Nhờ năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ nhiều năm nay xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu đã trở thành một trong những vựa cây ăn quả lớn của tỉnh Hưng Yên. Theo đó, thu nhập quân bình/ 1 ha canh tác ở địa phương này đã tăng 3-4 lần so với sản xuất lúa và một số cây màu khác. Nhưng điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” vẫn luôn là nỗi lo thường trực của nhà nông. Sự ra đời của HTX Chế biến Nông sản Toàn Phát từng bước giúp bà con khắc phục.
Anh Nguyễn Văn Phát, Giám đốc HTX Toàn Phát chia sẻ: HTX thành lập năm 2018 với 9 cổ đông sáng lập, mục tiêu chỉ chế biến long nhãn, giúp gia tăng giá trị canh tác nhãn cho các nhà vườn. Nhưng từ đầu năm đến nay, để phòng dịch Covid-19, mọi người dân đều hạn chế đi lại, nên các loại chuối trồng ở địa phương không bán được quả, xuất khẩu lại càng khó.
Nhìn những buồng chuối chín rục ngoài vườn, cho không có người lấy, vì nhà nào cũng đang thừa mứa, xót quá, anh mới nảy sinh ý tưởng: Đưa quả chuối vào sấy khô, ít ra cũng bảo quản được vài tháng, chưa biết chừng còn bán được. Nghĩ là làm, anh liền lên mạng dò tìm qui trình sấy chuối, thấy ra hàng loạt cách chế biến rau, quả các loại, bao gồm cả cung ứng dây chuyền điện máy, chuyển giao công nghệ...
"Nhờ được cầm tay chỉ việc kỹ lưỡng, tôi đã thành công ngay từ mẻ chuối sấy khô đầu tiên, sản phẩm ăn giòn, ngon, thơm, lạ miệng. Sau khi đưa vào bao gói qui cách và chào hàng tới các đại lý bánh kẹo, tôi đã từng bước bao tiêu được sản phẩm với số lượng ngày càng tăng. Ngoài kênh tiêu thụ trên, tôi còn xuất được cho nhiều hộ bán hàng online", anh Phát nói.
Phấn khởi với thành công ngoài sự mong đợi, HTX Toàn Phát tiếp tục mở rộng đầu tư sấy một số loại trái cây khác như: mít, bí xanh, mướp đắng, hạt sen trần và chuối sấy dẻo (nguyên quả), tất cả các nông sản này, sau chế biến đều cho giá trị tăng 2-3 lần so với bán nguyên liệu thô (quả tươi).
Hiện tại, mỗi ngày HTX có thể đưa vào chế biến 2.000kg quả tươi các loại, chỉ có nhãn là sấy theo mùa (Hè - Thu), các loại quả khác chế biến quanh năm. Chuối sấy giòn của HTX đã được UBND tỉnh Hưng Yên chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020, các dòng sản phẩm còn lại đều được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài giúp tăng thu nhập cho các cổ đông góp vốn, HTX còn tạo việc làm ốn định cho 7-8 lao động địa phương, cùng chục lao động thời vụ khác, mức thù lao trung bình từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày, tùy công việc.
“Mở ra ngành nghề này cơ bản chỉ để giúp giải quyết đầu ra nông sản của các nhà nông, chứ lợi nhuận cũng chỉ hơn đi làm thợ xây một chút và được thêm chủ động về mặt thời gian”, Giám đốc HTX Toàn Phát khẳng định.
Anh Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Phú Hòa (cùng xã) hào hứng khoe: "Tôi trồng 4 mẫu chuối tây, quả chín đúng thời gian giãn cách xã hội phòng ngừa Covid-19, không bán được đi đâu, đang loay hoay tìm chỗ tiêu hủy, thì được HTX Toàn Phát mua hết với giá 5.000 đồng/kg, không bằng giá bán mọi năm, nhưng còn hơn là đổ đi".
Ông Nguyễn Văn Phượng (cùng thôn Phú Hòa) cũng tiết lộ: Nếu không có HTX Toàn Phát mua với giá 8.000 đồng/kg, thì hàng tấn nhãn loại II (quả nhỏ mã xấu) của nhà tôi chỉ bán được 5.000-6.000 đồng/kg.
Vào nghề chế biến trái cây chưa lâu, nhưng anh Phát cũng đã đúc rút được một vài kinh nghiệm quí như: Để có sản phẩm mít sấy ngon, cần chọn nguyên liệu đầu vào là quả mít Thái ruột vàng (đang trồng phổ biến ở nước ta). Mít Thái có độ ngọt thấp hơn các giống mít địa phương, nhưng phù hợp cho chế biến công nghiệp, sấy nhanh khô, sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Đối chuối sấy giòn, sấy dẻo, nguyên liệu đầu vào cũng nên chọn loại quả chuối tây. Để tiêu thụ các loại trái cây chế biến, cần tăng cường quảng bá sản phẩm qua các nhà mạng miễn phí như: Zalo, Facebook, Messenger, Youtube và tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền để được tham gia các hội chợ thương mại. Chú ý, trong chế biến trái cây không nên sử dụng phụ gia và chất bảo quản, trừ các loại nông sản buộc phải dùng các chế phẩm trên, nhưng phải được nhà nước cho phép.