| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi gà kiểu mới

Thứ Năm 22/12/2022 , 10:11 (GMT+7)

Người tham gia chuỗi nuôi gà đầu tư chuồng trại, thiết bị và công chăn nuôi, doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm…

Gà là 1 trong nhóm 3 vật nuôi chủ lực được tỉnh Bình Định khuyến khích phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Gà là 1 trong nhóm 3 vật nuôi chủ lực được tỉnh Bình Định khuyến khích phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Hai bên cùng có lợi

Ngoài việc lai tạo và phát triển giống gà ta lông màu chất lượng cao, năm 2020, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (Công ty Cao Khanh) ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) bắt đầu tham gia thị trường gà ta thương phẩm, thông qua việc liên kết nuôi gia công với nhiều nông hộ, gia trại, trang trại, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đủ điều kiện chăn nuôi.

Theo ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cao Khanh, hiện Công ty đã thiết lập được mạng lưới nuôi gà thịt gia công tại nhiều tỉnh trên cả nước, đồng thời hợp tác với 5 doanh nghiệp lớn để nuôi gà gia công với số lượng 500.000 con.

Công ty Cao Khanh cung ứng cho các đối tác toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi trong suốt lứa nuôi. Hộ nhận nuôi gia công chỉ cần có chuồng trại và công chăm sóc. Trang trại ít nhất nhận nuôi khoảng 10.000 con, trang trại có cơ sở hạ tầng quy mô lớn hơn thì nhận nuôi từ 30.000 đến 50.000 con. Sau khi xuất bán lứa gà, trang trại nhận nuôi gia công được doanh nghiệp trả tiền công chăm sóc cộng với tiền thưởng nếu quản lý, chăm sóc chu đáo, đàn gà phát triển tốt.

“Với phương thức nuôi gia công, người nuôi có thu nhập khá mà không lo về đầu ra. Nếu thị trường biến động xấu, doanh nghiệp dù thua lỗ nhưng người nuôi gia công vẫn nhận đủ tiền công như thỏa thuận ban đầu. So sánh với những hộ nuôi nhỏ lẻ, thu nhập của hộ nuôi gà gia công cho doanh nghiệp ổn định hơn”, ông Cao Văn Khanh chia sẻ.

“Tham gia mô hình liên kết, gia đình tôi tự đầu tư chi phí xây dựng chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi và công chăm sóc đàn vật nuôi; doanh nghiệp thì cung cấp con giống, đầu tư thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn kiểm soát quy trình trong suốt quá trình chăn nuôi. Đến nay, tôi đã đầu tư xây dựng 4 hệ thống chuồng trại nuôi khép kín đủ năng lực nuôi cùng một lúc 60.000 con gà. Qua 2 năm tham gia liên kết cho thấy, doanh thu, lợi nhuận của gia đình tôi ổn định và ngày càng tốt hơn”, ông Phạm Đức Doanh, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát), người tham gia liên kết nuôi gia công với Công ty Cao Khanh, cho hay.

Với phương thức nuôi gia công mới, người nuôi có thu nhập khá mà không lo về đầu ra. Ảnh: V.Đ.T.

Với phương thức nuôi gia công mới, người nuôi có thu nhập khá mà không lo về đầu ra. Ảnh: V.Đ.T.

Tiến tới chế biến sâu

Qua 2 năm triển khai dự án liên kết, Công ty Cao Khanh ngày càng kết nối được với nhiều đối tác nuôi gà gia công trong và ngoài tỉnh. Theo đó, số lượng gà nuôi gia công hiện đã tăng lên 1,5 triệu con và chưa có dấu hiệu dừng lại. Gà thịt thương phẩm Cao Khanh được thương lái đánh giá cao về chất lượng, nhờ đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp và đối tác ngày càng phát triển.

“Trong thời gian tới, Công ty Cao Khanh sẽ nghiên cứu, tiến tới chế biến sâu thành phẩm đạt chất lượng cao để có thể công bố tiêu chuẩn về thịt gà ta Cao Khanh, tăng độ nhận diện đối với sản phẩm thịt gà ta nhãn hiệu Cao Khanh”, ông Phạm Xuân Vàng, Trưởng Ban Dự án nuôi gia công Công ty Cao Khanh cho biết.

Giữa năm 2022, Công ty Cao Khanh tham gia giới thiệu mô hình liên kết nuôi gia công tại Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức kinh doanh cho nông dân trong việc triển khai dự án sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị do Hội Nông dân tỉnh Bình Định tổ chức.

Hoạt động này của Công ty Cao Khanh còn thu hút được ngành nông nghiệp một số địa phương trong tỉnh. Hiệu ứng này đã thúc đẩy Công ty Cao Khanh mở rộng mạng lưới, dự kiến đầu năm 2023, Công ty sẽ tham gia phát triển nuôi gà thả đồi ở các huyện trung du và miền núi ở Bình Định với phương thức doanh nghiệp sẽ cung cấp, hỗ trợ giống; chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cho bà con.

Trong thời gian tới, Công ty Cao Khanh sẽ tham gia phát triển nuôi gà thả đồi ở các huyện trung du và miền núi ở Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Trong thời gian tới, Công ty Cao Khanh sẽ tham gia phát triển nuôi gà thả đồi ở các huyện trung du và miền núi ở Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

“Hình thức đầu tư nuôi gia công doanh nghệp cần phải có tiềm lực kinh tế. Bởi, để đầu tư nuôi gia công 1 triệu con gà, doanh nghiệp cần phải có đến 120 tỷ đồng mới đủ vốn xoay vòng nhằm duy trì lúc nào trong chuồng cũng có 1 triệu con gà. Cái khó nhất hiện nay của doanh nghiệp đầu tư nuôi gà gia công là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên đội giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh trên thị trường”, ông Cao Văn Khanh cho hay.

“Gà là 1 trong nhóm 3 vật nuôi chủ lực được tỉnh khuyến khích phát triển. Riêng với chăn nuôi gà, Bình Định sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia vào dự án liên kết phát triển gà thả đồi, xây dựng khu giết mổ tập trung để tham gia chế biến sâu các sản phẩm thịt gà thương phẩm”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ.

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cải tạo đồi cằn trồng na trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha

Lào Cai Từ những vùng đất đồi cằn cỗi, nhờ dày công cải tạo đất, áp dụng đồng bộ kỹ thuật chăm sóc, cây na đã cho ra quả trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.