| Hotline: 0983.970.780

Liên kết nuôi gà sạch tạo chuỗi sản phẩm an toàn

Chủ Nhật 20/12/2020 , 09:49 (GMT+7)

Nhờ liên kết nuôi gà theo VietGAHP với Công ty TNHH Japfa comfeed Việt Nam, nhiều nông dân ở Thanh Hóa lãi ròng hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Thọ Chân, thôn Thăng Long, xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) liên kết nuôi gà với Công ty TNHH Japfa comfeed Việt Nam (gọi tắt là Japfa) cho biết, gia đình ông có 1,8 ha đất thầu khoán. Năm 2018, ông xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại và nuôi gia công gà lai Mía cho Japfa.

Trại nuôi gà của ông Chân được lắp đặt hệ thống máng uống nước và cung cấp thức ăn tự động nên giảm đáng kể nhân công. Tính từ năm 2019, đều như vắt chanh, mỗi năm ông lãi ròng 500-600 triệu đồng.

Điều khiến ông Chân yên tâm nhất là không những Japfa đầu tư giống, thức ăn và cử nhân viên kỹ thuật thường xuyên tư vấn, chăm sóc gà mà còn bảo lãnh để gia đình ông vay vốn ngân hàng.

“Liên kết nuôi gà VietGAHP với Japfa, chúng tôi được cấp giống, thức ăn, vắc xin, thuốc thú y và kỹ thuật. Với 2 trại có tổng diện tích 2,6  nghìn m2, tôi được công ty bảo lãnh vay ngân hàng vay 400 triệu đồng để đầu tư hệ thống chuồng trại, công suất nuôi từ 2,5-2,6 vạn con/lứa”.

Nhờ nuôi gà mía an toàn sinh học, mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Quang Vinh tại thôn 2, xã Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa) lãi ròng 500-600 triệu đồng. Ảnh: Võ Dũng.

Nhờ nuôi gà mía an toàn sinh học, mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Quang Vinh tại thôn 2, xã Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa) lãi ròng 500-600 triệu đồng. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Chân, toàn bộ gà thương phẩm sau khi nuôi đủ 3 tháng 15 ngày sẽ được Japfa thu về nên người chăn nuôi không lo lắng về đầu ra. Bình quân, mỗi năm ông Chân nuôi 3 lứa gà (7,5 vạn con) và lãi ròng khoảng 600 triệu.

Nói về liên kết nuôi gà sạch với Japfa, ông Chân cho rằng, người tiêu dùng nên thay đổi suy nghĩ về nông sản an toàn.

“Tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy các nước phát triển họ chỉ sử dụng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; nguồn thức ăn được quản lý chặt chẽ. Vật nuôi được nuôi theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng đầy đủ các loại vắc xin và có đủ thời gian cách ly... Trong khi đó, người Việt lại chuộng vật nuôi chăn thả tự nhiên hoặc bán chăn thả. Tất nhiên, để thay đổi tư duy này không phải là một sớm một chiều và vai trò quản lý nhà nước trong việc siết chặt quản lý vật tư đầu vào trong chăn nuôi là hết sức quan trọng” – ông Chân nêu quan điểm.

Còn ông Nguyễn Quang Vinh, thôn 2, xã Quý Lộc (Yên Định) cũng cho rằng, quy trình nuôi gà an toàn sinh học của Japfa rất chặt chẽ, sản phẩm là con gà Mía sau hơn 3 tháng nuôi, thịt cũng rất thơm ngon.

“Tôi cũng có 2 trại nuôi với công suất 2,5-2,6 vạn con/lứa. Vì tin tưởng vào mối liên kết này, tôi đã phá bỏ 1 ha bưởi da xanh để nuôi gia công gà mía cho Japfa. Trại của tôi còn đầu tư cả hệ thống cung cấp thức ăn tự động nên chỉ cần 1-2 nhân công là đủ” – ông Vinh cho biết.    

Bà Phạm Thị Thanh Bình, Trưởng ngành sản xuất gia cầm miền Bắc Công ty TNHH Japfa comfeed Việt Nam cho biết, tại 28 tỉnh ở khu vực miền Bắc và miền Trung có 900 trang trại gia công cho công ty.

Riêng tại Thanh Hóa hiện công ty đang liên kết với 80 trang trại, mỗi tháng cung cung ứng ra thị trường khoảng 300-400 nghìn con gà thương phẩm. Bình quân, mỗi hộ nuôi được 5 lứa gà gia công/năm và lãi ròng khoảng 250-300 triệu đồng.

“Gà trắng, nuôi thời gian 2 tháng xuất chuồng, trong đó có 15 ngày trống chuồng; gà màu 4 tháng/1 lứa, trong đó có 15 ngày trống chuồng để xử lý đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Gà tại các trang trại gia công của Japfa được nuôi theo quy trình VietGAHP, được chứng nhận VietGAHP từ năm 2017”.

“Trong lúc dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh trên vật nuôi đang diễn biến phức tạp, việc người dân liên kết với các công ty lớn là điều rất đáng khuyến khích. Những mối liên kết này không những tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn mà còn giúp người chăn nuôi nâng cao ý thức, kỹ thuật chăn nuôi, từng bước nâng cao giá trị và tỷ trọng của ngành nông nghiệp” – ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa.

  • Tags:
Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.