành sản xuất bởi các chuyên gia quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 22000 và Global GAP.
Trên cương vị là người điều hành De Heus tại Việt Nam, ông Johan cho biết mục tiêu của liên doanh DHN là trở thành đối tác đáng tin cậy trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Từ đó hỗ trợ người chăn nuôi, các trang trại, hệ thống nhà phân phối, đại lý thức ăn chăn nuôi cùng nhau phát triển bền vững.
“Hợp tác với De Heus là cơ hội để Hùng Nhơn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ chăn nuôi tiên tiến của De Heus. Từ đó, phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn của Hùng Nhơn, đặc biệt là việc ứng dụng mô hình HTX nông nghiệp rất thành công của Hà Lan tại Việt Nam, theo chủ trương của Bộ NN-PTNT”, ông Hùng chia sẻ lý do hợp tác với De Heus.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là dịp để hai nước Việt Nam - Hà Lan khẳng định mối quan hệ quan hệ Đối tác toàn diện, trong tổng thể quan hệ tốt đẹp với Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023. Trong chuyến công tác này, Thủ tướng đã các cuộc gặp gặp với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hà Lan như: Heineken, Nedspice, Harvest Waste và Royal De Heus.